Ngân hàng tuần qua: Ngân hàng rục rịch hạ lãi vay mua nhà, phân trần chuyện không hạ chuẩn cho vay

Ngân hàng tuần qua: Ngân hàng rục rịch hạ lãi vay mua nhà, phân trần chuyện không hạ chuẩn cho vay

Doanh nghiệp vẫn than tiếp cận vốn khó, ngân hàng phân trần không hạ chuẩn, đua hạ lãi vay mua nhà để giữ khách, rửa tiền bằng tiền ảo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rón rén phục hồi... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Ngân hàng Nhà nước tung chiêu, nhà băng rục rịch hạ lãi vay

Một loạt ngân hàng thương mại công bố hạ sâu lãi suất cho vay mua nhà năm đầu, sau khi quy định cho phép vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.

Vay 6 tỷ đồng tại một ngân hàng để mua chung cư từ năm 2022, sắp kết thúc thời gian ân hạn, chị Nguyễn Thúy (Hà Nội) được Ngân hàng này báo lãi suất cho vay thả nổi sau thời gian ân hạn khoảng 10,5 - 11%/năm. Không hài lòng với mức lãi suất này, chị sang Vietcombank hỏi vay và được báo lãi suất cho vay 7,5%/năm áp dụng năm đầu tiên, các năm sau lãi suất thả nổi.

Thấy lãi suất hợp lý, chị Thúy quyết định tất toán hợp đồng vay của ngân hàng nọ để chuyển sang Vietcombank. Tuy vậy, khi làm thủ tục tất toán, chị được nhân viên của chính ngân hàng này mời chào nếu tất toán hợp đồng cũ và làm lại hợp đồng vay mới, lãi suất khoản vay của chị chỉ còn 7,8%/năm áp dụng năm đầu tiên, sau đó thả nổi. Sau khi cân nhắc, chị chọn vay Vietcombank bởi lãi suất ưu đãi hơn và thủ tục không quá khó khăn như tưởng tượng trước đó.

Tương tự chị Thúy, nhiều khách hàng cũng có nhu cầu chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác có lãi suất ưu đãi hơn. Tuy nhiên, thay vì hướng dẫn khách hàng chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, nhân viên tín dụng nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng xoay nguồn vốn để tất toán, sau đó làm thủ tục vay mới với lãi suất ưu đãi hơn.

Ưu điểm của phương án này là khách hàng được giải ngân nhanh hơn, lãi suất ưu đãi hơn. Tuy vậy, nhược điểm là khách hàng phải tự xoay xở nguồn vốn lớn để tất toán hợp đồng đang vay hoặc phải có tài sản thế chấp khác. Ngoài ra, để làm thủ tục vay mới, khách hàng sẽ phải mất thêm một lần nữa phí thẩm định hồ sơ, chưa kể khoản lãi phạt trả trước hạn.

Với các khoản vay mua nhà thường kéo dài 10-15 năm, lãi vay của ngân hàng rẻ hơn luôn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy, làn sóng dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác dự kiến còn tiếp diễn, nếu các ngân hàng không hạ lãi vay để giữ chân khách hàng.

Xuất phát từ tình trạng trên, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, một loạt ngân hàng tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng mua nhà, vừa giữ chân khách hàng cũ, vừa thu hút thêm khách hàng mới.

Từ ngày 11/9, TPBank áp dụng lãi suất cho vay mua bất động sản chỉ từ 6,9%/năm dành cho với khách hàng vay mới hoặc khách hàng có nhu cầu chuyển khoản vay về TPBank. Mức lãi suất ưu đãi có thể được giảm thêm tối đa 0,4%/năm lãi suất ưu đãi kỳ đầu cho mỗi khế ước nhận nợ giải ngân từ 5 tỷ đồng trở lên trong thời gian diễn ra chương trình. Khi khách hàng tham gia chương trình mua bảo hiểm, khoản vay còn được giảm thêm tới 0,3%/năm vào biên độ lãi suất.

