Bà Trần Cẩm Vân, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng tài chính - ngân hàng, Navigos Search miền Bắc

Bà Trần Cẩm Vân, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng tài chính - ngân hàng, Navigos Search miền Bắc

Ngân hàng giữ chân nhân sự: Lương không còn là yếu tố hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Yếu tố quan trọng nhất để các ngân hàng giữ chân người lao động là môi trường làm việc, chứ không phải cơ chế lương, thưởng. Đó là nhận xét của bà Trần Cẩm Vân, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng tài chính - ngân hàng, Navigos Search miền Bắc.

Ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt sau Tết Nguyên đán, trên website của các ngân hàng liên tục đăng tin tuyển dụng từ vị trí cao cấp đến nhân viên. Diễn biến trên thị trường cho thấy, nhân sự trong hệ thống ngân hàng liên tục luân chuyển từ nhà băng này sang nhà băng khác, thậm chí sang lĩnh vực khác. Bà có nhận định gì về tình trạng này?

Navigos Search nhận thấy, xu hướng luân chuyển nhân sự từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, hay từ ngân hàng sang lĩnh vực khác vốn là một xu hướng phổ biến trong ngành ngân hàng từ trước đến nay. Chất lượng nhân sự trong ngành ngân hàng về mặt bằng chung được đánh giá khá tốt nên cũng là đối tượng để các doanh nghiệp ngoài ngành tiếp cận.

Có một thực tế tại Việt Nam là nhân sự có xu hướng chuyển đổi công việc sau Tết, sau khi đã nhận được các khoản thưởng. Đồng thời, sau Tết là thời điểm mà các doanh nghiệp bắt tay vào việc triển khai các kế hoạch cho năm mới nên nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao hơn so với giai đoạn quý IV hoặc trước Tết và ngân hàng cũng không là ngoại lệ.

Tuy nhiên, năm nay, cùng với việc thu hẹp nhu cầu và kế hoạch tuyển dụng tại các ngân hàng trong giai đoạn này, việc luân chuyển nhân sự giữa các ngân hàng chủ yếu diễn ra ở vị trí chuyên viên khách hàng.

Sự chuyển dịch nhân sự từ ngành ngân hàng sang lĩnh vực khác liệu có phải do lương ngân hàng không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu những người đang làm và dự định ứng tuyển vào ngân hàng?

Ngành ngân hàng với đặc thù về sản phẩm, nghiệp vụ, tổ chức và chế độ đãi ngộ vẫn là một trong những ngành thu hút lao động lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác có sự điều chỉnh cơ cấu lương hấp dẫn hơn nên cũng có thể cho rằng, lương ngân hàng không còn cao so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, tốc độ thay đổi/chuyển đổi nhanh chóng, cường độ làm việc, áp lực chỉ tiêu cũng là các yếu tố khiến nhiều người lao động băn khoăn khi lựa chọn các vị trí trong ngân hàng.

Nhân sự của các ngành nghề, bao gồm ngân hàng, ngày càng đòi hỏi phải đa năng. Ảnh: Dũng Minh

Nhân sự của các ngành nghề, bao gồm ngân hàng, ngày càng đòi hỏi phải đa năng. Ảnh: Dũng Minh

Theo bà, làm thế nào để các ngân hàng tuyển dụng và giữ được nhân viên phù hợp trong bối cảnh hiện nay?

Tình hình kinh tế hiện nay có tác động lớn đến thị trường lao động. Theo dự đoán của Navigos Search, nhu cầu tuyển dụng của các ngân hàng và một số ngành nghề sẽ chững lại, ít nhất đến hết tháng 6/2023. Cơ hội công việc ít đi, cùng với những lo lắng về mức độ an toàn trong công việc khiến nhiều người lao động không muốn mạo hiểm tìm công việc mới.

Trong báo cáo gần nhất về lương và thị trường lao động mà Navigos mới phát hành, rất nhiều ứng viên có xu hướng muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp từ một năm trở lên, hoặc càng lâu càng tốt, trừ trường hợp họ có cơ hội công việc tốt; điều này khác biệt hẳn so với khảo sát đầu năm 2022 của Navigos Group.

Yếu tố môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp được người lao động ngày càng coi trọng.

Báo cáo chỉ ra rằng, yếu tố quan trọng nhất để giữ chân người lao động là môi trường làm việc; yếu tố lương đứng thứ hai, còn yếu tố đứng thứ ba là văn hóa doanh nghiệp.

