Loạt diễn biến bất ngờ làm nóng mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng

Loạt diễn biến bất ngờ làm nóng mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
Cao điểm mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay của ngân hàng sẽ diễn ra từ cuối tuần này.

Hàng loạt diễn biến mới đây, như các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) dần lộ diện, hoạt động bán chéo bảo hiểm - đầu tư trái phiếu bị thanh tra... báo hiệu một mùa đại hội “nóng”.

Lộ diện nhiều thương vụ M&A đình đám

Theo tài liệu mới được công bố, tại ĐHĐCĐ năm nay, VPBank không chỉ trình cổ đông thông qua thương vụ bán vốn 1,5 tỷ USD cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation, mà còn để ngỏ nhiều thương vụ khác.

Cụ thể, VPBank trình cổ đông giao Hội đồng Quản trị chủ động thực hiện các giao dịch liên quan đến góp vốn, mua cổ phần, mua lại công ty con, liên kết, hợp tác hoặc tham gia các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém…

Ngoài ra, trên thị trường cũng có tin đồn rằng, VPBank đang xây dựng phương án nhận chuyển giao bắt buộc GPBank. Trước đó, năm 2022, VPBank đã lần lượt mua lại Công ty Chứng khoán ASC và Công ty Bảo hiểm OPES.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, việc VPBank tham gia nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém sẽ giúp ngân hàng này được cấp hạn mức tín dụng cao hơn so với mức trung bình của ngành trong năm nay.

Ngoài VPBank, mới đây, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng xác nhận, tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, ban lãnh đạo sẽ trình cổ đông thông qua phương án sáp nhập một ngân hàng.

“Xu hướng sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng là tất yếu. Chúng tôi đang cân nhắc, lựa chọn một ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp MSB tăng quy mô nhanh hơn”, vị lãnh đạo này cho biết.

Trước tin đồn MSB sẽ sáp nhập PG Bank đang rộ lên trên thị trường, lãnh đạo MSB không xác nhận, song cũng không bác bỏ. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PG Bank lại phủ nhận kế hoạch sáp nhập với một ngân hàng khác.

Được biết, ngày 7/4 tới đây, Petrolimex sẽ thực hiện đấu giá chào bán 120 triệu cổ phiếu, tương đương 40% vốn điều lệ tại PG Bank.

Ngoài 2 thương vụ kể trên, nhiều khả năng, năm nay, cổ đông Vietcombank, HDBank, MB cũng sẽ chất vấn ban lãnh đạo về các thương vụ nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc. Theo thông tin ban đầu được hé lộ, MB sẽ nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank, HDBank nhận chuyển giao bắt buộc DongABank và Vietcombank nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (CB).

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (ngoại trừ nhóm ngân hàng “Big 4”) sẽ được nới room vốn ngoại lên mức tối đa 49%.

Thông tin từ NHNN, theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Đây là cơ hội để thị trường M&A ngân hàng thời gian tới thêm nhộn nhịp.

Biến cố trái phiếu, bảo hiểm, bất động sản khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh

Một nội dung nữa được các cổ đông hết sức quan tâm trong mùa ĐHĐCĐ năm nay là lợi nhuận và nợ xấu của các ngân hàng trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa phục hồi.

Năm nay, kế hoạch lợi nhuận được các ngân hàng đưa ra khá khiêm tốn. Đa phần các ngân hàng chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng 10 - 15%, trong khi năm 2022, tăng trưởng bình quân của 28 ngân hàng lên tới gần 34%. Thậm chí, năm nay, Techcombank còn đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 14% so với năm ngoái.

Ba tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 2,06%, một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đều gặp khó khăn, hoạt động bán chéo bảo hiểm đang bị thanh - kiểm tra…, khiến nguồn thu của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng.

Các chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS dự báo, năm nay, lợi nhuận trước thuế của toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 10%. Đồng thời, sẽ có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Sự đóng băng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang làm tăng rủi ro nợ xấu với hệ thống ngân hàng, bởi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong huy động vốn mới để đảo nợ, hoạt động xử lý nợ xấu gặp nhiều thách thức, do bất động sản là tài sản đảm bảo chính cho phần lớn các khoản vay.

Trong bối cảnh tín dụng khó khăn, nợ xấu có nguy cơ gia tăng, các ngân hàng vẫn nỗ lực đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi. Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance tăng 45% và tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng 16,4% so với cùng kỳ. Một số ngân hàng chuyển từ mô hình giới thiệu bảo hiểm sang bán hàng trực tiếp với tỷ lệ hoa hồng cao hơn. Năm nay, thị trường bancassurance có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các thương vụ ký kết mới của HDBank và VIB.

Làm thế nào để kiểm soát rủi ro, tìm dư địa tăng trưởng mới sẽ là một trong những vấn đề mà lãnh đạo các ngân hàng phải “giải trình” với cổ đông trong mùa ĐHĐCĐ năm nay.

Ngoại trừ Techcombank, hầu hết các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao hiện nay là ngân hàng quy mô nhỏ, có chất lượng tài sản trung bình và thấp. Theo báo cáo của VCBS, tính tới cuối năm 2022, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản, xây dựng cao trong danh mục tín dụng bao gồm NCB, Eximbank, Techcombank, SHB, OCB, VietcapitalBank...

Năm nay, triển vọng tăng trưởng tốt thuộc về nhóm ngân hàng “Big 4” và một số ngân hàng có “câu chuyện” riêng.

Tin bài liên quan