Thị trường bảo hiểm còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024

Thị trường bảo hiểm còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024

Lãi suất phá đáy, bảo hiểm khó tìm cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất giảm khiến thu nhập tài chính các doanh nghiệp bảo hiểm bị tác động, nỗ lực tìm tăng trưởng từ hoạt động nghiệp vụ là yêu cầu cho năm 2024.

Thách thức kế hoạch 2024

Năm 2024, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đặt mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt khoảng 243.472 tỷ đồng, tăng 7,19% so với năm trước. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực phi nhân thọ đạt 79.687 tỷ đồng, tăng trưởng 12%; lĩnh vực nhân thọ đạt 163.785 tỷ đồng, tăng trưởng 5%.

Theo giới quan sát, đây là kế hoạch đầy thách thức, nhất là sau một năm 2023 có nhiều biến cố - lần đầu tiên sau hơn 20 năm không tăng trưởng về doanh thu. Cụ thể, năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.134 tỷ đồng, giảm 8,02% so với năm trước. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 71.149 tỷ đồng, tăng trưởng 2,87%; lĩnh vực nhân thọ ước đạt 155.985 tỷ đồng, giảm 12,5%.

Kết quả trên hoàn toàn trái ngược với dự báo được đưa ra hồi cuối năm 2022, cụ thể là Bộ Tài chính dự báo thị trường bảo hiểm 2023 sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu khoảng 15% so với năm 2022, nhưng cuối cùng doanh thu phí bảo hiểm không những không tăng mà còn giảm khi thị trường đối mặt với khó khăn “kép”: Nền kinh tế tăng trưởng chậm và khủng hoảng niềm tin trầm trọng.

Trở lại với chỉ tiêu của năm 2024, việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao phần nào cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc tạo “cú huých” tâm lý cho thị trường bảo hiểm nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều lãnh đạo công ty bảo hiểm nhân thọ đánh giá năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn, nhưng vẫn đặt mục tiêu doanh thu tăng cao để càng thêm nỗ lực “lấy lại những gì đã mất”, song song với việc tăng cường chất lượng phục vụ khách hàng. Đơn cử, Daiichi Việt Nam đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu năm 2024 ở mức 30-40%, cho dù năm 2023 chỉ hoàn thành khoảng 60% kế hoạch đề ra.

Cơ hội từ đâu?

Với bối cảnh thị trường hiện tại, cơ hội tìm kiếm doanh thu cho cả doanh nghiệp nhân thọ và phi nhân thọ được chỉ ra đó là bảo hiểm sức khỏe - cũng là phân khúc có diễn biến sôi động nhất trong năm qua, được thúc đẩy bởi xu hướng già hóa dân số và tầng lớp trung lưu tăng nhanh.

Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc F.I.S Vietnam (công ty hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm), cơ hội đến từ một vài điểm sáng liên quan đến sản phẩm mới, cách phân phối mới…, nhưng quan trọng là các công ty bảo hiểm có linh hoạt thích nghi với sự thay đổi này hay không. Ngoài ra, để nhận diện cơ hội đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ thì cũng cần đo lường được mức độ lấy lại niềm tin của thị trường này thông qua các chỉ tiêu như tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang có hiệu lực và con số này tính đến hết năm 2022 vào khoảng 13,92 triệu hợp đồng, tăng 5,45% so với năm 2021, trong đó số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới đạt 3,4 triệu hợp đồng (giảm khoảng 4,2% so với số lượng hợp đồng khai thác mới của năm 2021). Các dòng sản phẩm chủ đạo như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mang lại tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm lớn nhất (khoảng 85% phí bảo hiểm nhân thọ) cho năm 2022 thì đến năm 2023 đã chững hẳn lại, cho nên năm 2024 sẽ khó có thể khôi phục nhanh trở lại.

Ngoài yếu tố trên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội còn đến từ số lượng người dân có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện còn rất khiêm tốn so với quy mô dân số hơn 100 triệu người của Việt Nam, cho thấy dư địa khai thác rất lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không chỉ trong năm 2024, mà còn trong nhiều năm tới.