Trước đó, nhiều ngân hàng lớn khác cũng công bố mức lãi suất hấp dẫn cho khách hàng chuyển khoản vay từ ngân hàng khác về ngân hàng mình. MB triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng. Techcombank tung ra chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm.

Tương tự, VietinBank đưa ra mức lãi suất cho vay thấp hơn cả lãi suất huy động, chỉ từ 5,6%/năm cho khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất - kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (mua nhà, mua xe…). BIDV đưa ra mức lãi suất 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm với các khoản vay trung, dài hạn và mức cho vay 100% dư nợ gốc còn lại…

Theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, từ ngày 1/9/2023, các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Trao đối với phóng viên Báo Đầu tư, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, cơ chế mới này sẽ tạo điều kiện cho người vay có thể lựa chọn ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn, cũng là “chiêu” của Ngân hàng Nhà nước để buộc các ngân hàng thương mại phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn, tích cực hạ lãi suất hơn.

“Cơ chế này mới được triển khai, nên quá trình thực hiện chưa nhuần nhuyễn ngay từ đầu, có thể điều chỉnh để tạo thuận lợi dần dần. Song đây là cơ chế tích cực cho sự cạnh tranh của các tổ chức tín dụng, cũng như tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn. Ngân hàng nào không muốn bị khách hàng “nghỉ chơi” thì phải tích cực giảm lãi suất cho vay”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Thực tế, hiện nay, lãi vay mua nhà năm đầu tiên của nhiều ngân hàng thương mại đã giảm về mức trước đại dịch. Lãi vay trung, dài hạn cũng chỉ còn tương đương thời kỳ dịch bệnh và đang tiếp tục xu hướng giảm.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng bất động sản đến cuối tháng 6 tăng 4,7%, nhưng riêng cho vay người mua nhà ở thực chỉ tăng 0,88%. Thu nhập sút giảm, giá nhà ở vẫn leo thang bất chấp thị trường bất động sản trầm lắng, lãi vay mua nhà ở mức cao… là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Nửa đầu năm nay, theo phản ánh của các ngân hàng, cá nhân vay mua nhà tập trung vào trả nợ ngân hàng, thay vì xin vay mới. Tín dụng bất động sản tăng chủ yếu nhờ cho vay các chủ đầu tư tăng mạnh. Mặc dù vậy, lãi vay giảm được kỳ vọng sẽ kích thích cầu vay mua nhà tăng trưởng trở lại thời gian tới, từ đó lan tỏa hiệu ứng tích cực tới thị trường bất động sản.

Tất nhiên, vốn chỉ là phần nhỏ. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, khó khăn của thị trường bất động sản chủ yếu là pháp lý. Vì vậy, cùng với nỗ lực giảm lãi suất của ngành ngân hàng, thị trường bất động sản chỉ có thể phục hồi nếu doanh nghiệp được gỡ khó về pháp lý.

Doanh nghiệp than nhà băng thẩm định khó, ngân hàng vò đầu bứt tai vì huy động tăng gấp 6 lần tín dụng

Không còn phản ánh nhiều về lãi suất, các doanh nghiệp đề nghị ngân hàng linh hoạt hơn trong điều kiện cấp tín dụng, tăng cho vay tín chấp, rút ngắn thời gian thẩm định…

Chia sẻ tại hội nghị Hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) - nói việc tiếp cận vay vốn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khó, thủ tục rườm rà, thời gian xem xét vay dài. "Với khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xét 1-3 tháng, khoản vay trung dài hạn duyệt 3 tháng, thậm chí có khoản vay 6 tháng", ông Sơn nói.

Ông Sơn đề nghị các ngân hàng áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI thời gian phê duyệt để đạt thời gian giải ngân là 1 tháng cho các khoản vay.

Tuy không đề nghị hạ chuẩn tín dụng, song ông Sơn đề nghị các ngân hàng điều chỉnh linh động trong đánh giá chỉ tiêu tài chính, xem xét lại việc thu lãi phạt trả nợ trước hạn với doanh nghiệp.

