Với dân số có tỷ lệ ứng dụng công nghệ số ở mức cao, các loại hình dịch vụ ngân hàng mới đã được ứng dụng rất nhanh tại Việt Nam.

Với dân số có tỷ lệ ứng dụng công nghệ số ở mức cao, các loại hình dịch vụ ngân hàng mới đã được ứng dụng rất nhanh tại Việt Nam.

Ngân hàng bán lẻ đang có lực đẩy mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự thay đổi tích cực của các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 giúp lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam có một tương lai tươi sáng ở phía trước.

Đó là nhận định của ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Khối Dịch vụ Khách hàng ưu tiên, Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và nhóm 4 nước châu Á, Ngân hàng Standard Chartered khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay chắc hẳn có tác động không nhỏ đến lĩnh vực ngân hàng bán lẻ?

Đại dịch Covid-19 là một sự kiện thiên nga đen, ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Tốc độ lây nhiễm trên thế giới và thời gian dịch kéo dài là những thứ chúng ta chưa từng chứng kiến trước đó. Các doanh nghiệp phải ứng phó theo những cách chưa từng có tiền lệ và hoạt động ngân hàng bán lẻ cũng tương tự như vậy. Dịch bệnh khiến các ngân hàng, bao gồm Standard Chartered, phải có những cách tiếp cận mới và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Khối Dịch vụ Khách hàng ưu tiên, Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và nhóm 4 nước châu Á, Ngân hàng Standard Chartered

Ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Khối Dịch vụ Khách hàng ưu tiên, Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và nhóm 4 nước châu Á, Ngân hàng Standard Chartered

Cụ thể, ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên hoạt động di chuyển đã gia tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ cho phép thực hiện các giao dịch ngân hàng từ xa như ngân hàng số. Bức tranh của lĩnh vực ngân hàng vốn đang thay đổi dưới tác động của các nền tảng ngân hàng số và các khoản đầu tư vào lĩnh vực số hóa của các ngân hàng truyền thống, tuy nhiên, dịch bệnh đã đẩy nhanh quá trình này. Với dân số có tỷ lệ ứng dụng công nghệ số ở mức cao, các loại hình dịch vụ ngân hàng mới đã được ứng dụng rất nhanh tại Việt Nam.

Một sự thay đổi quan trọng khác mà chúng tôi nhận thấy đó là những cách làm việc mới. Mỗi ngân hàng đều có những phương thức riêng, tuy nhiên, mô hình hoạt động của ngân hàng đều cần phải giải được một bài toán đó là làm sao cân bằng được giữa việc vừa có thể cung cấp dịch vụ thông suốt cho khách hàng, vừa có thể bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của khách hàng cũng như nhân viên. Theo đó, các ngân hàng áp dụng một mô hình vận hành linh động, trong đó các nhân viên có thể làm việc ở nhà và làm việc tại văn phòng trên cơ sở luân phiên, đặc biệt trong những giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra nghiêm trọng. Với sự hỗ trợ của công nghệ, điều này đã giúp các ngân hàng giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Tôi tin rằng, đây là những sự thay đổi tích cực và sẽ mang đến lợi ích cho cả khách hàng lẫn ngân hàng sau đại dịch.

Ông có vẻ lạc quan về triển vọng của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ?

Đúng vậy. Chúng tôi tin rằng, lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam có một tương lai tươi sáng ở phía trước. Các yếu tố nền tảng của nền kinh tế vẫn rất tích cực, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua. Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới và khu vực.

Nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào hệ thống thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng, các lĩnh vực đang nổi hoặc đã tồn tại được một thời gian dài đều cho thấy rất nhiều tiềm năng, đồng thời, nguồn lao động có chất lượng cao. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người gia tăng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng công nghệ, điện thoại thông minh và Internet tại Việt Nam rất cao. Đây là lợi thế để đẩy mạnh sự sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng, qua đó ngành ngân hàng có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội. Đây cũng là những gì chúng tôi đã và đang làm để mang các dịch vụ an toàn, thuận tiện với tiêu chuẩn quốc tế đến với nhiều người dân hơn nữa.

