Thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày một phát triển nên cần thiết phải nâng “chất” cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày một phát triển nên cần thiết phải nâng “chất” cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Nâng “chất” cho doanh nghiệp bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã chính thức ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 với nhiều điểm mới, trong đó có việc nâng cao tiêu chuẩn cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Từ chối xem xét cấp giấy phép nếu phát hiện gian lận

Theo Điều 15 - Nghị định 46/2023, các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu (đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động công ty bảo hiểm nộp Bộ Tài chính) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực và đầy đủ. Trường hợp tổ chức, cá nhân gian lận thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép để có đủ điều kiện được cấp giấy phép thì trong vòng 5 năm kể từ thời điểm phát hiện hành vi gian lận, Bộ Tài chính có quyền từ chối xem xét cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân này.

Như vậy, có thể thấy, quy định mới về tiêu chuẩn chung về nộp, bổ sung hồ sơ, tài liệu đã chặt chẽ hơn so với trước. Trước đó, tại buổi họp giữa Bộ Tài chính với các bộ, cơ quan có liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tư pháp đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình cơ sở và lý do của việc lựa chọn khoảng thời gian là 5 năm để đảm bảo không hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân gia nhập thị trường, hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quy định này nhằm đảm bảo kỷ luật thị trường và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, từ đó thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững hơn.

Theo Bộ Tài chính, hoạt động kinh doanh bảo hiểm là loại hình kinh doanh có điều kiện, hoạt động trên cơ sở lập quỹ, thu tiền trước, trả tiền bảo hiểm sau, thời gian hoạt động có thể kéo dài hàng trăm năm hoặc vô thời hạn. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân phải có nền tảng tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bảo hiểm trước khi xin cấp phép, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro... trong quá trình hoạt động.

Việc gian lận giấy tờ trong quá trình cấp phép là vi phạm đạo đức, ảnh hưởng tới an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như người tham gia bảo hiểm, gây hệ lụy xấu cho thị trường. Vì vậy, cần phải ngừng xem xét đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận để tăng tính răn đe, đảm bảo thượng tôn pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 75 về việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp “Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp giấy phép”. Do đó, Bộ Tài chính đã bổ sung quy định dừng cấp phép trong khoảng thời gian là 5 năm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận các giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ điều kiện để được cấp phép.

“Thời gian 5 năm so với hàng trăm năm hoạt động và an toàn tài chính của một doanh nghiệp bảo hiểm cũng như toàn ngành không phải là quá dài, cũng không hạn chế quyền gia nhập thị trường, mà vẫn đảm bảo tính nghiêm minh trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện này”, đại diện Bộ Tài chính giải thích, đồng thời cho biết thêm, căn cứ pháp lý còn dựa trên quy định tại Điều 69 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải chuẩn bị phương án kinh doanh trong 5 năm đầu, đây là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét tính khả thi cũng như khả năng hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dự kiến được thành lập), đồng thời tham khảo kinh từ nghiệm quốc tế (hoạt động doanh bảo hiểm tại các bang của Hoa Kỳ đều có quy định thời gian dừng cấp phép trung bình từ 2-5 năm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm).

Bộ Tài chính cũng cho biết, quy định mới đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi và đến cuối tháng 3/2023 không nhận được ý kiến phản biện nào đối với quy định này.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, tính đến nay, chưa trường hợp gian lận thông tin nào trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập công ty bảo hiểm được công bố.

Tăng vốn điều lệ tối thiểu để tăng năng lực tài chính

Bên cạnh siết chặt hơn việc xem xét cấp giấy phép thành lập, vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định mới cũng tăng cao hơn so với trước (tùy thuộc vào từng loại hình), dù không nhiều.

Cụ thể, căn cứ vào Khoản 6, Điều 94 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và mức độ lạm phát trong 10 năm qua, Nghị định 46/2023 đã nâng mức vốn điều lệ và vốn được cấp tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm lên khoảng 30%. Theo đó, tùy nghiệp vụ mà doanh nghiệp, chi nhánh bảo hiểm dự kiến triển khai, mức vốn điều lệ tối thiểu đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 400-500 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 750-1.300 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe là 400 tỷ đồng, doanh nghiệp tái bảo hiểm là 500-1.400 tỷ đồng; mức vốn được cấp tối thiểu đối với chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài là 250-400 tỷ đồng, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài là 400-700 tỷ đồng.

Tổng hợp của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, hiện tại, vốn điều lệ của đa số công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ trên thị trường đều cao hơn, thậm chí vượt nhiều lần mức tối thiểu theo quy định mới. Chẳng hạn, Manulife Việt Nam đang dẫn đầu khối nhân thọ với mức vốn điều lệ 18.546 tỷ đồng, còn dẫn đầu khối phi nhân thọ là Bảo hiểm PVI với vốn điều lệ là 3.300 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, việc tăng mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty bảo hiểm còn dựa trên cơ sở quy mô phát triển của thị trường. Thực tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam duy trì đà tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài, quy mô thị trường theo đó cũng gia tăng nhanh. Do đó, việc tăng vốn điều lệ tối thiểu sẽ giúp các công ty bảo hiểm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo khả năng chi trả khi xảy ra những biến động lớn, đáp ứng các cam kết đối với bên mua bảo hiểm.

Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng đã đặt ra lộ trình 5 năm để các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam chuyển đổi sang mô hình vốn trên cơ sở đánh giá rủi ro. Bởi vậy, việc tăng vốn điều lệ/vốn được cấp tối thiểu là cần thiết để các công ty bảo hiểm có sẵn “bộ đệm” vốn khi chuyển sang mô hình mới.

Dưới góc độ chuyên gia, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư Hà Nội đưa ra lưu ý về tác động của tỷ giá tới việc tăng giá trị tuyệt đối vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm. Riêng với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ông Sơn cho rằng, cần quy định cụ thể, chi tiết việc tăng giảm vốn điều lệ, đặc biệt trong trường hợp tăng vốn liên tục trong vòng 6 tháng phải có “xác nhận của ngân hàng về việc các cổ đông hoặc thành viên góp vốn đã nộp đủ số vốn tăng thêm cho doanh nghiệp…” để tránh việc tăng vốn “ảo”, tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Hiện tại, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đang tổng hợp ý kiến của các công ty bảo hiểm về việc thực hiện Nghị định 46/2023.

Theo chia sẻ của các công ty bảo hiểm, Nghị định có nhiều điểm mới nên sẽ khó tránh khỏi những lúng túng trong thời gian đầu áp dụng. Chẳng hạn, Nghị định bổ sung quy định là ngân hàng phải có khu bán bảo hiểm riêng, nên ngân hàng cùng với công ty bảo hiểm đối tác phải cấu trúc, sắp xếp lại phòng giao dịch và chi nhánh để đảm bảo sự tách biệt. Có ngân hàng băn khoăn không rõ cần chia ô riêng, có quây kín, hay phải có phòng riêng, hoặc chỉ cần đặt bàn làm việc ở góc riêng?

Ngoài ra, theo Điều 62 của Nghị định, quy trình giám sát việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đối với các nhân viên trong tổ chức thực hiện đại lý bảo hiểm, nhưng quy trình này được xây dựng như thế nào thì chưa có hướng dẫn.

Tin bài liên quan