"Chúng tôi trả nợ trước hạn mà bị phạt trả lãi trước hạn 1-5%, tức nếu có nguồn thu từ Dự án để trả nợ thì sẽ bị phạt. Tôi đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có chỉ 1%", ông Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội lại kiến nghị các nhà băng tạo điều kiện cho các DNNVV có thể tiếp cận vốn bằng cách đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, không phân biệt đối xử, giảm bớt tiêu chuẩn, tiêu chí để DNNVV tiếp cận vốn.

“Hãy đồng hành cùng doanh nghiệp để hiểu doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, có các điều kiện sản xuất kinh doanh tốt thì hãy cho vay tín chấp, đừng quá đòi hỏi tài sản bảo đảm vì thực sự là giờ không có để mà cầm cố vay vốn”, bà Trịnh Thị Ngân, đại diện Hiệp hội DNNVV Hà Nội đề xuất.

Từ phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng giám đốc Nagakawa cho biết là một doanh nghiệp tư nhân đa ngành, chi phí tài chính của công ty chiếm 3-4% chi phí hoạt động. Riêng vốn vay chiếm 65-70% chi phí tài chính. Do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, doanh nghiệp này rất lo lắng vào mỗi thời điểm cuối năm vì sợ ngân hàng giải ngân chậm trong lúc đợi cấp hạn mức tín dụng mới, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Cũng theo bà Thương, các ngân hàng đỏi hỏi tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay lớn khiến hạn mức tín dụng của doanh nghiệp bị thu hẹp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hoa - Công ty TNHH Vật tư và Kết cấu thép – lại kỳ vọng ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất hoặc đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho các ngành sắt thép, thủy điện… Cũng theo ông Hoa, việc tái cấp hạn mức tín dụng thời gian qua luôn bị kéo dài thời gian, và thêm rắc rối về tài sản đảm bảo, bởi vậy, ông Hoa bày tỏ mong muốn phía ngân hàng sẽ linh động hơn trong thẩm định hồ sơ vì đã có quan hệ lâu dài và hiểu biết với nhau.

“Ngoài việc cấp tín dụng thường xuyên, cần phải có sự linh hoạt trong từng thời điểm cụ thể, hỗ trợ để DN có thể tiếp cận vốn trong từng dự án”, ông Hoa đề xuất.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó TGĐ Vietcombank cam kết từ nay tới cuối năm, ngân hàng này sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Năm nay, Vietcombank sẽ giảm 1.850 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ các khoản vay hiện hữu.

Theo Vietcombank, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng này cao gấp 6 lần tăng trưởng tín dụng, do đó, Vietcombank đang phải chịu áp lực rất lớn trong giải ngân vốn. Tuy nhiên, không vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn cho vay.

Ông Tùng cũng chia sẻ thực tế thời gian qua, có những DN đến vay vốn ngân hàng, bị ngân hàng từ chối do phương án kinh doanh không tốt, tài chính không minh bạch, đã quay lại cảm ơn ngân hàng vì đã “không cho vay vốn, vì nếu cho vay, rủi ro cao không chỉ cho ngân hàng, mà còn cho chính DN”.

“Hiện ngân hàng đang thừa tiền, cũng đang đau đầu vì tìm mọi cách đảy vốn ra nền kinh tế, thế nhưng phòng ngừa rủi ro vẫn là mục tiêu hàng đầu khi cho vay vốn. Vì vậy, ngay chính bản thân DN, cũng cần phải có những giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín và lòng tin đối với ngân hàng, để 2 bên cùng nhau hỗ trợ và phát triển”, ông Tùng nói.

Theo lãnh đạo Vietcombank, việc không thể hạ chuẩn tín dụng vì nợ xấu sẽ phát sinh, khiến chi phí vốn ngân hàng của ngân hàng có thể tăng lên.

