Thời gian qua, Việt Nam đã không rơi vào tình trạng lạm phát cao như nhiều nước trên thế giới.

Thời gian qua, Việt Nam đã không rơi vào tình trạng lạm phát cao như nhiều nước trên thế giới.

Lạm phát và ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát cao và thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nổi bật là nguy cơ suy thoái kinh tế, thắt chặt tiêu dùng, sụt giảm thị trường tài chính, rối loạn thị trường tiền tệ, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính và cả khủng hoảng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, hệ thống ngân hàng không phải là ngoại lệ, mà ngược lại còn có thể rơi vào tâm điểm khủng hoảng do tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp từ lạm phát cao và các biện pháp chống lạm phát với các hệ quả nhãn tiền như thu hẹp hoạt động, giảm giá trị tài sản nắm giữ, kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu giảm, nợ xấu tăng cao... và việc tháo chạy khỏi ngân hàng (bankrun) gây ra tình trạng phá sản ngân hàng và đẩy cao rủi ro hệ thống. Bí quyết là tìm được điểm cân bằng giữa lợi ích (kiểm soát lạm phát thành công) và chi phí hay tổn thất do các biện pháp chống lạm phát gây ra cho cả nền kinh tế - tài chính và xã hội.

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Từ thế giới...

Ngày 10/3/2023 đã đi vào lịch sử tài chính - ngân hàng thế giới khi Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ rơi vào tình trạng phá sản và bị Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) chiếm quyền kiểm soát toàn bộ.

Đây là vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất kể từ sau vụ phá sản của Washington Mutual năm 2008, nên khiến nhiều người lo sợ sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tương tự như cách đây 15 năm.

Tình hình càng đáng lo ngại hơn khi chỉ 2 ngày sau lại có thêm Signature Bank (SB) bị phá sản và có tới 6 ngân hàng khác đối mặt nguy cơ tương tự vì cùng nguyên nhân sâu xa là chính sách tăng lãi suất liên tục với bước nhảy lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm 2022 và chưa có điểm dừng.

Do lạm phát ở Mỹ tăng vọt lên trên 9% nên tính đến tháng 3/2023 Fed đã có 9 lần liên tiếp tăng lãi suất cơ bản từ mức gần 0% lên gần 5%/năm sau nhiều năm nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt là giai đoạn đối phó với đại dịch Covid-19 thông qua việc bơm hàng ngàn USD cũng như nhiều gói trợ cấp khổng lồ ra thị trường.

Biến động địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng một số sản phẩm thiết yếu càng làm cho lạm phát ở Mỹ vượt khỏi tầm kiểm soát, buộc Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó tập trung vào tăng lãi suất cơ bản, bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế xảy ra như hệ quả tất yếu trong khi thâm hụt ngân sách và núi nợ công ngày càng trĩu nặng.

Mặc dù lãi suất cơ bản ở Mỹ đã tăng rất cao và rất nhanh, song lạm phát tính đến tháng 3/2023 vẫn ở mức 5% (lạm phát cơ bản lên tới 5,6%), tức là vẫn gấp 2,5 lần so với mục tiêu lạm phát chỉ 2% hàng năm, nên dự báo Fed có thể đẩy lãi suất cơ bản lên mức đỉnh 5,5-5,75%/năm nếu lạm phát không hạ nhiệt.

Trong khi chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế và việc làm để chống lạm phát, thì bất ngờ hệ thống tài chính ngân hàng Mỹ để lộ “gót chân Asin” từ sự đổ vỡ của SVB và SB. Mặc dù cả SVB lẫn SB đều là những ngân hàng khu vực với phạm vi hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực start-up, công nghệ và đầu tư mạo hiểm đối với trường hợp SVB hay trong lĩnh vực tiền số đối với trường hợp SB, song do quy mô tài sản mỗi ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ USD nên các cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ như Fed hay FDIC phải vào cuộc ngay lập tức với những chính sách gần như chưa có tiền lệ nhằm tránh rủi ro hệ thống và nguy cơ tháo chạy (bankrun) khỏi ngân hàng.

Theo quy định, tiền gửi tối đa được bảo hiểm tại ngân hàng Mỹ là 250.000 USD, song FDIC đã tuyên bố bảo đảm quyền lợi cho tất cả các khoản tiền gửi tại SVB và SB bất kể quy mô là bao nhiêu. Rõ ràng, biện pháp quyết liệt đó đã trấn an thị trường và ngăn chặn tức thì làn sóng “bankrun” - khởi điểm cho một cuộc khủng hoảng tài chính quốc gia, thậm chí khủng hoảng tài chính toàn cầu khi kinh tế Mỹ vẫn chiếm tới trên 20% GDP của cả thế giới. Chưa hết, Fed còn dự tính dành khoảng 2.000 tỷ USD để tài trợ thanh khoản lẫn khả năng thanh toán cho các ngân hàng Mỹ nếu gặp những vấn đề tương tự SVB và SB.