Trong khi đó, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ như Prudential, Manulife, Daiichi, Generali… đã tăng cường hoàn thiện quy trình đào tạo, giám sát, quản lý các đại lý bảo hiểm sau quãng thời gian khá dài “buông lỏng”, dẫn đến những tồn tại trong khai thác, giao kết hợp đồng, tính trung thực của hợp đồng bảo hiểm.

Với khối phi nhân thọ, cơ hội trong năm 2024 được cho là rộng mở hơn so với khối nhận thọ nhờ ít chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn từ cuộc khủng hoảng niềm tin vừa qua. Mặt khác, khối phi nhân thọ có lợi thế riêng là có thể bán đa dạng sản phẩm bảo hiểm cho đa dạng khách hàng, từ bảo hiểm xe cơ giới, tàu bè, hàng hóa, tới bảo hiểm sức khỏe, tài sản, xây dựng, du lịch…, chứ không chỉ tập trung vào bảo hiểm con người như khối nhân thọ, cho nên khả năng đa dạng hóa nguồn thu cũng cao hơn, nhất là với những công ty bảo hiểm có nội lực, xuất hiện trong nhiều dự án trọng điểm quốc gia cũng như các dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Đơn cử, năm 2023, Bảo hiểm PVI đã xuất hiện tại một loạt hợp đồng bảo hiểm trong các dự án trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án xây dựng Nhà ga T3 - Sân bay quốc tế Nội Bài với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… Trong đó, gói thầu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là lớn nhất và quan trọng nhất của dự án trọng điểm mà ngành giao thông, Chính phủ, Quốc hội đặc biệt quan tâm, với tổng giá trị xây lắp khoảng 35.000 tỷ đồng. Dự án có phí bảo hiểm quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành bảo hiểm Việt Nam với tổng giá trị bảo hiểm gần 28.000 tỷ đồng và phí bảo hiểm lên tới hơn 365 tỷ đồng. Đây là dự án thi công xây dựng công trình và bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba trong quá trình xây dựng Nhà máy chính - dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I của EVN.

Đáng chú ý, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, dòng sản phẩm về thai sản của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ với đặc tính đơn giản, dễ hiểu hơn hẳn so với các sản phẩm kỳ hạn dài của khối nhân thọ tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng. Các doanh nghiệp bảo hiểm khối này đang mở rộng thị trường, liên kết với các đối tác chiến lược là các showroom, gara sửa chữa xe, bệnh viện, ngân hàng, các ứng dụng ví điện tử… triển khai các loại hình bảo hiểm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn.

Ngoài ra, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ còn được hưởng lợi từ ngân hàng mẹ, với lượng tiền mặt dồi dào vẫn luôn có cơ hội để giữ nhịp tăng trưởng, bất chấp khó khăn từ thị trường chung. Đơn cử, là công ty con của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), năm 2023, Bảo hiểm Agribank (ABIC) ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn 2.018,4 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022; lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm đạt 716,9 tỷ đồng, tăng 18,9% và lợi nhuận trước thuế đạt 308 tỷ đồng, tăng 11,2%. Lượng tiền gửi lớn tại Agribank trong năm 2023 đã mang lại khoản lãi tiền gửi có kỳ 172,2 tỷ đồng cho ABIC, tăng 30,7% so với năm trước (chưa kể 110,7 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn).

Tại phiên thảo luận hội trường Kỳ họp bất thường thứ 5 - Quốc hội khoá XV về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều ngày 15/1/2024, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ sự băn khoăn trước quy định về liên kết bán bảo hiểm qua ngân hàng chưa đảm bảo, chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn cán bộ ngân hàng “ép” khách hàng vay vốn, gửi tiết kiệm phải mua bảo hiểm. Ngoài ra, việc Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Dai-ichi và AIA dự kiến vào cuối tháng 1 này được cho là sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường này.

Tin bài liên quan