Thông tin bảo hiểm càng minh bạch thì càng hạn chế rủi ro tranh chấp

Thông tin bảo hiểm càng minh bạch thì càng hạn chế rủi ro tranh chấp

Kinh doanh bảo hiểm thêm lối an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nội dung về cơ sở dữ liệu hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm cả dữ liệu bảo hiểm xã hội số VSSID, được đưa vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 kỳ vọng sẽ gia tăng tính minh bạch, hạn chế tranh chấp bảo hiểm trên thị trường.

Thêm người mua thắng kiện nhà bảo hiểm

Tại phiên xét xử phúc thẩm tranh chấp giữa nguyên đơn là khách hàng và bị đơn là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên đại diện của khách hàng Phạm Minh Mẫn thắng kiện vào ngày 6/3/3023. Prudential phải trả cho người được bảo hiểm tổng số tiền hơn 434 triệu đồng.

Cho rằng khách hàng cố ý kê khai không trung thực, đầy đủ tình trạng sức khỏe khi làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, Prudential đã từ chối chi trả quyền lợi tử vong cho hợp đồng này.

Không đồng ý với lý do trên, khách hàng đã làm đơn khởi kiện ra tòa án. Theo đơn kiện, khách hàng này đã kê khai rõ ràng cả nơi điều trị bệnh lẫn thời gian điều trị, mà không có ý che dấu.

“Trong thời gian xem xét việc chấp nhận bảo hiểm, với việc kê khai điều trị bệnh tại Bệnh viện Nguyễn Trãi và kết quả khám thẩm định sức khỏe tại Bệnh viện quốc tế Minh Anh, đồng thời gia đình cũng đã cho phép kiểm tra hồ sơ bệnh án của người được bảo hiểm, nhưng tại sao phía Prudential không yêu cầu kiểm tra các đơn thuốc trong sổ khám bệnh?…”, khách hàng thắc mắc tại đơn kiện.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên mà phần thắng thuộc về người được bảo hiểm. Trước đây, từng có một số trường hợp bên mua bảo hiểm khiếu kiện ra tòa được xử thắng và nhận tiền bồi thường bảo hiểm dù chưa kê khai trung thực, đầy đủ thông tin liên quan tới hợp đồng bảo hiểm, chứ không bị từ chối như lâu nay mọi người vẫn nghĩ.

Chẳng hạn, tại phiên xét xử phúc thẩm tranh chấp giữa một khách hàng và Công ty cổ phần Bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life), Tòa án nhân dân Quận 7 (TP.HCM) tuyên khách hàng này thắng kiện vào ngày 2/2/2021. Trước đó, tại bản án số 61/2015/DS-PT, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên buộc một công ty bảo hiểm nhân thọ phải trả cho người được bảo hiểm tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.

Trên thực tế, giấy yêu cầu bảo hiểm do công ty bảo hiểm soạn sẵn thường ghi rõ: “Khách hàng đồng ý cho phép cơ quan bảo hiểm, công ty bảo hiểm, bác sĩ hoặc cơ sở y tế đã điều trị hoặc tư vấn sức khỏe được quyền cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, công ty tái bảo hiểm hoặc tòa án có liên quan bất kỳ thông tin nào về yêu cầu bảo hiểm/bồi thường hoặc tình trạng sức khỏe của những người tham gia bảo hiểm khi được yêu cầu. Bản sao của hồ sơ này có giá trị như bản gốc”...

Các luật sư từng là đại diện pháp lý của các khách hàng trên cho biết, nhiều công ty bảo hiểm đã viện lý do khách hàng “không kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm”… để từ chối chi trả bảo hiểm cho khách hàng và được ủng hộ bởi số đông đại lý bảo hiểm vì ai cũng nghĩ “cứ khai sai thông tin là bị từ chối”, nhưng khi ra đến tòa kết quả có thể sẽ khác.