Với vụ Silicon Valley Bank, FDIC đã phải ngay lập tức vào cuộc bằng những chính sách chưa có tiền lệ nhằm tránh rủi ro hệ thống.

Với vụ Silicon Valley Bank, FDIC đã phải ngay lập tức vào cuộc bằng những chính sách chưa có tiền lệ nhằm tránh rủi ro hệ thống.

Những biện pháp tức thời và dứt khoát của các cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ đã có tác dụng tích cực khi biến động của các thị trường chứng khoán, vàng, dầu thô và thậm chí cả tiền số đã nhanh chóng vượt qua cơn hoảng loạn, trong khi thị trường tài chính ngoài Mỹ phản ứng tương đối bình tĩnh trước nguy cơ sụp đổ ngân hàng lan rộng.

Dẫu vậy, sự sụp đổ của SVB và SB buộc Fed phải thận trọng xem xét lại bước tăng lãi suất tiếp theo ngay từ kỳ họp cuối tháng 3/2023 và cả những tháng tiếp theo khi cội nguồn đổ vỡ của các ngân hàng này chính là chính sách thắt chặt tiền tệ của mình.

Việc lãi suất tăng liên tục khiến cho nhiều tài sản mà SVB và SB nắm giữ bị mất giá, đặc biệt là trái phiếu chính phủ Mỹ, trong khi nhiều khách hàng có tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng này ồ ạt rút tiền để đối phó với sự chấm dứt của thời kỳ vốn rẻ. Cả SVB lẫn SB đều rơi vào tình trạng mất thanh khoản, cổ phiếu rớt giá hàng chục phần trăm, thậm chí mất khả năng thanh toán và thua lỗ hàng tỷ USD.

Thêm vào đó, SVB và SB đều thoát khỏi sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, do từ năm 2018, chỉ những ngân hàng có quy mô trên 250 tỷ USD mới bị giám sát chặt, thay vì 50 tỷ USD theo Đạo luật Dodd-Frank ra đời từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nới lỏng giám sát khiến cho không ít ngân hàng ở Mỹ tăng trưởng thần tốc, trong khi khả năng quản lý và kiểm soát rủi ro lại không theo kịp. Củng cố hệ thống giám sát ngân hàng không thể thực hiện trong ngày một ngày hai nên ưu tiên hàng đầu trước mắt của Fed là thận trọng hơn trong điều hành lãi suất cơ bản với bước nhảy ngắn hơn và giãn thời gian điều chỉnh, đồng thời sớm chấm dứt thời kỳ tăng lãi suất hơn so với dự kiến, thậm chí đảo chiều chính sách tiền tệ ngay trong nửa sau năm nay.

Khu vực ngân hàng châu Âu cũng đối mặt nguy cơ khủng hoảng với các trường hợp của Credit Suisse và Deutsche Bank, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là để đối phó với lạm phát thậm chí lên đến hơn 10% thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhiều lần tăng lãi suất cơ bản cùng với quản lý hoạt động của một số ngân hàng châu Âu, kể cả ngân hàng lớn, chưa phản ứng kịp với ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát và cả niềm tin của khách hàng cũng như nhà đầu tư.

... Đến Việt Nam

Diễn biến lạm phát và tác động của biện pháp thắt chặt tiền tệ, lãi suất chống lạm phát tới hệ thống ngân hàng thế giới cho Việt Nam nhiều bài học quý báu. Trước hết, Việt Nam đã không rơi vào tình trạng lạm phát cao như nhiều nước trên thế giới. Tốc độ tăng CPI bình quân năm 2020 chỉ là 3,23% và thậm chí năm 2021 còn giảm về 1,84% - mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, trước khi tăng trở lại mốc 3,15% vào năm 2022.

Lạm phát ở Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ trở lại kể từ tháng 3/2022, song vẫn cách xa mục tiêu 4% của năm 2022 và từ tháng 3/2023 cũng đã lùi xuống dưới ngưỡng mục tiêu 4,5% của năm 2023. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn buộc phải thắt chặt tiền tệ để đối phó với tác động của lạm phát cũng như chính sách tăng lãi suất chống lạm phát của nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới tới tỷ giá hối đoái và dòng vốn ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước công bố, từ 23/9/2022, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 6%/năm. Một tháng sau, ngày 24/10/2022, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.