"Chi phí vốn của Vietcombank thấp là do tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Nếu không duy trì được chuẩn mực cấp tín dụng, sẽ tăng chi phí vốn và ảnh hưởng đến quyền lợi của những khách hàng tốt trong tương lai", ông Tùng nói.

Về phí trả nợ trước hạn, ông Tùng cho biết ngân hàng linh hoạt, mong khách hàng thấu hiểu do ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Về việc giải ngân vốn cho doanh nghiệp chậm, ông Tùng nói ngân hàng sẽ rà soát để có những thay đổi phù hợp.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng với địa bàn quan trọng về cả chính trị và kinh tế như Hà Nội, việc tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp để phát triển, cung cấp nguồn tài chính cho phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó đóng góp vào phát triển chung của Hà Nội là rất quan trọng. Với doanh nghiệp, giảm lãi suất là quan trọng, nhưng đôi khi, là thái độ của ứng xử, cách thức phục vụ, thủ tục hành chính cần rút gọn, đơn giản hóa để hỗ trợ cũng quan trọng không kém.

Trước các ý kiến của doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ tổng hợp các ý kiến để tìm các giải pháp tháo gỡ. Những ý kiến của doanh nghiệp không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng, mà liên quan tới các bộ ngành khác, cũng như về cơ chế hành chính, thủ tục pháp lý… thì NHNN sẽ tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ, đồng thời tham mưu đễ tháo gỡ. Còn với những ý kiến trực tiếp phản ánh tới ngành ngân hàng, NHNN sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về phần mình, doanh nghiệp cũng cần phải minh bạch tài chính, minh bạch dòng tiền để các ngân hàng thương mại có cơ sở cho vay vốn. Đối với đề xuất về chuẩn tín dụng, NHNN sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại cân đối các thủ tục, rút gọn bớt để hỗ trợ doanh nghiệp, song phải đảm bảo không để xảy ra rủi ro…

Rót vốn dự án xanh, ngân hàng rộng cửa hút vốn ngoại

Việc tiếp cận những khoản vay hàng trăm triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài cho thấy, tín dụng xanh không chỉ giúp các ngân hàng tăng khả năng tiếp cận vốn ngoại, mà còn giúp ngành ngân hàng tìm động lực tăng trưởng mới.

Mới đây, Ngân hàng VPBank đã được Tập đoàn tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) cam kết cung cấp khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD kỳ hạn 7 năm nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên VPBank nhận được khoản tài trợ vốn lớn do đã tích cực theo đuổi tín dụng xanh. Trước khoản vay được cấp bởi DFC, VPBank liên tiếp huy động thành công nhiều khoản vay tài chính bền vững quốc tế có quy mô lớn, với tổng giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD từ năm 2020 từ ADB, SMBC, JICA, ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.

Trước VPBank, nhiều ngân hàng lớn của Việt Nam cũng nhận được các khoản vay lớn từ nhiều định chế tài chính nước ngoài nhờ tích cực tham gia tài trợ vốn cho các dự án xanh.

Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Khối Tư vấn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) tại KPMG Việt Nam và Campuchia, nhiều cơ hội sẽ mở ra với các ngân hàng khi tham gia thị trường vốn xanh, trong đó có việc tăng khả năng tiếp cận vốn, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt so với các ngân hàng khác…

Mặc dù tín dụng xanh đang là xu hướng khó tránh, song mới chỉ một số ngân hàng lớn tại Việt Nam tham gia đầu tư lĩnh vực này. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), đến tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh mới đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh mà NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%).

