Không quá quan ngại về thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, các ngân hàng Việt Nam hiện không có vấn đề gì lớn để quá quan ngại về thanh khoản mang tính hệ thống.

Nhiều ngân hàng Việt Nam dồn dập tiếp cận nguồn vốn từ các định chế tài chính nước ngoài như ADB, IFC… Đây không phải là câu chuyện mới, nhưng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang khá căng thẳng, ông có nhận định gì?

Có thể thấy, đang có sự gia tăng về nhu cầu thanh khoản trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, tôi không cho rằng có bất kỳ vấn đề đáng kể nào để quá lo ngại về sự an toàn và tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Chúng ta cần đặt nhu cầu thanh khoản của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu khi thanh khoản cũng đang bị thắt chặt ở nhiều thị trường khác trên thế giới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất cơ bản nhằm ứng phó với lạm phát, điều này cũng kéo theo một loạt ngân hàng trung ương khác trên thế giới nâng lãi suất. Cùng trong diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã hai lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á

Tóm lại, sự thắt chặt thanh khoản đang diễn ra tại nhiều nơi trên toàn cầu nên đó không chỉ là vấn đề cụ thể của Việt Nam. Tôi cho rằng, các ngân hàng Việt Nam hiện không có vấn đề gì lớn để quá quan ngại về thanh khoản mang tính hệ thống.

Để được tiếp cận nguồn vốn vay tại ADB, ngân hàng Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí gì?

Có ba yếu tố quan trọng mà các ngân hàng thương mại Việt Nam cần đáp ứng để có đủ điều kiện nhận các khoản vay.

Yếu tố thứ nhất và cũng quan trọng nhất đó là ngân hàng phải tạo dựng được uy tín về tín dụng, tiềm lực về tài sản, khả năng trả nợ. Ở đây, chúng ta đang nói đến các khoản vay trực tiếp từ ADB mà không có sự bảo lãnh của Chính phủ, nên chúng tôi rất quan tâm đến khả năng trả nợ của các ngân hàng.

Yếu tố thứ hai, chúng tôi muốn hợp tác với các ngân hàng phù hợp với những ưu tiên phát triển của ADB. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ADB không chỉ là một ngân hàng định hướng thương mại và mục đích không chỉ là để tìm kiếm lợi nhuận, mà còn là một ngân hàng phát triển, tài trợ cho các hoạt động phát triển xã hội.

Chẳng hạn, sử dụng tiền cho các mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, đầu tư xanh và bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những vấn đề tương tự nhưng phải mang lại lợi ích kinh tế rộng lớn hơn cho đất nước. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 và một số ưu đãi để khuyến khích hỗ trợ nhiều hơn các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Thứ ba là vấn đề quản trị doanh nghiệp và quản lý tài chính. Chúng tôi quan tâm các tiêu chuẩn cao về quản lý tài chính lành mạnh - một yếu tố quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Chúng tôi còn quan tâm đến những tác động về môi trường và xã hội có thể phát sinh từ các khoản vay mà ADB sẽ cung cấp.

Không ít ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam như VPBank, VIB, Masan, Lộc Trời... đã được các định chế tài chính nước ngoài cho vay với giá trị hàng trăm triệu USD

Không ít ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam như VPBank, VIB, Masan, Lộc Trời... đã được các định chế tài chính nước ngoài cho vay với giá trị hàng trăm triệu USD

Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề không chỉ đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận, ADB còn là ngân hàng phát triển, tài trợ cho các hoạt động phát triển xã hội?

ADB đã có một số sáng kiến như sử dụng quỹ tài trợ đi kèm với các khoản vay.

Ví dụ, chúng tôi có khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có khoản trợ cấp đến từ Sáng kiến Tài chính dành cho nữ doanh nhân. Đã có những nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ít được tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính. Khoản tài trợ này sẽ có hiệu lực nếu ngân hàng trong nước đáp ứng các mục tiêu nhất định về cho vay đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Đây chỉ là một trong những ví dụ về cách thức khuyến khích, sáng tạo sử dụng quỹ tài trợ mà ADB triển khai kết hợp với khoản vay.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật với một số ngân hàng như BIDV liên quan đến số hóa nhằm tạo nền tảng hỗ trợ hiệu quả hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả các dịch vụ kết nối kinh doanh và giao dịch trực tuyến. Chúng tôi luôn tìm nhiều cách hỗ trợ phát triển hơn là chỉ cho vay đơn thuần.