Nhờ tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát và có chính sách tiền tệ linh hoạt, đúng đắn nên hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn cơ bản duy trì hoạt động tốt, vượt qua thách thức từ lạm phát toàn cầu và thắt chặt chính sách tiền tệ.

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Các quyết định của Ngân hàng Nhà nước đã đảo ngược chính sách giảm lãi suất điều hành áp dụng từ 2 năm trước do tác động của đại dịch Covid-19. Đối với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì ổn định cán cân thanh toán luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Do đó, mặc dù lạm phát ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt, song thời điểm đó, việc tăng lãi suất điều hành là cần thiết không chỉ để kiểm soát yếu tố này, mà nhằm mục tiêu lớn hơn là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc Fed liên tục tăng lãi suất cơ bản làm cho USD lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới. Chỉ số USD tăng vọt lên trên 110 điểm khiến hàng loạt quốc gia phải phá giá đồng nội tệ một cách chủ động, phần lớn là bị động, thậm chí đến hàng chục phần trăm.

Trong bối cảnh đó, áp lực giảm giá của VND ngày càng lớn và việc chỉ số giá USD tháng 12/2022 giảm 2,6% so với tháng 11/2022 và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021 nên bình quân năm 2022 tăng 2,09% so với năm trước là bằng chứng cho sự đúng đắn trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc chọn thời điểm tăng lãi suất điều hành vào cuối quý III/2022 - đầu quý IV/2022 chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước đã tính toán kỹ về độ trễ tác động của chính sách tiền tệ, khi hướng chính sách này không chỉ vào thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát quý cuối năm 2022, mà quan trọng hơn là thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo còn nhiều bất ổn, không chỉ lạm phát cao mà thậm chí có thể đi kèm với suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính - ngân hàng.

Các ngân hàng Việt Nam đã đối mặt với năm 2022 đầy khó khăn khi tính đến 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 3,85% so với cuối năm 2021 - thấp hơn đáng kể so với mức tăng tổng phương tiện thanh toán 14,8% của năm 2019 và cả những năm chịu tác động mạnh của đại dịch như năm 2020 (tăng 14,5%) hay năm 2021 (tăng 10,7%). Theo đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng vỏn vẹn 5,99% - thấp hơn nhiều so với mức tăng 15,4% của năm 2019 hay 14,9% của năm 2020 và 10,3% của năm 2021. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế năm 2022 đạt hơn 14% - cao hơn mức tăng 13,6% của năm 2019 và năm 2021, hay mức tăng 12,2% của năm 2020.

Thắt chặt chính sách tiền tệ đã tác động tới toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ nợ xấu... đến tính thanh khoản, chất lượng tài sản và giá cổ phiếu của ngân hàng, khi thị trường chứng khoán năm 2022 sụt giảm mạnh so với năm 2021. Tại thời điểm ngày 27/12/2022, chỉ số

VN-Index là 993,7 điểm, giảm 33,68% so với cuối năm 2021; vốn hóa thị trường khoảng 5,263 triệu tỷ đồng (tính đến ngày 15/12/2022), giảm 32,2% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân 20.410 tỷ đồng/phiên, giảm 23,3% so với bình quân năm 2021.

Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp SCB đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 15/10/2022 cùng với hiện tượng rút tiền ồ ạt từ ngân hàng này, 28 ngân hàng khác đã báo cáo lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 196.450 tỷ đồng, tăng 33,8% so với năm 2021. Rõ ràng, nhờ tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát và có chính sách tiền tệ linh hoạt, đúng đắn nên hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn cơ bản duy trì hoạt động tốt, vượt qua thách thức từ lạm phát toàn cầu và thắt chặt chính sách tiền tệ.

Đón đầu chính sách của Fed, từ ngày 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giảm tất cả lãi suất điều hành từ 0,5-1%/năm (ngoại trừ lãi suất tái cấp vốn) khi áp lực lên tỷ giá hối đoái đã giảm và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Ngày 31/3/2023, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất lần thứ hai với mức giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất điều hành (có hiệu lực từ 3/4/2023) và gần đây nhất, ngày 23/5 vừa qua, NHNN đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-NHNN về việc giảm các mức lãi suất điều hành từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Đồng thời là Quyết định số 951/QĐ-NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm”. Những động thái này cho thấy tín hiệu đảo chiều chính sách đã và sẽ trở thành xu hướng vững chắc cùng với phản ứng tích cực của thị trường.

Tin bài liên quan