Sở dĩ các ngân hàng còn ngại ngần đầu tư vào các dự án xanh là vì vốn ngân hàng huy động ngắn hạn, nhưng cho vay đầu tư dự án xanh, dự án về môi trường thường có thời gian dài. Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn trong thẩm định dự án xanh, quy trình nội bộ khi phân loại và xây dựng khung dự án xanh, cũng như tích hợp các vấn đề rủi ro của bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) vào khung rủi ro chung của ngân hàng còn nhiều vướng mắc…

Mặc dù vậy, theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tín dụng xanh là một trong những nội dung rất thời sự. “Bây giờ không phải là lúc đủng đỉnh để tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai chậm chạp”, Phó thống đốc nhấn mạnh.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, hiện nay, các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới hết sức quan trọng, đặc biệt là các động lực như kinh tế số, kinh tế xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng xác định mục tiêu đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 (khoảng 1,95% GDP) lên 300 tỷ USD trong GDP vào năm 2050 (khoảng 10% GDP), trong đó tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh đến năm 2025 là 1,8 - 2% GDP.

Để thực hiện được mục tiêu trên, theo các chuyên gia, Việt Nam cần dựa vào rất nhiều nguồn vốn: đầu tư công, viện trợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài, kiều hối, trái phiếu xanh, tín dụng xanh…, trong đó vốn tín dụng xanh giữ vai trò hết sức quan trọng.

Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, vốn ứ thừa tại các nhà băng, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc phải “bàn chuyện dài hạn”, tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể “kéo 100 triệu dân đi lên” để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Kinh tế số, kinh tế xanh là các lĩnh vực ngân hàng cần tập trung đầu tư thời gian tới để tạo sự chuyển biến mới cho nền kinh tế.

Đương nhiên, để ngân hàng yên tâm rót vốn cho kinh tế xanh, theo các chuyên gia, trước hết phải xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững. Phải rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, cũng như quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, phải phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường tại Việt Nam. Xây dựng, áp dụng khung chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ tài chính nhằm khơi thông nguồn lực xã hội…

Gần 1 tỷ USD tiền mã hóa giao dịch trong các hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam

Tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về giai đoạn từ 10/2021- 10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là gần 1 tỷ USD. Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance.

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”, trong khuôn khổ triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.

Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn giao dịch Binance.com với gần 42 triệu lượt truy cập từ 1/10/2021 đến 1/10/2022. Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.

Tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 đến 10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Công nghệ blockchain ra đời kéo theo đó là nguy cơ gia tăng tội phạm tài chính, rửa tiền sử dụng công nghệ cao theo chiều hướng tinh vi, phức tạp và tốc độ nhanh chóng thì phần lớn các quốc gia đều chưa có hành lang pháp lý theo kịp sự thay đổi này.

Tính tới thời điểm hiện nay mới chỉ có một số quốc gia, vùng lãnh thổ kịp ban hành quy định pháp lý để ngăn chặn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao và công nghệ blockchain như Liên minh châu Âu (EU) với đạo luật Thị trường Tài sản mã hóa (MiCA). Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2024, MiCA mới chính thức có hiệu lực.

Các nền kinh tế năng động khác như Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, cũng ban hành nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch, đảm bảo tuân thủ pháp lý và an toàn cho người dùng đồng thời thực hiện nghĩa vụ AML/CFT (chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố).

Còn tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số nên mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá), nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

“Những năm gần đây tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán, song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này. Do đó, giám sát trong lĩnh vực tiền mã hóa là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, ông Hùng khuyến nghị.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền. Thông tư quy định, giao dịch tiền điện tử trong nước từ 500 triệu đồng trở lên và chuyển tiền điện tử quốc tế có từ 1.000 USD thì các ngân hàng phải báo cáo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, siết giao dịch đáng ngờ không hẳn chỉ là con số mà phải bằng các nghiệp vụ khác. Bởi nguy cơ rửa tiền vẫn luôn rất lớn, nhất là khi có nhiều công nghệ mới, kinh tế số phát triển…

Theo các chuyên gia, để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống rửa tiền cần bổ sung bao quát tất cả lĩnh vực có thể diễn ra hoạt động rửa tiền gồm: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo…; Cơ quan có thẩm quyền cần đưa hoạt động "cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo" vào Luật Phòng, chống rửa tiền

Thị trường trái phiếu chỉ rón rén phục hồi, bất động sản thiếu nhà giá rẻ khó mơ hồi phục

Ngoài pháp lý, vốn, thanh khoản là vấn đề được quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp bất động sản hiện nay trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa phục hồi.

