Mỹ: Các ngân hàng nhỏ bị rút 120 tỷ USD trong một tuần vì "bankrun"

Mỹ: Các ngân hàng nhỏ bị rút 120 tỷ USD trong một tuần vì "bankrun"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Người dân Mỹ đã rút 98,4 tỷ USD khỏi hệ thống ngân hàng trong 1 tuần qua. Tuy nhiên, làn sóng rút tiền gửi kỷ lục này chủ yếu chỉ xảy ra ở các ngân hàng nhỏ với lượng rút ròng lên tới 120 tỷ USD.

Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tiền gửi trong hệ thống ngân hàng tại Mỹ đã giảm 98,4 tỷ USD xuống còn 17.500 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 15/03. Trong đó, lượng tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ giảm 120 tỷ USD, ở chiều ngược lại, số tiền gửi tại 25 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ lại tăng thêm 67 tỷ USD.

Các loại tiền gửi khác (loại bỏ các khoản có ngày đáo hạn như chứng chỉ tiền gửi) đã bị giảm 78,2 tỷ USD xuống còn 15.700 tỷ USD. So với cùng kỳ, lượng tiền gửi có thanh khoản cao này (như tiền tiết kiệm và tài khoản thanh toán) giảm 6,1%, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ 1970 đến nay.

Các ngân hàng đang xuất hiện tình trạng người dân rút tiền gửi ồ ạt (bankrun) do lãi suất của những tài sản khác trở nên hấp dẫn hơn. Khi mối lo ngại về hệ thống ngân hàng bắt đầu lan rộng, lượng khách hàng rút tiền gửi cũng tăng vọt. Nhiều người gửi tiền chuyển sang các quỹ thị trường tiền tệ. Theo dữ liệu từ Viện Công ty Đầu tư (ICI), trong tuần kết thúc vào ngày 22/03, hơn 117 tỷ USD đã chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ.

Quỹ thị trường tiền tệ (hay còn được gọi là quỹ hỗ trợ thị trường tiền tệ) là một quỹ hỗ trợ tương hỗ có dạng mở, đầu tư vào các chứng khoán nợ ngắn hạn như trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ và thương phiếu. Các quỹ thị trường tiền tệ được quản lý với mục tiêu duy trì giá trị tài sản cố định cao thông qua các khoản đầu tư có tính thanh khoản, đồng thời trả thu nhập cho các nhà đầu tư dưới hình thức cổ tức. Quỹ có mức rủi ro khá thấp nhưng tính thanh khoản lại cao nên đang được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng trong thời kỳ khủng hoảng của thị trường tài chính.

Dữ liệu về tiền gửi của Fed đã trở thành dữ liệu quan trọng với thị trường và nền kinh tế sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và một số ngân hàng khác. Fed vẫn quyết định nâng lãi suất lần thứ 9 trong tuần này để chống lạm phát bất chấp những khủng hoảng trong hệ thống tài chính.

"Hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn lành mạnh và vững chắc", Fed tuyên bố. Tuy vậy, họ vẫn cảnh báo các diễn biến gần đây có khả năng dẫn tới điều kiện tín dụng thắt chặt hơn với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát.

Trước sự sụp đổ của một số ngân hàng, giới chức Mỹ đã tung ra các biện pháp bất thường để củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính, như bảo đảm toàn bộ tiền gửi ở SVB và Signature Bank, trong khi Fed đưa ra chương trình cho vay khẩn cấp mới nhằm tăng cường thanh khoản cho hệ thống tài chính.

Việc có 4 ngân hàng sụp đổ chỉ trong 11 ngày đang khiến các nhà đầu tư cảm thấy hoang mang và đau đầu. Các chỉ báo gần đây cũng cho thấy các ngân hàng đã thắt chặt tiêu chuẩn cho vay để củng cố tình hình tài chính, từ đó làm gián đoạn dòng tín dụng và gây khó khăn cho nền kinh tế.

Dữ liệu của Fed cho thấy, tổng lượng tiền ngân hàng giải ngân được đã tăng thêm 63,4 tỷ USD lên 12.200 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 15/03. Trong đó, số lượng cho vay tại 25 ngân hàng lớn nhất chiếm khoảng 3/5 hoạt động cho vay, nhưng chỉ tập trung ở một số lĩnh vực quan trọng như mảng bất động sản, còn các ngân hàng nhỏ lại chủ yếu giải ngân cho mảng tín dụng.

Sau vụ sụp đổ của SVB, Fed đã hỗ trợ thêm thanh khoản cho các ngân hàng. Các ngân hàng đã vay tổng cộng 165 tỷ USD từ hai chương trình vay của Fed. Đây là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng thanh khoản đang leo thang lại hệ thống tài chính của nước này. Tính chung, các khoản cho vay khẩn cấp khiến bảng cân đối kế toán của Fed tăng thêm khoảng 440 tỷ USD chỉ trong vài ngày, đi ngược lại với quá trình thắt chặt tín dụng mà Fed khởi động từ tháng 6/2022.

Tin bài liên quan