"King Dollar" đang phải đối mặt với một cuộc nổi dậy

"King Dollar" đang phải đối mặt với một cuộc nổi dậy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mệt mỏi vì đồng đô la Mỹ quá mạnh và đang được vũ khí hóa, một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tìm cách phá vỡ vị thế thống trị của đồng đô la (King Dollar).

Các quốc gia nhỏ hơn, bao gồm ít nhất hơn 10 quốc gia ở châu Á, cũng đang thử nghiệm hệ thống phi đô la hóa; và các tập đoàn trên khắp thế giới đang chủ yếu phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ nhằm cảnh giác với sức mạnh của đồng đô la.

Không ai nói rằng đồng bạc xanh sẽ sớm bị truất ngôi với tư cách là phương tiện trao đổi chính. Những lời kêu gọi về “đồng đô la đạt đỉnh” đã nhiều lần được chứng minh là quá sớm. Nhưng cách đây không lâu, các quốc gia gần như không thể tưởng tượng được việc khám phá các cơ chế thanh toán mà không thông qua đồng tiền của Mỹ hoặc mạng SWIFT làm nền tảng cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Ngày nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang sử dụng sức mạnh của đồng đô la để thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong năm nay và những cải tiến công nghệ mới đang cùng nhau khuyến khích các quốc gia bắt đầu từ bỏ quyền thống trị của đồng đô la.

John Mauldin, chiến lược gia đầu tư và chủ tịch của Millennium Wave Advisors với hơn ba thập kỷ kinh nghiệm về thị trường cho biết: “Chính quyền Biden đã phạm sai lầm khi vũ khí hóa đồng đô la Mỹ và hệ thống thanh toán toàn cầu. Điều đó sẽ buộc các nhà đầu tư và quốc gia không phải người Mỹ phải đa dạng hóa ngoài nơi trú ẩn an toàn truyền thống là Mỹ”.

Thanh toán song phương

Các kế hoạch thanh toán song phương đã được tiến hành ở Nga và Trung Quốc để thúc đẩy tiền tệ của họ cho các khoản thanh toán quốc tế, bao gồm thông qua việc sử dụng các công nghệ chuỗi khối. Nga bắt đầu muốn lấy nguồn tiền cho việc cung cấp năng lượng bằng đồng rúp.

Ngay sau đó, các nước như Bangladesh, Kazakhstan,... cũng đang đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ. Ấn Độ bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ hơn về quốc tế hóa đồng rupee và đã bắt đầu đảm bảo cơ chế thanh toán song phương với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Tuy nhiên, tiến độ có vẻ chậm. Đồng nhân dân tệ không đạt được sức hút ở Bangladesh do thâm hụt thương mại lớn của quốc gia này với Trung Quốc.

Salim Afzal Shawon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Công ty môi giới chứng khoán BRAC EPL có trụ sở tại Dhaka cho biết: “Bangladesh đã cố gắng theo đuổi quá trình phi đô la hóa trong thương mại với Trung Quốc, nhưng xu hướng này gần như là một chiều”.

Động lực chính của những kế hoạch đó là động thái của Mỹ và Châu Âu nhằm cắt đứt Nga khỏi mạng SWIFT. Hành động này khiến hầu hết các ngân hàng lớn của Nga buộc phải dựa vào hệ thống mạng lưới thanh toán nhỏ hơn nhiều của riêng mình.

Điều đó có hai hàm ý. Đầu tiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga làm dấy lên mối lo ngại rằng đồng đô la có thể trở thành một công cụ chính trị lâu dài hơn. Do đó, Ấn Độ đã và đang phát triển hệ thống thanh toán cây nhà lá vườn và hệ thống này sẽ bắt chước một phần như mạng SWIFT.