“Chúng tôi theo dõi xem niềm tin thị trường có phục hồi hay không khi các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu. Mới đây nhất, khi một Tập đoàn bất động sản lớn phát hành trái phiếu (doanh nghiệp này không hề có nợ đọng ngân hàng), chúng tôi nín thở theo dõi nhưng kết quả cho thấy thị trường chỉ đang “mon men”, “rón rén” phục hồi khoảng 30% so với kỳ vọng”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Theo chuyên gia này, thanh khoản của nền kinh tế cũng vẫn nằm trong khó khăn cực lớn. Đồng thời vòng quay của dòng tiền còn “chưa được 1 vòng quay trong 1 năm”. Toàn bộ nền kinh tế rơi vào trì trệ, thanh khoản gặp khó khăn nghiêm trọng ở nhiều ngành, không riêng bất động sản.

Tuy vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khủng hoảng bất động sản hiện nay khác giai đoạn trước đây (trước đây là dư cung, trong khi đó lần này là khủng hoảng thiếu cung). Trong bối cảnh đó doanh nghiệp lại thiếu vốn, không thể mở thêm Dự án, do đó thị trường “đóng băng”.

Theo chuyên gia, thị trường bất động sản có thể khó khăn kéo dài đến quý II, quý III sang năm. Để phục hồi thị trường bất động sản, Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ với các Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản với sự tham gia tới tận doanh nghiệp. Đây là nỗ lực chưa từng có, tuy nhiên kết quả chưa cao.

“Chúng ta chưa vào “tâm bão”, chúng ta chưa đẩy được cung của nguồn nhà ở giá rẻ thì chưa giải quyết được vấn đề. Làm sao để các doanh nghiệp đi vào nhà ở giá rẻ được “tự do”. Cần thiết Chính phủ quy định khung giá cho nhà ở giá rẻ như ở Trung Quốc, tránh làm các nhà đầu tư nhà ở giá rẻ nản lòng. Chúng ta chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở bất động sản thì chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Cùng chung ý kiến, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, hiện nay, thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Mặc dù sức cầu thị trường rất tốt, nhưng vẫn chứng kiến sự suy giảm trong giao dịch do các nhà đầu tư đang đối diện với vấn đề "chôn" vốn và phải giải quyết những thách thức tài chính.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, lượng giao dịch bất động sản đã giảm đến 90%, cho thấy tình trạng sức cầu của thị trường yếu kém. Bên cạnh vấn đề khan hiếm nguồn cung nhà ở giá rẻ, còn tồn tại một vài vấn đề như thiếu cơ chế và sự quyết tâm của nhiều địa phương, dẫn đến tình trạng nhiều dự án vẫn chưa được gỡ khó, các doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Đính cho biết, những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong việc ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn trên thị trường bất động sản đã có tác động tích cực tới thị trường. Theo ông Đính, trong quý 1/2023, đã có gần 3.000 sản phẩm giao dịch và trong quý 2, con số này đã tăng 30%. Đến nay nay, niềm tin từ các nhà đầu tư cũng dần được phục hồi, nhiều dự án mới bắt đầu mở bán trên thị trường, dẫn đến việc gia tăng số lượng giao dịch bất động sản.

Tuy vậy, việc cải thiện nguồn cung nhà ở mới và sự ổn định của tâm lý của người mua vẫn đang diễn ra chậm chạp, cần nhiều thời gian để hoàn thiện các dự án mới. Đồng thời, tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần ổn định hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những người đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư trước đây.

Qua khảo sát, 70% doanh nghiệp cho biết, các chính sách về nguồn vốn vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong đó, 2/3 các doanh nghiệp cho biết, chính quyền địa phương nơi họ có hợp đồng kinh doanh đã bắt đầu tuyên truyền hướng dẫn tổ chức hỗ trợ chính sách, nhưng chỉ có 15% doanh nghiệp đánh giá về những chính sách hỗ trợ về đất đai, gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất đạt mức độ hiệu quả…; 28% đánh giá việc thực hiện các chương trình tiếp cận vốn vay ưu đãi,…

TS Nguyễn Văn Đính kỳ vọng, trong giai đoạn cuối năm 2023 – đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực hơn so với giai đoạn cuối quý 2 và đầu quý 3/2024.

