Lãi suất tiết kiệm đang trong xu hướng giảm về mức trước dịch

Lãi suất tiết kiệm đang trong xu hướng giảm về mức trước dịch

Lãi suất giảm, dòng tiền vẫn chưa chuyển hướng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang trong xu hướng giảm, nhưng điều này dường như là chưa đủ để dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản... khi kinh tế còn khó khăn.

Đà giảm lãi suất tiền gửi chưa dừng lại

Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tại các ngân hàng tư nhân đã giảm 0,5-1%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm 1,5-3%/năm so với cuối quý I/2023. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ một vài trong tổng số 34 ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất huy động trên 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng như GPBank (8,6%/năm), ABBank (8,3%/năm), BaoVietBank (8,1%/năm), VIB (8,2%/năm), NCB (8,1%/năm), PVcomBank (8,2%/năm)... Các ngân hàng tư nhân lớn hiện áp dụng mức lãi suất huy động từ 7,2-7,8% cho kỳ hạn 12 tháng, còn nhóm “Big4” huy động kỳ hạn này với lãi suất chỉ khoảng 6,8%/năm.

Từ tháng 3/2023 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Trong đó, đợt giảm gần nhất là từ ngày 25/5/2023, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Sau động thái này, VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ giảm về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023, dựa trên những lý do: Nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối năm 2023.

Mặt khác, tăng trưởng tín dụng liên tục giảm trong những tháng đầu năm 2023 do ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, cũng như triển vọng kinh tế nói chung vẫn tương đối ảm đạm. Nhìn chung, giới phân tích đưa ra nhận định, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc nên thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào, từ đó kỳ vọng lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Trên thực tế, dù mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong xu hướng giảm, song nguồn tiền nhàn rỗi của người dân vẫn tìm đến ngân hàng “trú ẩn” trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… chưa khởi sắc trở lại. Trong khi đó, so với lạm phát, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn thực dương rất cao, mà nói Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% mà lãi suất huy động lên đến 9%/năm là chưa hợp lý”.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tính đến tháng 5/2023, lạm phát chỉ ở quanh mức 2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khống chế dưới 4% mà Quốc hội đề ra, đó cũng là lý do vì sao lãi suất tiết kiệm giảm mà huy động vốn của ngân hàng vẫn tăng.

Hiện các khoản tiết kiệm trong giai đoạn lãi suất đạt đỉnh sắp đáo hạn, song để tiền từ tiết kiệm chảy vào các kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán, bất động sản... thì lãi suất tiết kiệm phải ở mức rất thấp trong thời gian đủ dài.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/4/2023, hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng vẫn khá tích cực, đạt 12,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% dư nợ cho vay (tín dụng tăng 3,04% so với cuối năm 2022), thanh khoản hệ thống dồi dào. Tuy nhiên, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn trong chiều hướng giảm do mặt bằng lãi vay cao nên doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn vốn tự có. Còn với khách hàng cá nhân, nguồn tiền gửi chảy vào ngân hàng tăng đều vì cho rằng đây là kênh gửi tiết kiệm là giải pháp an toàn trong bối cảnh kinh tế biến động.

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Wi Group cho hay, thanh khoản hệ thống ngân hàng nhìn chung dư thừa nhẹ trong ngắn hạn, nhưng tổng tín dụng trong nền kinh tế vẫn đang cao hơn so với huy động. Ngoài ra, nợ xấu nội bảng của các nhà băng có chiều hướng tăng, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhanh, gây ra áp lực không nhỏ lên thanh khoản ngân hàng, cho dù có các chính sách giãn hoãn, tái cơ cấu nợ.

Các chuyên gia kinh tế - tài chính đưa ra dự báo, nếu lãi suất điều hành tiếp tục giảm sẽ tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay. Lãi suất tiền gửi được dự báo sẽ quay lại mức trước dịch Covid-19, thúc đẩy dòng tiền chuyển hướng các kênh đầu tư khác, song chưa thể sớm chảy vào chứng khoán, bất động sản.

Dòng tiền chưa sớm chuyển hướng

Dữ liệu giao dịch trong quá khứ cho thấy, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, chỉ số VN-Index thường tăng nhẹ trong 3 tháng đầu, trước khi mạnh dần lên trong các tháng tiếp theo. Tính trung bình giai đoạn 6 tháng sau đợt nâng lãi suất điều hành, chỉ số này tăng khoảng 13,6%.

Hiện tại, sau các đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, VN-Index đã tăng trở lại cả về điểm số lẫn thanh khoản, tiệm cận vùng 1.110 điểm, nhưng đà tăng chưa mạnh.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, VNDirect nhận định, mặt bằng lãi suất giảm sẽ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. Lãi vay hạ giúp giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán, đồng thời làm giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp, từ đó cải thiện lợi nhuận của thị trường. Xu hướng lãi suất và thu nhập vận động tích cực hơn sẽ tạo sức bật cho thị trường chứng khoán. Trong 3 lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành gần đây, nhìn chung, các ngành đều có phản ứng tích cực. Trong đó, dịch vụ tài chính và viễn thông là hai nhóm tăng trưởng cao nhất.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng, lãi suất tiền gửi 6-12 tháng giảm khoảng 2%/năm về mức 6%/năm, cùng với sự mất giá 1-2% của đồng Việt Nam có thể thúc đẩy tiền gửi ngân hàng chuyển sang bất động sản cho thuê và cổ phiếu. Dẫu vậy, lượng tiền gửi sẽ khó giảm mạnh trong năm 2023 vì tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động khoảng 3%/năm trong 3 năm qua, khiến tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) trên toàn hệ thống đạt gần 100% vào cuối năm 2022 (như được tính ở hầu hết quốc gia).

Theo VinaCapital, Chính phủ có thể giúp đẩy nhanh quá trình hạ hệ số LDR trên toàn hệ thống bằng cách bơm thêm thanh khoản vào thị trường thông qua một số giải pháp như: Xây dựng lại dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, có thể bơm khoảng 20 tỷ USD vào nền kinh tế trong năm nay; tài trợ cho các gói cho vay khoảng 10 tỷ USD do Chính phủ hỗ trợ như đề cập ở trên thông qua Ngân hàng Nhà nước.

VinaCapital kỳ vọng GDP danh nghĩa của Việt Nam (bao gồm cả lạm phát) sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2023, qua đó có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD tiền gửi ngân hàng. Nếu Chính phủ bơm 40-50 tỷ USD thanh khoản vào nền kinh tế có thể dẫn đến tăng trưởng tiền gửi vượt tăng trưởng cho vay khoảng 3% và lãi suất huy động giảm nhẹ (tức tăng trưởng cho vay đạt 13% so với tăng trưởng tiền gửi đạt 16%).

Trong khi đó, một nhà phân tích tài chính cho rằng, trong ngắn hạn, khả năng tiền bị rút mạnh khỏi kênh tiết kiệm ngân hàng sẽ khó xảy ra. Hiện các khoản tiết kiệm trong giai đoạn lãi suất đạt đỉnh sắp đáo hạn, song để tiền từ tiết kiệm chảy vào các kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán, bất động sản... thì lãi suất tiết kiệm phải ở mức rất thấp trong thời gian đủ dài.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đưa ra nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành mới chỉ là điều kiện cần, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì cần thêm điều kiện đủ là sản xuất và tiêu dùng phải tăng trưởng. Thế nhưng, hiện tại, cả 2 lĩnh vực quan trọng này đều đang giảm tốc, cho nên nền kinh tế chưa thể bật mạnh.

Tin bài liên quan