Thứ hai, quyết định của Mỹ trong việc sử dụng tiền tệ như một phần của một hình thức quản lý kinh tế mạnh mẽ hơn đã gây thêm áp lực buộc các nền kinh tế ở châu Á phải chọn lựa. Nếu không có bất kỳ hệ thống thanh toán thay thế nào, họ sẽ gặp rủi ro buộc phải tuân thủ hoặc thực thi các biện pháp trừng phạt mà họ có thể không đồng ý và mất cơ hội giao dịch với các đối tác quan trọng.

Taimur Baig, Giám đốc điều hành và nhà kinh tế trưởng của DBS Group Research cho biết: “Yếu tố phức tạp trong chu kỳ này là làn sóng trừng phạt và thu giữ đối với việc nắm giữ USD. Với bối cảnh này, các nước trong khu vực tìm cách giảm sự phụ thuộc vào USD là không có gì đáng ngạc nhiên”.

Jonathan Wood, người đứng đầu bộ phận phân tích rủi ro toàn cầu tại Control Risks cho biết: “Các biện pháp trừng phạt gây khó khăn hơn đối với các quốc gia và công ty trong việc giữ thái độ trung lập trong các cuộc đối đầu địa chính trị. Các nước sẽ tiếp tục cân nhắc các mối quan hệ kinh tế và chiến lược. Các công ty đang bị kẹt trong môi trường tiến thoái lưỡng nan hơn bao giờ hết và phải đối mặt với các nghĩa vụ tuân thủ phức tạp cũng như các áp lực mâu thuẫn khác”.

Không chỉ các biện pháp trừng phạt giúp đẩy nhanh xu hướng phi đô la hóa. Đồng đô la tăng mạnh cũng khiến các quan chức châu Á tích cực hơn trong nỗ lực đa dạng hóa.

Theo chỉ số đô la của Bloomberg, đồng đô la đã mạnh lên khoảng 7% trong năm nay, trên đà tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2015. Chỉ số này đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 9 khi đồng đô la tăng mạnh và đẩy nhiều đồng tiền từ đồng bảng Anh đến đồng rupee của Ấn Độ xuống mức thấp kỷ lục.

Nhiều vấn đề khó khăn

Sức mạnh của đồng đô la là một vấn đề đau đầu đối với các quốc gia châu Á khi chứng kiến ​​giá mua thực phẩm tăng cao, gánh nặng trả nợ ngày càng trầm trọng và tình trạng nghèo đói ngày càng sâu sắc.

Sri Lanka là một trường hợp điển hình khi lần đầu tiên vỡ nợ với các khoản nợ bằng đô la do đồng bạc xanh tăng vọt làm tê liệt khả năng chi trả của quốc gia.

Do đó, đã xuất hiện các động thái như thỏa thuận của Ấn Độ với UAE để thúc đẩy chiến dịch dài hạn nhằm giao dịch nhiều hơn bằng đồng rupee và thiết lập các thỏa thuận dàn xếp thương mại bỏ qua đồng tiền của Mỹ.

Trong khi đó, doanh số bán trái phiếu bằng đồng đô la của các công ty phi tài chính đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 37% trên tổng doanh số toàn cầu vào năm 2022, trong con số này trong bất kỳ năm nào của hơn thập kỷ qua là hơn 50%.

Mặc dù tất cả các biện pháp này có thể có tác động hạn chế đến thị trường trong ngắn hạn, nhưng kết quả cuối cùng có thể là sự suy yếu về nhu cầu đối với đồng đô la. Chẳng hạn, tỷ trọng của đồng đô la Canada và nhân dân tệ Trung Quốc trong tất cả các giao dịch tiền tệ đang dần tăng cao hơn.

Ngoài ra, tiến bộ công nghệ là một yếu tố khác tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực tránh xa đồng bạc xanh.

Một số nền kinh tế đang cắt giảm việc sử dụng đồng đô la như một sản phẩm phụ của nỗ lực xây dựng mạng lưới thanh toán mới, đây là một chiến dịch có từ trước khi đồng bạc xanh tăng giá. Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan đã thiết lập các hệ thống giao dịch với nhau bằng đồng nội tệ của họ thay vì đồng đô la. Đài Loan (Trung Quốc) có thể thanh toán bằng hệ thống mã QR được liên kết với Nhật Bản.