FiinRatings và PVIAM: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó bứt phá mạnh song đang hồi phục

Tại Hội thảo về Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam tổ chức sáng nay (21/9), đại diện FiinRatings và Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM) đưa ra nhiều nhận định về triển vọng thị trường TPDN.

Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, phát hành TPDN đạt khoảng 140.000 tỷ đồng. Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc phân tích FiinRatings cho rằng, tốc độ hồi phục của thị trường TPDN hiện nay chậm và khó có sự bứt phá 12 tháng tới xét về môi trường lãi suất cũng như sức cầu vốn của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Tuy vậy, giai đoạn chững lại hiện nay, theo ông Khang, là sự cần thiết bởi thị trường đang đi vào giai đoạn phát triển chiều sâu.

Đồng tình với ý kiến này, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM) cũng không hi vọng thị trường có sự bứt phá thời gian tới mà cho rằng sự hồi phục sẽ diễn ra từ từ. Mặc dù chỉ mới giải ngân các khoản đầu tư trái phiếu trở lại trong vài tháng gần đây, song bà Giao cho rằng, cầu trái phiếu doanh nghiệp luôn tồn tại, kể cả bên bán lẫn bên mua.

“Hiện quy mô thị trường TPDN Việt Nam còn rất nhỏ, chỉ khoảng 11% GDP trong khi so sánh các nước bên cạnh 30-40% GDP. Tôi tin rằng, thị trường đã qua giai đoạn khủng hoảng và đi vào giai đoạn khối phục dần dần”, bà Giao nhận định.

Trong giai đoạn thị trường TPDN bị khủng hoảng, hiện tượng “fund run” đã xảy ra. Tuy nhiên, hiện thị trường đã hồi phục. Theo bà Giao, với các quỹ đầu tư trái phiếu mở, đến nay lượng mua vào TPDN đã hồi phục về mức bình thường, cho thấy niềm tin đã quay trở lại.

Hiện tại, lãi suất huy động giảm sâu song lãi suất trái phiếu trên thị trường có sự phân hóa mạnh. Nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu lãi suất chỉ 5-7%/năm song cũng nhiều doanh nghiệp đang phải phát hành với lãi suất 13-14%/năm. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, lãi suất không phản ánh rủi ro của trái phiếu mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: ngành nghề, sức khỏe của tổ chức phát hành, thanh khoản thời điểm phát hành, tài sản đảm bảo… Nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất 13-14% nhưng tỷ suất sinh lời của họ có thể lên tới 40% nên mức lãi suất này không có gì bất thường.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, chủ trương của Chính phủ và NHNN là giảm lãi suất cho vay, điều này phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, với TPDN, chúng ta phải chấp nhận đường cong lãi suất tùy chất lượng, đặc điểm của từng trái phiếu, đây mới là nguyên tắc vận hành chuẩn của trái phiếu doanh nghiệp chứ không phải đưa tất cả lãi suất trái phiếu về một mặt bằng chung.

Dù là nhà đầu tư tổ chức có đội ngũ phân tích chuyên nghiệp, bà Giao cho biết, công ty này vẫn có nhu cầu sử dụng thêm phân tích của bên thứ ba đánh giá độc lập như FiinRatings. Còn với nhà đầu tư cá nhân, bà Giao khuyến cáo nếu không có đủ kiến thức nên thông qua các cố vấn tài chính hoặc các quỹ chuyên nghiệp. Nếu có kiến thức chuyên nghiệp phải tìm hiểu thông tin cẩn thận, đầy đủ, tham khảo kết quả xếp hạng tín nhiệm nếu có.

Tin bài liên quan