Lãi suất điều hành còn dư địa giảm?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất điều hành còn dư địa giảm thêm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023, nhằm tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất giảm thêm, kích cầu tín dụng tăng trưởng, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định.
Lãi suất điều hành còn dư địa giảm?

Lãi suất điều hành còn dư địa giảm thêm

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Hiện lãi suất tái cấp vốn giảm còn 4,5%, lãi suất tái chiết khấu giảm còn 3%, nhằm tạo điều kiện để giảm lãi suất, kích cầu tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, Ngân hàng UOB cho rằng vẫn có triển vọng cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,50%), nhưng thời gian thực hiện có thể được chuyển sang quý IV/2023 và quyết định này có thể cần cân nhắc khi ngân hàng trung ương xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.

Theo UOB, tỷ lệ lạm phát đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây và rủi ro là áp lực tăng giá tiêu dùng có thể gia tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân là do giá thực phẩm và năng lượng tăng khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng, xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, cùng những thay đổi về khí hậu/thời tiết.

"Chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát CPI của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, số liệu mới nhất là 3,7% cho tháng 9, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm nay là 2% (tháng 6/2023) và đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%", UOB cho hay.

Do đó, dự báo của UOB về việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của NHNN trong quý IV/2023 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam cũng cho rằng, NHNN đã thể hiện vai trò điều hành rõ nét trong giai đoạn khó khăn vừa qua, bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận vốn và giảm bớt áp lực nợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp từ chính sách tài khoá thông qua việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Các chính sách hỗ trợ cũng đã được các doanh nghiệp tận dụng tốt.

Tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã cho thấy mức hồi phục khá trong nửa đầu năm 2023, trong khi các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới cũng đã phục hồi một cách khiêm tốn, với một số công ty bất động sản phát hành thành công trái phiếu.

Cũng theo ông Khoa, tâm lý người tiêu dùng cũng đã trở nên dần tích cực hơn, với số lượng nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực.

Những dấu hiệu kể trên cho thấy các biện pháp nới lỏng chính sách của NHNN đã có những hiệu quả nhất định. Trên cơ sở đó, NHNN nhiều khả năng tiếp tục theo đuổi chính sách theo hướng linh hoạt, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Nhóm nghiên cứu HSBC giữ nguyên dự báo, NHNN sẽ còn một lần hạ lãi suất điều hành thêm 0,5% từ nay đến cuối năm, là lần hạ cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ lần này.

"Trong bối cảnh lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, ưu tiên hiện nay sẽ là hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đặt ra từ đầu năm", ông Khoa nói.

.... nhưng sẽ cân nhắc kỹ

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc phát hành tín phiếu hút mạnh tiền của NHNN gần đây không phải là tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ, nhưng không gian để nới lỏng thêm tương đối hạn chế.

Theo đó, lượng hút ròng lũy kế của NHNN tính đến ngày 3/10/2023 đạt gần 111 nghìn tỷ, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và lãi suất tín phiếu đã bắt đầu tăng lần lượt lên 0,55% và 1,18% theo số liệu gần nhất.

Diễn biến này cùng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng tốc cuối năm có thể sẽ giúp cho chênh lệch lãi suất VNĐ và USD thu hẹp hơn. Cùng với việc tỷ giá đã tăng 3,5% kể từ đầu năm 2023, các chuyên gia phân tích của VDSC không kỳ vọng các hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất tạo thêm áp lực lên tỷ giá.

Trên thực tế, tâm lý thị trường đã nhanh chóng thay đổi thể hiện qua sự sụt giảm mạnh của thanh khoản toàn thị trường. Đặc biệt dòng tiền tại các nhóm ngành dẫn dắt tâm lý đợt vừa qua – Bất động sản, Chứng khoán, xây dựng (đầu tư công) – đã có dấu hiệu suy yếu rõ rệt.

VnDirect cũng vừa có báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô, với quan điểm thận trọng áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành càng thu hẹp.

Một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023, bao gồm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, NHNN có một số yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá, bao gồm: Thặng dư thương mại duy trì mức cao, FDI và kiều hối ổn định; Các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ.

Nhìn chung, tỷ giá có thể biến động mạnh vào cuối năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tăng không quá 2% so với đầu năm 2023.

Mức giảm giá vừa phải của VND so với USD (dưới 3%) sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (tăng khả năng cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam). Ngoài ra, điều này ít có khả năng khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh ra khỏi Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VnDirect, áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành càng thu hẹp...

TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, với lãi suất điều hành, khả năng NHNN cũng sẽ phải cân nhắc về bài toàn tỷ giá.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ hết sức khó khăn trong khi thách thức do kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, duy trì lãi suất cao.

Chỉ số USD tăng cao trở lại 106 điểm, tỷ giá USD so với VND có thời điểm tăng 3,7% so với đầu năm. Tuy nhiên, theo Thống đốc, với việc điều tiết tiền tệ thông qua các công cụ, giải pháp thị trường tiền tệ, tỷ giá hiện nay còn tăng 3% so với đầu năm.

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh cần có cái nhìn xuyên suốt, không chỉ nhìn vào mục tiêu một năm. Việc điều hành cần nhìn vào xu hướng, những rủi ro trong thời gian tới để chủ động điều hành, tránh để lạm phát bùng lên, mất thời gian dài đưa giảm trở lại, gây hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế.

Tin bài liên quan