Doanh nghiệp trong nước ở nhiều lĩnh vực cũng mong muốn tiếp cận nguồn vốn từ các định chế tài chính nước ngoài, ông có lưu ý gì giúp doanh nghiệp Việt Nam sớm được chấp thuận cho vay?

Quan điểm đầu tiên của tôi về vấn đề này là các khoản vay của ADB bằng USD. Đối với một công ty có trụ sở tại Việt Nam, có doanh thu bằng đồng Việt Nam, rủi ro ngoại hối là một điều cần cân nhắc thận trọng. Khi xem xét các công ty tư nhân là những người đi vay tiềm năng, vấn đề mà các nhà cho vay nước ngoài lo ngại là tính minh bạch của các bên nhận đầu tư trong nước, mức độ tiết lộ thông tin về tình hình tài chính mà các công ty đưa ra. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, bước đầu tiên đối với một công ty địa phương khi tìm kiếm nguồn vốn quốc tế là phải lập báo cáo tài chính bằng tiếng Anh bởi một trong những công ty kiểm toán quốc tế lớn có uy tín.

Thứ hai, sẽ tốt hơn nếu báo cáo tài chính của doanh nghiệp có thể được trình bày theo các nguyên tắc kế toán được chấp nhận ở cả ở Việt Nam và tổ chức cho vay. Một điều cần xem xét là trình bày báo cáo này bằng cách sử dụng các chuẩn mực trong báo cáo tài chính quốc tế sẽ giúp việc phân tích và đánh giá trở nên dễ dàng hơn cho quyết định hợp tác lâu dài, giúp gia tăng sức hấp dẫn đối với định chế cho vay quốc tế.

Một yếu tố khác cần xem xét là giới hạn tổng thể hàng năm của Chính phủ đối với việc vay nước ngoài từ các ngân hàng quốc tế bằng ngoại tệ mạnh. Có một quy trình đăng ký thông qua Ngân hàng Nhà nước để tiếp cận các khoản vay. Vì vậy, những người đi vay tiềm năng cần phải hiểu rõ được điều đó.

Dường như các ngân hàng nhỏ của Việt Nam có rất ít cơ hội được vay từ định chế tài chính quốc tế?

Điều này chủ yếu phụ thuộc vào người đi vay, nhưng chúng tôi cũng đã chủ động đến làm việc với một số ngân hàng và đang tìm cách mở rộng mối quan hệ hợp tác. Chúng tôi quan tâm đến việc mở rộng hơn, bởi ngân hàng là lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng nhanh, các doanh nghiệp phát triển nhanh và cần phải đầu tư nhiều. Nhưng chúng ta đều biết, tất cả điều này phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông, các doanh nghiệp Việt được vay vốn trực tiếp từ các định chế tài chính nước ngoài sẽ có những lợi ích gì đối với kinh tế Việt Nam?

Có rất nhiều lợi ích. Đầu tiên là đa dạng hóa các nguồn tài trợ của công ty, giúp doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào nguồn tài trợ gần như duy nhất là tín dụng ngân hàng và tăng cường khả năng phục hồi. Chúng tôi lưu ý, các ngân hàng trong nước đều có giới hạn cho mỗi doanh nghiệp vay và một số công ty rất lớn ở Việt Nam đã đến ngưỡng giới hạn vay tại nhiều ngân hàng trong nước. Do đó, việc đa dạng hóa các nguồn tài trợ này rất có ý nghĩa.

Một lợi ích khác là cải thiện hồ sơ của các doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng. Ở các định chế tài chính nước ngoài, việc cho vay xuyên biên giới khó khăn hơn và có một quy trình thẩm định nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí thẩm định, nhằm thể hiện cho các đối tác tiềm năng biết rằng họ đang hoạt động ở mức tốt.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có cơ hội học hỏi từ định chế tài chính quốc tế về những loại hình đầu tư. Ví dụ, nhiều ngân hàng trong nước đã được hưởng lợi từ các định chế tài chính quốc tế khi vừa đầu tư vào vốn chủ sở hữu, vừa chia sẻ các thông lệ ngân hàng quốc tế với đối tác trong nước. Vì vậy, bên cho vay quốc tế có thể góp phần củng cố thành công và hiệu quả hoạt động của đối tác trong nước, từ đó giúp hình thành và phát triển mối quan hệ đối tác tốt.

Tin bài liên quan