Yếu tố môi trường và văn hóa được người lao động ngày càng coi trọng nên ban lãnh đạo và bộ phận nhân sự cần quan tâm các yếu tố này để giữ chân người lao động. Để thu hút người lao động, bên cạnh chính sách lương, thưởng hấp dẫn, môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp là điểm thu hút được ứng viên. Thương hiệu nhà tuyển dụng tốt sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc thu hút và tuyển dụng nhân sự.

Từ góc độ thường xuyên được lắng nghe chia sẻ của người lao động khi ứng tuyển và làm việc tại các ngân hàng, tôi cho rằng, việc các ngân hàng xây dựng chiến lược chính sách đúng đắn, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đem lại lợi ích cho khách hàng và chú trọng đào tạo phát triển nhân viên sẽ là yếu tố cốt lõi tạo nên thương hiệu cho ngân hàng và sự gắn bó, cống hiến của nhân viên.

Ngân hàng là ngành đặc thù, công việc có tính chuyên biệt cao, nhưng có quan điểm cho rằng, nhân sự ngân hàng cần phải hướng tới đa năng, mạnh mẽ hơn. Bà có nhận định gì về việc này?

Không riêng trong ngành ngân hàng, mà với xu thế phát triển và thay đổi không ngừng của hoạt động kinh doanh ngày nay, nhân sự của các ngành nghề ngày càng phải đa năng.

Trước đây, nhân sự ở nhiều lĩnh vực, vị trí có thể lựa chọn chỉ tập trung phát triển theo chiều sâu một chuyên môn nhất định, hoặc phát triển theo chiều rộng ở các vị trí tổng hợp. Tuy nhiên, xu thế hiện nay khuyến khích và đòi hỏi nhân sự bên cạnh kỹ năng và kiến thức chuyên môn sâu cần luôn học hỏi tiếp thu, linh hoạt thích nghi để mở rộng lĩnh vực và chuyển đổi giữa các vị trí khác nhau (tham khảo mô hình năng lực chữ T - T shaped skills). Trong bối cảnh đó, ngân hàng là một trong những lĩnh vực đi đầu về chuyển đổi trên thị trường nên cũng dễ thấy sự đa năng của nhân sự ngân hàng.

Thực tế cho thấy, hệ thống ngân hàng vẫn “khát” nhân sự chuyển đổi số, đây là vấn đề đã được đề cập nhiều năm nay, nhưng tại sao “cơn khát” này vẫn chưa được giải toả?

Thứ nhất, bản thân chuyển đổi số là một hoạt động đặc thù, qua nhiều giai đoạn và yêu cầu đổi mới liên tục nên ở mỗi giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển đổi số, các ngân hàng lại có những thay đổi về yêu cầu nhân sự. Thông thường, những yêu cầu nhân sự này đều mới, chưa có nhiều ứng viên trên thị trường hiện tại đáp ứng được và nhu cầu tuyển dụng cũng thường rất khẩn trương, cấp bách.

Thứ hai, ngày càng có nhiều ngân hàng và doanh nghiệp ở các lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số.

Thứ ba, số lượng nhân sự đủ chất lượng có thể đáp ứng được cho các hoạt động chuyển đổi số vẫn còn hạn chế.

Nhiều ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số, tiếp tục đẩy mạnh số hoá và công nghệ được áp dụng mạnh mẽ. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn tăng mạnh số lượng nhân viên. Theo bà, vấn đề này ở đây được giải thích như thế nào?

Chuyển đổi số thực tế đã mang đến nhiều đổi mới trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung. Với ngành ngân hàng, có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là tỷ trọng các giao dịch thực hiện trên nền tảng số ngày càng lớn và chiếm ưu thế. Song song với đó, nhiều nghiệp vụ trong nội bộ ngân hàng được tự động hóa, tối ưu hóa nhờ quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, cơ cấu nhân sự sẽ ngày càng có sự thay đổi. Các vị trí nghiệp vụ đơn thuần, cơ học sẽ thuyên giảm. Thay vào đó, như tôi đã đề cập, các ngân hàng sẽ tập trung tuyển dụng nhiều hơn cho các vị trí liên quan trực tiếp đến khách hàng, sản phẩm và công nghệ để phối kết hợp và tối ưu hóa hiệu quả của chuyển đổi số.

Theo báo cáo tài chính năm 2022 của 27 ngân hàng niêm yết, thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên các ngân hàng là 26,6 triệu đồng/tháng, tăng 12,3% so với năm 2021; trong đó, 13 ngân hàng đạt 29 - 43 triệu đồng/tháng, 14 ngân hàng đạt 12,1 - 24,9 triệu đồng/tháng.

Tin bài liên quan