Gần đây, Standard Chartered đề cập tới khái niệm ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong lĩnh vực bán lẻ, câu chuyện ở đây là gì và kinh nghiệm nào cho phát triển loại hình này ở Việt Nam?

Những năm gần đây, ESG không chỉ đơn thuần là một giá trị đo lường. Đây còn là những bước tiến quan trọng chứng minh cho sự chuyển biến trong khẩu vị của nhà đầu tư và khách hàng đối với các doanh nghiệp đặt ESG làm yếu tố cốt lõi trong hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, nhiều bằng chứng cho thấy, áp dụng ESG không đồng nghĩa với việc phải hy sinh lợi nhuận, mà theo nhiều cách khác, ESG còn mang đến những giá trị to lớn cho các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn này.

Để thành công trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ thời gian tới, câu hỏi trọng tâm là các ngân hàng có thể làm gì để tiếp tục đáp ứng được nhu cầu ngày càng thay đổi của khách hàng ở tiêu chuẩn cao nhất.

Điều này cũng không có gì khác biệt ở lĩnh vực ngân hàng bán lẻ khi đối tượng phục vụ là các cá nhân. Chúng tôi nhận thấy, những người thuộc thế hệ trẻ đánh giá cao những doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững nhiều hơn các doanh nghiệp khác. Đối với lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, đó có thể là cung cấp các sản phẩm tiền gửi chuyên dùng để tài trợ các khoản vay đạt tiêu chí ESG, các khoản tín dụng bền vững cho các sản phẩm thân thiện với môi trường như xe điện, hay các giải pháp đầu tư đạt tiêu chí ESG.

Hầu hết mọi người thường liên tưởng đến lĩnh vực ngân hàng dành cho doanh nghiệp khi nói đến ESG, tuy nhiên, ngân hàng bán lẻ có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy sự thay đổi và tạo ra những tác động tích cực.

Ví dụ, ngay tại Standard Chartered, chúng tôi đã triển khai chương trình cho vay mua xe ô tô thân thiện với môi trường với lãi suất ưu đãi ở trong nhóm hấp dẫn nhất thị trường hiện nay, áp dụng cho các dòng xe có động cơ “hybrid” (kết hợp xăng và mô-tơ điện) đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải và nhiên liệu. Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn thúc đẩy việc sử dụng các loại phương tiện thân thiện với môi trường, qua đó tạo ra những tác động tích cực. Đây là một trong nhiều chương trình chúng tôi đang thực hiện nhằm khuyến khích khách hàng áp dụng một lối sống xanh và bền vững hơn.

Dường như đó là câu chuyện dài, quay lại với hiện tại đó là bài toán hậu đại dịch, nhiều thói quen tiêu dùng thay đổi, vậy lĩnh vực ngân hàng bán lẻ phải làm thế nào để thành công?

Sự thành công có thể được đo lường theo nhiều cách khác nhau, dựa vào mục tiêu và chiến lược của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, câu hỏi trọng tâm là các ngân hàng có thể làm gì để tiếp tục đáp ứng được nhu cầu ngày càng thay đổi của khách hàng ở tiêu chuẩn cao nhất. Một trong những những giải pháp là tiếp tục áp dụng công nghệ và phân tích dữ liệu.

Một khía cạnh khác cũng không kém quan trọng là yếu tố con người. Ở đây, chúng ta có thể xác định theo hai nghĩa: thứ nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng cao, thứ hai là cung cấp các sản phẩm và dịch vụ lấy trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm. Đại dịch Covid-19 đã khẳng định tầm quan trọng của phát triển bền vững.

Hệ thống quy định là yếu tố có thể ảnh hưởng đến tất cả các ngân hàng bán lẻ. Việt Nam đang trong quá trình phát triển, dự kiến sẽ sớm được ghi nhận là thị trường mới nổi. Điều này sẽ mang đến nhiều thay đổi, nhiều hơn rất nhiều so với những gì chúng ta từng thấy, nhất là ở khía cạnh pháp lý. Trong khi đó, Chính phủ nhất quán trong việc thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng như Standard Chartered có thể mang đến nhiều đóng góp hơn nữa cho quá trình thúc đẩy sự thịnh vượng tại Việt Nam.

Tin bài liên quan