Ngân hàng chật vật xử lý nợ xấu khi thị trường bất động sản khó khăn

Ngân hàng chật vật xử lý nợ xấu khi thị trường bất động sản khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù đã nỗ lực rao bán và hạ giá nhiều lần đối với các tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ xấu, song do thị trường bất động sản có khó khăn khiến ngân hàng chật vật trong phát mãi tài sản, thu hồi nợ xấu. 

Đại hạ giá tài sản đảm bảo

Đơn cử, VietinBank mới đây tiếp tục thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Vận tải & Thương mại Thành Đạt lần thứ 8. Khoản nợ tính đến ngày 24/11/2022 là hơn 23,7 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 12,47 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ bao gồm nhiều bất động sản tại xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra còn có máy đào, máy ủi, máy xúc, xe ô tô tải, xe ô tô con thế chấp cho khoản nợ này.

Ở lần đấu giá thứ 8 này, VietinBank đưa ra mức giá khởi điểm 12,5 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn một chút so với dư nợ gốc. Đáng chú ý, mức giá này đã giảm mạnh so với mức 24,2 tỷ đồng đưa ra hồi giữa năm nay, tức chỉ sau 6 tháng đã giảm gần một nửa.

Một khoản nợ khác cũng được VietinBank rao bán đến lần thứ 8 vẫn chưa thành công, đó là khoản nợ của Công ty cổ phần TMĐT Tân Hương, với giá trị đến 16/8/2022 tới 327 tỷ đồng (gồm dư nợ gốc là 99 tỷ đồng, lãi quá hạn 170 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn là 57,7 tỷ đồng).

Giá khởi điểm của khoản nợ Công ty Tân Hương là gần 70,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 119,7 tỷ đồng cách đây 3 tháng. Như vậy, VietinBank đang rao bán khoản nợ với mong muốn chỉ cần thu được một phần nợ gốc và chấp nhận bỏ qua toàn bộ phần nợ lãi.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Tân Hương là 6 Quyền sử dụng đất tại Khu 6, Khu 7 phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng, ngoài ra còn có nhà và đất ở tại phố Lãn Ông, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.

Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm còn có toàn bộ hệ thống nhà xưởng, vật kiến trúc xây dựng trên đất và máy xúc, hàng hóa sắt thép các loại.

Đáng chú ý, một khoản nợ đã được VietinBank rao bán đến lần thứ 10, là khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Xuất nhập khẩu Tân Âu Cơ, có giá trị đến 5/12 là 123 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 29,6 tỷ đồng. Trong khi đó, giá khởi điểm của tài sản này chỉ 27,45 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là 3 bất động sản nhà ở tại TP.HCM.

Một ngân hàng khác là Agribank Chi nhánh Đông Hà Nội vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá lần 5 toàn bộ khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư Minh Việt (Công ty Minh Việt) để thu hồi nợ vay.

Ngân hàng đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ lần này là gần 121 tỷ đồng. Giá khởi điểm chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác phải nộp theo quy định liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng, sở hữu khoản nợ do người mua được tài sản chịu trách nhiệm thanh toán (nếu có).

Trước đó, Agribank đã có 4 lần tổ chức đấu giá bán khoản nợ này nhưng không thành công. Trong lần đấu giá vào giữa tháng 6, Agribank từng chào giá khởi điểm bằng giá giá trị khoản nợ là gần 169,4 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc 110 tỷ đồng và nợ lãi gần 59,4 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là 3 quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai, quyền và lợi ích của Công ty Minh Việt gắn với công trình thuộc dự án Đầu tư xây dựng Công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp Tricon Towers tại thôn Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Công ty Minh Việt là chủ đầu tư dự án Tricon Towers..

Kế hoạch ban đầu là chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho khách từ cuối năm 2011 đến đầu 2012. Tuy nhiên, đến nay dự án này mới thi công xong phần hầm và móng và bỏ hoang, sắt thép đã hoen gỉ.

Tại BIDV chi nhánh Bình Tân - TP.HCM, ngân hàng cũng vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 7 với lô đất 236,2 m2 tại 2791 Huỳnh Tấn Phát, ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, giá khởi điểm 16 tỷ đồng, giảm hơn 5 tỷ so với lần đầu rao bán cách đây 5 tháng, tức giảm khoảng 25%.

Vẫn khó phát mãi thu hồi nợ xấu

Đáng chú ý, Sacombank hạ giá 18 khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, TP.HCM. Giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra trong lần đấu giá này là 7.934 tỷ đồng, giảm đến 700 tỷ đồng so với lần rao bán trước đó. Phía ngân hàng cho biết sẽ bán toàn bộ 18 khoản nợ, không tách rời.

Bên cạnh 18 khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank cũng đấu giá nhiều tài sản đảm bảo khác có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Chẳng hạn như khoản nợ của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát với tổng dư nợ tính đến 27/4/2021 hơn 596 tỷ đồng, trong đó nợ vốn là hơn 188,3 tỷ đồng và nợ lãi tồn đọng hơn 407,7 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 40 triệu cổ phần của CTCP Bất động sản Đô Thành (DTR), phát sinh theo hợp đồng cầm cố chứng khoán chưa niêm yết ngày 23/11/2012. Giá rao bán khởi điểm ngân hàng đưa ra là 189 tỷ đồng.

Hay như khoản nợ của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 và Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc và VLXD An Pha với tổng dư nợ tính đến ngày 30/9/2020 là hơn 670 tỷ đồng, trong đó vốn là 289,2 tỷ đồng và lãi tồn đọng hơn 380,8 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại quận Tân Phú, TP. HCM có diện tích 4.663,8 m2, thời hạn sử dụng 50 năm. Ngoài ra còn có 418 căn hộ hình thành trong tương lai thuộc Dự án Khu căn hộ thu nhập thấp và tái định cư Trịnh Đình Trọng với tổng diện tích 24.621,95 m2. Giá rao bán khởi điểm là 211,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sacombank cho biết, đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu ngân hàng. Mục tiêu của Sacombank sẽ hoàn tất xử lý khoản nợ xấu trên năm nay, song xem ra khó có thể hoàn thành được mục tiêu.

Thực tế, đa phần tài sản thế chấp cho các khoản nợ hiện nay đều là bất động sản do giá nhà đất thường có xu hướng tăng trong dài hạn, giúp nhà băng đảm bảo khả năng thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, bất động sản có đặc tính cố định nên không thể di dời, theo đó ngân hàng dễ dàng thực hiện quá trình thẩm định, giám sát trong và sau khi cho vay. Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu loại tài sản này cũng rõ ràng, nhờ đó việc xác nhận chủ sở hữu hay người sử dụng tương đối nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc rao bán bất động sản không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có thể thấy, rất nhiều tài sản phải rao bán nhiều lần, thậm chí dù phía ngân hàng chấp nhận cắt lỗ, giá bán thấp hơn nhiều so với nợ gốc vẫn rơi vào tình trạng ế khách.

Những tài sản phát mại là bất động sản, đi kèm với các tài sản động sản khác như nhà xưởng, máy móc, phương tiện sẽ càng khó thanh lý hơn vì ít người mua. Thêm vào đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, thanh khoản yếu thì việc thanh lý nhà đất để thu hồi nợ của các nhà băng cũng hết sức chật vật.

Tin bài liên quan