Mảng bảo hiểm thực phẩm hiện nay gần như bị bỏ trống

Mảng bảo hiểm thực phẩm hiện nay gần như bị bỏ trống

"Khoảng hở" bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiềm năng của bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là có, nhưng vì cả nhà bảo hiểm lẫn doanh nghiệp sản xuất đều chẳng mặn mà nên đây vẫn là một “khoảng hở”…

Doanh nghiệp sản xuất thờ ơ

Xét về lý thuyết, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm có thể là một công cụ marketing hiệu quả cho các nhà sản xuất để gia tăng niềm tin của khách hàng vào sản phẩm của mình, còn với các công ty bảo hiểm sẽ là “mỏ vàng” hấp dẫn nhờ dư địa khai thác lớn. Thế nhưng kể từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam, tầm ảnh hưởng của bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm vẫn rất mờ nhạt.

Thực tế, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm đã được một số doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh mua cho sản phẩm của mình. Đại diện Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, tại Việt Nam, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm chủ yếu được áp dụng cho các sản phẩm tiêu dùng như bình nóng lạnh, thang trèo, bình lọc nước… Ngoài PTI, một số nhà bảo hiểm khác như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh... cũng đang triển khai bán sản phẩm bảo hiểm này.

Riêng với mảng thực phẩm, tầm quan trọng của bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là rõ ràng, nhất là khi có rủi ro xảy ra, song cũng chưa được các doanh nghiệp lĩnh vực này quan tâm. Nhìn lại các vụ ngộ độc thực phẩm như vụ khách hàng ngộ độc pate Minh Chay mới thấy, gần như không có nhà bảo hiểm nào bán bảo hiểm cho mảng thực phẩm.

Theo một doanh nghiệp bảo hiểm, với vụ việc thực phẩm Minh Chay nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất - cung cấp thực phẩm nói chung, nếu doanh nghiệp mua bảo hiểm cho sản phẩm của mình thì khi rủi ro xảy ra, nhà bảo hiểm sẽ thay mặt nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa bồi thường trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhưng vì “nói không” với bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, nên trách nhiệm đền bù thuộc về nhà sản xuất, phân phối thực phẩm.

Trên thị trường hiện nay, một số công ty bảo hiểm đã bán bảo hiểm cho các suất ăn công nghiệp, hàng hóa bán tại siêu thị…

“Các siêu thị lớn và các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp có quan tâm và một số đã mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, nhưng doanh thu còn thấp. Nhà bảo hiểm nào bán được nhiều nhất cũng chỉ vài trăm triệu tiền phí bảo hiểm mỗi năm”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ tiết lộ.

Cũng theo chia sẻ từ các doanh nghiệp bảo hiểm, khách hàng mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp có giao thương với thị trường quốc tế, vì điều kiện mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là bắt buộc trong các hợp đồng thương mại, trong khi đa phần doanh nghiệp trong nước còn thờ ơ với việc mua bảo hiểm cho sản phẩm mình sản xuất hay phân phối.

Nhà bảo hiểm cũng “ngán” vì nhiều rủi ro

Không thể phủ nhận tiềm năng của dòng sản phẩm này, nhưng bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm cũng “chẳng mặn mà” bán do nhận thấy nhiều rủi ro tiềm ẩn. Theo đại diện PTI, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là một sản phẩm bảo hiểm khá phức tạp, nhà bảo hiểm cần phải đánh giá đầy đủ các hoạt động của khách hàng thì mới bán được.

Chính vì khó đánh giá được rủi ro nên doanh nghiệp bảo hiểm mới không mặn mà triển khai, dẫn đến tỷ trọng doanh thu bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm chỉ chiếm phần rất nhỏ trong tổng doanh thu. Theo thống kê của PTI, doanh thu sản phẩm này chiếm tỷ trọng chưa đến 1% tổng doanh thu của Công ty.

Với các doanh nghiệp bảo hiểm, một trong những khó khăn trong quá trình triển khai bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là phạm vi bồi thường chưa được quy định rõ trong quy tắc bảo hiểm.

Chẳng hạn, với sản phẩm bảo hiểm hàng hóa cho các siêu thị, lúc này, các siêu thị giữ vai trò là trung gian thương mại, chứ không phải doanh nghiệp trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, về tình thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho khách hàng của siêu thị, sau đó sẽ thế quyền đòi bảo hiểm từ nhà cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, về lý thì không thực hiện được điều này do trong quy tắc bảo hiểm quy định rõ: Lỗi do đơn vị khác gây ra thì bị từ chối bảo hiểm.

Hoặc như trong quy tắc quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường khi sản phẩm được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng thế nào là đúng thì chưa được xác định rõ ràng. Ví dụ, khi bảo hiểm cho thang leo tại gia đình, nếu khách hàng mua thang lắp sai và bị ngã hoặc nhà sản xuất không có đầy đủ bảng hướng dẫn sử dụng thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng không có đủ căn cứ để bồi thường…

Mặt khác, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm còn khá phức tạp trong khâu định phí và bồi thường, được dân chuyên ngành gọi là sản phẩm “long - tail” (đuôi dài), vì thời điểm khởi kiện của khách hàng có thể xảy ra rất lâu sau khi họ mua sản phẩm. Khi đó, công ty bảo hiểm vẫn còn phải chịu trách nhiệm nên rủi ro là rất cao.

Loại hình bảo hiểm này phổ biến tại các nước phát triển do quy định bắt buộc về luật pháp, ý thức và sự đòi hỏi từ chính các khách hàng tiêu thụ sản phẩm, và quan trọng nhất là ý thức nâng cao trách nhiệm đối với các sản phẩm của nhà cung cấp.

Tuy nhiên, vì đây là loại hình bảo hiểm phức tạp bởi có thể liên quan đến các quy định về luật pháp bảo vệ người tiêu dùng không chỉ tại Việt Nam, mà còn là các nước trên thế giới, nơi sản phẩm được tiêu thụ, nên có ý kiến cho rằng, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm chỉ nên được cung cấp bởi các doanh nghiệp bảo hiểm lớn, có năng lực và kinh nghiệm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Không chỉ nhà sản xuất, đơn vị phân phối cũng phải có trách nhiệm

Theo Bảo hiểm PVI, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là loại hình bảo hiểm cho trách nhiệm pháp lý của người được bảo hiểm đối với thương tật thân thể, kể cả tử vong và thiệt hại tài sản của bên thứ ba xảy ra do khiếm khuyết của sản phẩm, hoặc của hàng hóa mà người được bảo hiểm cung cấp, bán, lắp đặt, xử lý... Vì thế, không chỉ nhà sản xuất, mà đơn vị phân phối sản phẩm cũng phải có trách nhiệm đối với hàng hóa cung cấp cho khách hàng.

Ví dụ, nhà bảo hiểm sẽ chi trả cho khách hàng của nhà sản xuất bê tông về các khiếm khuyết của các thanh chịu lực dẫn đến sập nhà, thiết bị điện sử dụng sai vật liệu hoặc lắp đặt sai làm người sử dụng bị thương tật, tử vong hoặc gây hỏa hoạn; với nhà cung cấp thực phẩm là thức ăn, thức uống bị nhiễm bẩn hoặc chế biến bằng vật liệu không phù hợp gây ngộ độc cho thực khách; với nhà sản xuất đồ chơi trẻ em là các bộ phận của đồ chơi gây thương tích cho trẻ em hoặc do không có khuyến cáo về độ tuổi có thể chơi; với nhà sản xuất phương tiện giao thông là sản phẩm có khiếm khuyết gây tai nạn giao thông...

Tin bài liên quan