Lãi suất vẫn có cơ hội hạ khi lạm phát có dấu hiệu tạo đỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin trên bất ngờ được ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (mã DXS) đưa ra trong Talkshow Chọn danh mục kỳ 13 với chủ đề: “Cổ đất” sau giai đoạn tiền dễ, tiền rẻ do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức ngày 21/7.
Lãi suất vẫn có cơ hội hạ khi lạm phát có dấu hiệu tạo đỉnh

Trong một báo cáo của Fiin Group nhận định, các doanh nghiệp niêm yết có thể xoay xở cho các lô trái phiếu đáo hạn tập trung vào năm 2023 - 2024. Nhìn sang Trung Quốc, dễ nhận thấy rằng sau giai đoạn thắt chặt, chính sách lại đang rất nới lỏng với tín dụng bất động sản.

Câu hỏi được đặt ra là: “Phải chăng tự chúng ta đang làm khó mình?”

Theo quan điểm cá nhân, ông Phùng Quang Hải, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã KHG) cho rằng, với tình hình hiện nay, để chờ đợi đột phá chính sách hay tác động từ các yếu tố thế giới như giá thép, giá dầu tác động một cách mạnh mẽ lên thị trường cuối năm thì không nên kỳ vọng quá nhiều.

Cần nhìn thẳng vào thực tế là có những khó khăn thực sự đang tồn tại trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực hơn, khan hiếm nguồn cung là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng.

“Kỳ vọng nửa cuối năm, ngân hàng có động thái nới lỏng room, vĩ mô có khởi sắc, nhưng không nên quá kỳ vọng”, ông Hải nói.

Trong khi đó, ông Phạm Anh Khôi lại có cái nhìn khác. Ông Khôi cho rằng, nhu cầu mua nhà để ở của người dân Việt Nam rất cao, nhất là ở các khu đô thị lớn như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long Thành, Đồng Nai…

Nguồn cung chưa đủ phục vụ nhu cầu, có nghĩa thị trường bất động sản còn nhiều khả năng phát triển. Kỳ vọng từ nay tới cuối năm, Chính phủ có những động thái để khơi thông nguồn vốn cho người mua nhà.

Mặt khác, Việt Nam không nhất thiết phải có động thái như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì các chính sách vĩ mô của Việt Nam tương đối độc lập. Dẫn chứng là lạm phát khiến mọi người tỏ ra lo lắng, nhưng hiện tại vẫn trong kỳ vọng 4 - 4,5% - chưa cần động thái gia tăng lãi suất, thậm chí, một số quốc gia kích cầu bằng giảm lãi suất.

“Tôi có góc nhìn hơi khác, có thể có sự bất ngờ, đó là có khả năng nhìn thấy lãi suất ở Việt Nam giảm chứ không tăng, vì vĩ mô ổn định trong 6 tháng cuối năm, lạm phát vẫn kiểm soát được”, ông Khôi nhận định.

Đánh giá bao quát về thị trường, ông Vũ Ngọc Quang, Chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research cho rằng, chính sách có thể tác động đến thị trường bất động sản cuối năm nay phải kể đến khung pháp lý, cụ thể là luật đất đai sửa đổi, Nghị định 153 về phát hành trái phiếu.

Thêm nữa, nới room tín dụng đâu đó có thể đáp ứng nhu cầu ở thực của người mua nhà. Tuy nhiên, nới lỏng room chỉ ở mức tương đối và chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều. Thay vào đó, cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp bất động sản tái cơ cấu, chuẩn bị dòng tiền để có thể đáp ứng trái phiếu đến hạn 2022 - 2023.

Đồng thời, chúng ta cần theo dõi thị trường chặt chẽ, nếu xu hướng lãi suất cuối năm có thể tăng thì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của người mua nhà và thanh khoản trên thị trường bất động sản.

Còn về mặt bản chất, ông Quang nhấn mạnh, để tháo gỡ triệt để các vướng mắc của thị trường không chỉ trong một sớm một chiều, vì hệ thống khung pháp lý trong thị trường bất động sản còn khá nhiều các luật thông tư nghị định có liên quan và các cơ quan nhà nước đang dần hoàn thiện khung pháp lý này.

Tin bài liên quan