VSSID – kênh thông tin hữu hiệu về sức khỏe bảo hiểm

Các thị trường bảo hiểm trên thế giới đều coi việc kê khai trung thực, đầy đủ của chủ hợp đồng khi tham gia bảo hiểm là yếu tố chính để cấp đơn bảo hiểm.

Có quan điểm cho rằng, cần bổ sung quy định công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm kiểm tra dữ liệu VSSID - Bảo hiểm xã hội số để có thông tin sức khỏe của người được bảo hiểm trước khi nhận bảo hiểm, từ đó có thể rà soát lại các hợp đồng bảo hiểm hiện hữu và phản hồi khách hàng ngay để tránh rủi ro tranh chấp sau này.

Theo ông Trương Minh Cát Nguyên, CEO TILA Finance, chủ động tìm hiểu tình trạng sức khỏe người mua bảo hiểm trước khi cấp đơn là việc nhà bảo hiểm nên làm và VSSID là một trong những kênh cung cấp thông tin hữu hiệu. Điều này sẽ giúp hạn chế những lùm xùm liên quan tới bán bảo hiểm có xu hướng tăng thời gian gần đây, đặc biệt là kênh bán qua ngân hàng.

Quan điểm trên nhận được sự hưởng ứng của nhiều thành viên thị trường, nhưng cũng có ý kiến không đồng tình vì cho rằng, việc kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm là điều người tham gia bắt buộc phải làm.

Việc khách hàng đồng ý cho phép các bên (công ty bảo hiểm, bác sĩ hoặc cơ sở y tế…) được quyền cung cấp cho công ty bảo hiểm hoặc tòa án đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe của người tham gia bảo hiểm không đồng nghĩa với việc công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm đi tìm hiểu, bởi thực tế là kể cả với VSSID, hệ thống cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm hay hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cũng khó có thể cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác một cách tuyệt đối. Do đó, các thị trường bảo hiểm trên thế giới đều coi việc kê khai trung thực, đầy đủ của chủ hợp đồng khi tham gia bảo hiểm là yếu tố chính để cấp đơn bảo hiểm.

Chưa kể, nếu buộc công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm thu thập tất cả các thông tin cần thiết về khách hàng, chi phí sẽ tăng lên và khách hàng phải gánh phần gia tăng này, từ đó càng làm tăng phí bảo hiểm.

Thực tế cho thấy, thông tin bảo hiểm càng minh bạch thì càng hạn chế rủi ro tranh chấp, cho nên cả bên mua lẫn bên bán bảo hiểm đều cần phải thực hiện tốt điều này. Luật Kinh doanh bảo hiểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng bảo vệ bên mua bảo hiểm nhiều hơn khi đưa ra quy định: “Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hoàn phí cho bên mua”.

Trong khi đó, dữ liệu VSSID được xem là một phần không thể tách rời với hệ thống cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đây là điều được cả thị trường mong chờ, chứ không riêng các công ty bảo hiểm, thế nhưng hiện vẫn thiếu hành lang pháp lý cũng như hướng dẫn cụ thể để áp dụng trong thực tiễn.

Được biết, nội dung về cơ sở dữ liệu hoạt động kinh doanh bảo hiểm sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 mới được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ và mong sớm được ban hành.

Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm các nhóm thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực và phát sinh mới trong kỳ báo cáo.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, đó là thông tin về số lượng người được bảo hiểm (chi tiết theo rủi ro được bảo hiểm, độ tuổi tham gia bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, năm hợp đồng bảo hiểm xảy ra rủi ro, giới tính, thói quen sinh hoạt ảnh hưởng tới sức khỏe), xác suất người được bảo hiểm còn sống theo từng năm và các thông tin liên quan khác phục vụ việc xây dựng các tỷ lệ rủi ro bảo hiểm...

Ngoài ra cơ sở dữ liệu còn bao gồm nhóm thông tin về đại lý bảo hiểm (các báo cáo về đào tạo và sử dụng đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm…); về hoạt động thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm...

Tin bài liên quan