Ngân hàng SMBC (Nhật Bản) đã được chấp thuận mua 1,19 tỷ cổ phần mới phát hành thêm của VPBank.

Ngân hàng SMBC (Nhật Bản) đã được chấp thuận mua 1,19 tỷ cổ phần mới phát hành thêm của VPBank.

M&A ngân hàng: Cửa nào cũng thoáng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng Việt Nam thời điểm hiện nay nhiều và dễ hơn trước đây, nhưng các nhà đầu tư trong nước vẫn có “cửa” M&A hiệu quả riêng.

Sôi động: “Inbound” M&A

Sự kiện nổi bật trong hoạt động M&A lĩnh vực ngân hàng là thương vụ giữa VPBank và Ngân hàng SMBC (Nhật Bản). Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi SMBC chấp thuận đề nghị mua cổ phần mới phát hành thêm của VPBank. Theo đó, SMBC được mua 1,19 tỷ cổ phiếu riêng lẻ mà VPBank chào bán với giá 30.159 đồng/cổ phiếu.

Sau khi mua 1,19 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của SMBC sẽ là 15% và VPBank thu về hơn 35.900 tỷ đồng, nâng tổng vốn chủ sở hữu lên gần 140.000 tỷ đồng.

Kế hoạch sử dụng vốn của VPBank là bổ sung vốn trung và dài hạn gần 35.000 tỷ đồng để cho khách hàng vay, phần còn lại hơn 900 tỷ đồng sẽ đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong quý IV/2023 và cả năm 2024.

Một thương vụ khác là Ngân hàng Kasikornbank (KBank) của Thái Lan đang xem xét mua lại Home Credit Vietnam trong mục tiêu mở rộng kinh doanh tại khu vực ASEAN, với giá trị được dự đoán lên đến 1 tỷ USD.

Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, FiinGroup cho biết, số lượng, giá trị và giá trị bình quân của các giao dịch M&A trong 5 năm trở lại đây (từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2023) đạt đỉnh vào năm 2021. Từ năm 2022, hoạt động M&A có sự suy giảm cả về số lượng và giá trị giao dịch do những khó khăn của thị trường thế giới và Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị thị trường M&A tại Việt Nam đạt gần 2,7 tỷ USD, giảm 54%; số lượng giao dịch thành công giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có 10 giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng/giao dịch, với tổng giá trị 2,3 tỷ USD.

Đáng chú ý, nếu như năm 2022, bên mua trong các giao dịch M&A là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ tương đối lớn, thì sang năm 2023, do khó khăn của các doanh nghiệp nội nên các doanh nghiệp ngoại (Inbound) vươn lên trong hoạt động M&A. Nhà đầu tư nước ngoài xác định, hiện tại tuy có nhiều khó khăn, nhưng là cơ hội cho việc mở rộng kinh doanh ở Việt Nam trong dài hạn.

“Vì vậy, số lượng giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Các giao dịch M&A lớn nhất tại Việt Nam thuộc về 2 ngành là ngân hàng và bất động sản. Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan là những nhà đầu tư tích cực trên thị trường”, ông Đồng nói.

Theo ông Đồng, hệ thống tổ chức tín dụng là “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, có tiềm năng tăng trưởng cao nên vấn đề M&A luôn “nóng” khi tính đến đầu tư dài hạn. Bối cảnh kinh tế hiện nay có những khó khăn, tác động đến hệ thống tổ chức tín dụng, đó là tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp gặp khó khăn nên nhu cầu vay vốn giảm, nợ xấu tăng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp và suy giảm do nợ xấu tăng…, nhưng đây chỉ là những khó khăn ngắn hạn và là cơ hội tốt để các nhà đầu tư chiến lược dài hạn tham gia lĩnh vực này.

“Mọi hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng đều nhìn vào CAR, ví dụ khi tỷ lệ này cao, tổ chức tín dụng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao; CAR cao cho thấy mức đệm vốn của ngân hàng tốt nên sẽ huy động được lãi suất rẻ hơn. Theo đó, nếu CAR thấp, bắt buộc các ngân hàng phải đi huy động vốn và đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam. Thậm chí, thời điểm hiện nay, việc đàm phán để đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam có thể còn dễ hơn trước đây”, ông Đồng nhận xét.