Nhìn chung, những nỗ lực này đang thúc đẩy đà tiến xa hơn so với hệ thống do phương Tây dẫn đầu vốn là nền tảng cho tài chính toàn cầu trong hơn nửa thế kỷ. Điều đang nổi lên là một cấu trúc ba tầng với đồng đô la vẫn ở trên cùng, nhưng tăng cường các tuyến thanh toán song phương và các lĩnh vực thay thế như đồng nhân dân tệ nhằm tìm cách nắm bắt bất kỳ sự xâm phạm tiềm năng nào của Mỹ.

Tuy nhiên, có vẻ như vị trí thống trị của đồng đô la sẽ không sớm bị ảnh hưởng. Sức mạnh và quy mô của nền kinh tế Mỹ vẫn không bị thách thức và trái phiếu Kho bạc Mỹ vẫn là một trong những tài sản an toàn nhất để lưu trữ vốn và đồng đô la chiếm tỷ trọng lớn trong dự trữ ngoại hối toàn cầu.

“Rất khó để cạnh tranh trên mặt trận tiền pháp định, chúng tôi thấy người Nga đang làm điều đó bằng cách buộc sử dụng đồng rúp, và tương tự với đồng nhân dân tệ. Cuối cùng, các nhà đầu tư vẫn thích tài sản thanh khoản hơn và theo nghĩa này, không gì có thể thay thế đồng đô la”, George Boubouras, chuyên gia kỳ cựu về thị trường và là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại K2 Asset Management cho biết.

Tuy nhiên, sự kết hợp của các động thái rời bỏ đồng đô la là một thách thức đối với điều mà Bộ trưởng Tài chính Pháp khi đó là Valéry Giscard d'Estaing đã mô tả một cách nổi tiếng là "đặc quyền cắt cổ" mà Mỹ được hưởng. Thuật ngữ này được ông đặt ra vào những năm 1960, mô tả quyền bá chủ của đồng bạc xanh bảo vệ Mỹ khỏi rủi ro tỷ giá hối đoái và dự đoán sức mạnh kinh tế của quốc gia như thế nào. Và cuối cùng mô hình Bretton Woods đã ra đời. Đây là một hệ thống thiết lập đồng đô la với tư cách là người dẫn đầu trong trật tự tiền tệ.

Homin Lee, chiến lược gia vĩ mô châu Á tại Lombard Odier cho biết, những nỗ lực mới nhất “cho thấy nền tảng thanh toán và thương mại toàn cầu mà chúng ta đã sử dụng trong nhiều thập kỷ có thể bắt đầu rạn nứt. Toàn bộ mạng lưới này được sinh ra từ hệ thống Bretton Woods, đó là nền tảng mà chúng tôi đã phát triển cho đến nay có thể đang bắt đầu chuyển sang một hướng khác”.

Bài học có giá trị

Kết quả cuối cùng: King Dollar có thể vẫn ngự trị tối cao trong nhiều thập kỷ tới, nhưng động lực xây dựng các giao dịch bằng các loại tiền tệ thay thế không có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt nếu các lá bài theo xu hướng mâu thuẫn địa chính trị tiếp tục thuyết phục các quan chức đi theo con đường của riêng họ.

Trong khi đó, việc chính phủ Mỹ sẵn sàng sử dụng tiền tệ của mình trong các cuộc chiến địa chính trị cũng có thể làm suy yếu khả năng theo đuổi các phương pháp như vậy một cách hiệu quả trong tương lai.

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết: “Xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ mang đến một bài học rất quý giá. Nhiều quốc gia cảm thấy họ có thể thực hiện các giao dịch trực tiếp hay song phương bằng cách sử dụng đồng tiền của họ, điều mà tôi nghĩ là tốt cho thế giới khi sử dụng tiền tệ và hệ thống thanh toán cân bằng hơn nhiều”.

Tin bài liên quan