Doanh nghiệp bảo hiểm có thể "cười tươi" khi lãi suất tăng phản ảnh rõ nét hơn vào lợi nhuận.

Doanh nghiệp bảo hiểm có thể "cười tươi" khi lãi suất tăng phản ảnh rõ nét hơn vào lợi nhuận.

Lợi nhuận bảo hiểm “nương” theo đà tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 70% danh mục đầu tư là tiền gửi tiết kiệm. Do đó, môi trường lãi suất tăng đang giúp các doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi.

Chưa rõ nét trong năm 2022

Khi thị trường tiền mặt ngày càng nóng lên với mức lãi suất được điều chỉnh tăng, ngành được hưởng lợi là bảo hiểm vì những doanh nghiệp ngành này sở hữu nhiều tiền mặt và gửi tiết kiệm nhiều nhất (ngành kinh doanh tiền, huy động tiền qua các sản phẩm bảo hiểm…).

Tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu thế tăng lãi suất huy động, khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Dù chưa thể hiện sớm trong kết quả kinh doanh quý IV/2022, nhưng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ rõ ràng hơn từ quý I/2023.

Ước tính, nếu lãi suất tăng thêm 1%/năm sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp phi nhân thọ tăng thêm hơn 10%.

Hiện tại, trong danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, khoản mục tiền gửi và trái phiếu doanh nghiệp thường chiếm khoảng 90% (tỷ lệ tiền gửi chiếm khoảng 70%, trái phiếu chiếm khoảng 20%) giá trị đầu tư, do đó hiệu suất sinh lời sẽ gia tăng trong môi trường lãi suất tăng. Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) ước tính, nếu lãi suất tăng thêm 1%/năm sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp phi nhân thọ tăng thêm hơn 10%.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến hết ngày 12/12/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng.

Ngành bảo hiểm tiếp tục là “tấm lá chắn” vững chắc cho nền kinh tế - xã hội. Hàng năm, ngành bảo hiểm chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách nhà nước.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm tính đến ngày 12/12/2022 ước đạt 64.018 tỷ đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khối phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, khối nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng.

Ở một thống kê khác, tính tới ngày 30/9/2022, chỉ riêng 7 công ty bảo hiểm đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (Tập đoàn Bảo Việt - mã BVH, Bảo hiểm Bảo Minh - mã BMI, Công ty Cổ phần PVI - mã PVI, Bảo hiểm Bưu điện - mã PTI, VINARE - mã VNR, PJICO - mã PGI, Bảo hiểm Quân đội - mã MIG) đã có 127.508,8 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn), chiếm trung bình 42% tổng tài sản.

Việc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2022 là cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể tác động mạnh lên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm là bởi các doanh nghiệp lĩnh vực này luôn sở hữu một lượng lớn tiền mặt.

Các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành từ ngân hàng trung ương sẽ tác động trực tiếp lên khả năng sinh lời trên tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm. Với lợi thế về lượng tiền mặt ròng, ngành bảo hiểm sẽ trực tiếp hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất huy động tăng.

Trên thực tế, doanh thu tài chính của nhóm công ty bảo hiểm thường tỷ lệ thuận với diễn biến lãi suất thị trường trong từng giai đoạn. Khi lãi suất tăng, doanh thu tài chính tăng và ngược lại.

Chẳng hạn, xét doanh thu tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng) của 3 doanh nghiệp bảo hiểm là Bảo Việt, Bảo Minh và PVI, từ năm 2009 đến năm 2011, doanh thu này tăng trùng với thời điểm lãi suất trong nước tăng lên, sau đó chững lại trong giai đoạn lãi suất giảm từ năm 2012 đến năm 2015, trước khi phục hồi trong giai đoạn 2017-2019 khi lãi suất tăng trở lại.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS), trong năm 2023, doanh thu tài chính vẫn sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, doanh nghiệp phi nhân thọ nói riêng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi còn ở mức cao.

Đơn cử, với Bảo hiểm Quân đội, trong quý III/2022, lợi nhuận tài chính đạt 44 tỷ đồng (tăng trưởng 10%), đóng góp 69,4% vào tổng lợi nhuận của doanh nghiệp này. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, con số này đạt 149 tỷ đồng (giảm 2,4%) do thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn đóng góp 87,4% vào lợi nhuận trước thuế.

BVS cho rằng, với hơn 52% danh mục đầu tư là tiền gửi tiết kiệm, Bảo hiểm Quân đội vẫn sẽ được hưởng lợi đáng kể từ xu hướng tăng lãi suất, cho dù tác động có độ trễ từ 6-12 tháng trước khi toàn bộ danh mục tiền gửi được phản ánh. BVS ước tính, tài sản đang quản lý (AUM) của hãng bảo hiểm này giảm 2% trong năm 2022, nhưng tăng 4% trong năm 2023.

Lợi suất đầu tư trong năm 2022 giảm xuống mức 5,3% do vẫn chịu mức lãi suất thấp và thị trường chứng khoán không thuận lợi, trước khi tăng lên mức 6,2% trong năm 2023 khi lãi suất tiền gửi tăng cao được phản ánh vào kết quả kinh doanh.

Thận trọng là trên hết

Lãi suất tăng là một yếu tố hỗ trợ, nhưng một số chuyên gia cho rằng, yếu tố này chưa phản ánh rõ nét vào lợi nhuận năm 2022, vì thời điểm cuộc đua tăng lãi suất huy động nổ ra vào cuối quý III/2022, trong khi các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm đã được lên kế hoạch từ trước. Do đó, trong năm 2023, khi được thể hiện cụ thể hơn, đây sẽ là kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi nhuận tốt cho các công ty bảo hiểm, nhất là khi mặt bằng lãi suất tiền gửi dự kiến sẽ còn neo ở mức cao.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay, bên cạnh tuân thủ quy định phải đảm bảo tỷ lệ tiền gửi chiếm khoảng 70% tổng danh mục đầu tư, tình hình thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán không thuận lợi sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên gửi tiền tại ngân hàng. Với mức lãi suất khá hấp dẫn hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có xu hướng lựa chọn những kỳ hạn tiền gửi dài từ 1 năm trở lên để được hưởng mức lãi suất cao.

Liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, vị này cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới không cho phép các công ty bảo hiểm trực tiếp đầu tư vào bất động sản, điều này sẽ khiến doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng hơn trong việc mở rộng danh mục đầu tư sang trái phiếu địa ốc, dù cho vẫn đánh giá đây là kênh hấp dẫn.

“Điểm mấu chốt trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm đó là tính thanh khoản để có nguồn tiền đảm bảo khả năng chi trả bồi thường cho khách hàng. Do đó, ngoài khoản mục đầu tư tiền gửi có mức độ an toàn cao, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ rất thận trọng trong việc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp... Tùy vào tình hình thị trường cũng như mục tiêu kỳ vọng của doanh nghiệp mà tỷ trọng của các khoản mục này sẽ thay đổi theo”, vị đại diện trên nói.

Tin bài liên quan