Trong khi đó, ông Gregory Bournet, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo mảng Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp, PwC Malaysia và Việt Nam cho rằng, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, đặc biệt thông qua các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ làm tăng nhu cầu về các dịch vụ tài chính. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng Việt Nam và điều này được dự báo sẽ tiếp diễn trong những năm tới.

Hiệu quả: “Domestic” M&A

Năm 2023, do khó khăn của các doanh nghiệp nội nên các doanh nghiệp ngoại vươn lên trong hoạt động M&A.

Thị trường vẫn đang chờ đợi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng gồm DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank. Câu hỏi đặt ra là các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan vốn có kế hoạch M&A ngân hàng Việt Nam tại sao lại “hững hờ” trước các ngân hàng này?

Lý giải nguyên nhân, ông Đồng cho biết, ông đã từng dẫn các định chế tài chính nước ngoài vào tìm hiểu, nhưng không thể mua được các ngân hàng có chủ trương chuyển giao bắt buộc, với 2 lý do chính.

Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài thường không đủ nguồn nhân lực và sự am hiểu sâu sắc về thị trường nội địa để có thể xử lý tốt danh mục nợ xấu lớn và phức tạp của các ngân hàng này, cũng như đàm phán với những tổ chức gửi tiền lớn tại các ngân hàng này.

Thứ hai, số tiền các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cần góp thêm để bù đắp vốn chủ sở hữu đã bị suy giảm do nợ xấu cũng như tuân thủ mức vốn điều lệ tối thiểu của ngành ngân hàng là rất lớn, dẫn đến chi phí mua lại các ngân hàng này thường vượt quá ngân sách dự kiến của họ.

“Việc M&A những ngân hàng này đối với nhà đầu tư nước ngoài khó trăm bề, nhưng đối với các ngân hàng Việt Nam thì có những thuận lợi hơn. Thực ra, quy mô của 4 ngân hàng trên không lớn, thậm chí chỉ bằng một vài chi nhánh lớn của các ngân hàng có vốn của nhà nước. Ngoài ra, các ngân hàng nội địa (Domestic) có nhiều kinh nghiệm xử lý nợ xấu, am hiểu văn hóa kinh doanh cũng như khách vay, hoàn toàn có thể xử lý được các vấn đề khó khăn mà nhà đầu tư nước ngoài gặp phải. Vì vậy, tôi tin rằng, việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng này cho các ngân hàng lớn trong nước có thể giúp xử lý được các ngân hàng yếu kém trong thời gian tới”, ông Đồng nói.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4/2023, cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Thực tế, trong 2 mùa đại hội cổ đông năm 2022 và 2023, các ngân hàng lớn đã dần công khai kế hoạch thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.

Cụ thể, tại đại hội cổ đông năm 2022, MB là ngân hàng đầu tiên lấy ý kiến cổ đông về phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Vấn đề này tiếp tục được làm nóng tại đại hội cổ đông năm 2023, với kế hoạch dự kiến cuối năm 2023 và đầu năm 2024, MB sẽ định giá xong để trình Chính phủ. Tên ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc chưa được công bố, nhưng thông tin bước đầu xác định là OceanBank.

Tại đại hội cổ đông năm 2022 của Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng này trình bày kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Thị trường dự báo, Vietcombank sẽ nhận chuyển giao CBBank, vốn được Vietcombank hỗ trợ quản lý điều hành nhiều năm qua.

Sang đại hội cổ đông năm 2023, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại yếu kém. Phương án nhận chuyển giao cụ thể đã được trình và đang chờ cơ quan quản lý phê duyệt.

“Đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội cho Vietcombank. Những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho Ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới”, ông Dũng chia sẻ.

Tại đại hội cổ đông năm 2022 của VPBank, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho hay, Ngân hàng đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Đến đại hội cổ đông năm 2023, ông Dũng khẳng định: “VPBank là 1 trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc và hiện đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất cơ quan chức năng”. Danh tính ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc chưa được lãnh đạo VPBank công bố, nhưng trao đổi với cổ đông bên lề đại hội, ông Dũng đề cập đến GPBank.

Với HDBank, trong năm 2022, Ngân hàng chính thức đề xuất chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc để thực hiện tái cơ cấu. Trước đó, thị trường có những thông tin về việc HDBank hỗ trợ tái cơ cấu DongA Bank.

Tin bài liên quan