Ngành chăm sóc sức khoẻ lọt “mắt xanh” nhà đầu tư cá mập

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thuộc nhóm hàng hiếm trên sàn, cổ phiếu của các bệnh viện tư nhân đang được nhiều nhà đầu tư tổ chức chú ý và gom mua cho một tầm nhìn dài hạn.
Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện TNH Thái Nguyên. Ảnh Dũng Minh

Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện TNH Thái Nguyên. Ảnh Dũng Minh

Biến động tích cực

Cuối tháng 2 vừa qua, Endurance Capital Việt Nam I và II đã mua vào 684.000 cổ phiếu TNH của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, tăng tỷ lệ sở hữu cả nhóm lên 6,05%. Một tuần sau, Quỹ đầu tư ACCESS S.A. SICAV-SIF-ASIA TOP PICKS đến từ châu Âu cũng mua thêm 574.400 cổ phiếu TNH nâng tỷ lệ sở hữu lên 7 triệu cổ phần, tương đương với 6,35%.

Cổ đông nước ngoài lớn nhất ở TNH là KWE hiện sở hữu gần 11% cũng bày tỏ sẽ đồng hành dài hạn với doanh nghiệp, trong các đợt huy động vốn để mở rộng đầu tư tới đây. Dưới góc nhìn của đại diện quỹ, chăm sóc sức khoẻ là ngành được đánh giá cao về tiềm năng. Hiện nay, dân số Việt Nam lên tới 100 triệu người, dân số đang trở nên già hoá khiến nhu cầu chăm sóc y tế chất lượng cao ngày càng tăng khi kinh tế phát triển.

Dữ liệu cập nhật mới nhất cho thấy tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại TNH xấp xỉ 40%. Với động thái mua vào của các nhà đầu tư, thị giá TNH đã tăng từ vùng 18.000 đồng/CP lên xấp xỉ 23.000 đồng/CP, tức là tăng hơn 20% trong vòng 1 tháng trở lại đây, thanh khoản cũng tăng mạnh, đạt trung bình hơn 1 triệu cổ phiếu/phiên.

Đà tăng của cổ phiếu TNH đến sau hoạt động khởi công dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn hồi cuối tháng 2/2024. Địa điểm xây dựng thuận lợi nằm trong nội thành và thành phố Lạng Sơn chưa có bệnh viện tư nhân nào trong khi bệnh viện tỉnh được xây dựng cách thành phố tới 8 km. Theo kế hoạch, bệnh viện với quy mô 300 giường sẽ đi vào hoạt động sau 1 năm khởi công xây dựng, tương tự Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) quy mô 300 giường bệnh sắp đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Với 500 giường bệnh tại 2 cơ sở y tế đang hoạt động ở Thái Nguyên, như vậy, quy mô do TNH vận hành khai thác sẽ lên tới 1.100 giường bệnh, khẳng định tầm vóc nhà đầu tư quy mô lớn tại miền Bắc.

Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT TNH cho biết, Bệnh viện TNH Việt Yên đi vào hoạt động sẽ giúp doanh thu của Công ty tăng thêm 30%. Năm 2025, TNH Lạng sơn đưa vào hoạt động doanh thu tiếp tục tăng thêm khoảng 30% nữa. Tiếp đó là TNH Hà Nội với quy mô 500 giường bệnh…

Việc mở rộng đầu tư theo chuỗi, có thêm dòng tiền đều đặn và bảo đảm hiệu quả hoạt động liên tục tăng trưởng là những lợi thế các hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt khi chăm sóc sức khoẻ là ngành không mang tính chu kỳ, không chịu các tác động lớn từ biến động tăng giảm bất thường…

Theo bà Hương Trịnh, Giám đốc điều hành BDA Partners, các nhà đầu tư tài chính và chiến lược đang rất mong muốn được tham gia lĩnh vực hấp dẫn này. Sự già hóa dân số, cùng với nhận thức về sức khỏe được nâng cao và mức thu nhập ngày càng tăng tạo ra nhu cầu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao mà hiện tại vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Về nguồn cung, tình trạng quá tải tại các bệnh viện công tuyến đầu ở các thành phố lớn vẫn chưa được khắc phục. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số giường bệnh/1.000 dân tại Việt Nam mới đạt 3,1 giường, dưới mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (5 giường/1.000 dân).

Sự mất cân bằng cung cầu này cho thấy tiềm năng phát triển hệ thống y tế tư nhân ở Việt Nam, được hỗ trợ bởi các chính sách khuyến khích của Chính phủ, như Nghị quyết số 20/NQ-TW (năm 2017) đặt mục tiêu số giường bệnh tư nhân chiếm 10% và 15% tổng số giường bệnh vào năm 2025 và năm 2030. Do đó, bệnh viện tư nhân sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là khi số lượng bệnh nhân đang phục hồi về mức trước đại dịch; các ca phẫu thuật, thủ thuật y tế phức tạp và các dịch vụ y tế đắt tiền đã được thực hiện trở lại.

Những xu hướng nổi bật

Các bệnh viện đa khoa sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm cao nhất. Thương vụ lớn nhất trong nhóm ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong những năm gần đây là khoản đầu tư hơn 203 triệu USD của GIC vào Vinmec năm 2020. Khoản đầu tư của VinaCapital vào Hệ thống Y tế Thu Cúc năm 2020, trước đó là khoản đầu tư của Quadria Capital vào Bệnh viện FV năm 2017, khoản đầu tư của Navis Capital vào Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội năm 2016.

Bà Hương Trịnh cho biết, nhiều nhà đầu tư chiến lược và tài chính đang tìm kiếm cơ hội thực hiện những khoản đầu tư lớn vào một số bệnh viện đa khoa tư nhân tại Việt Nam, trong đó, họ đặc biệt chuộng bệnh viện có biên lợi nhuận tốt, dòng tiền ổn định và tỷ lệ lấp đầy cao. Đáng chú ý, các bệnh viện thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp với chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế có nhiều khả năng thu hút thêm lượng bệnh nhân trong nước - những người trước đây thường chọn sang nước ngoài điều trị.

Tâm điểm mới đang đổ về các đô thị loại II, loại III: Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các cơ sở y tế nằm ngoài các thành phố lớn tại Việt Nam, ví dụ thương vụ CVC mua lại 60% cổ phần của Bệnh viện Phương Châu (hệ thống bao gồm 4 bệnh viện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) vào năm 2022 và thương vụ Kei Mei Kai mua lại Bệnh viện Hoàn Hảo tại Bình Dương vào năm 2019. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam sẽ tạo ra nhu cầu lớn về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại các đô thị loại II, loại III, biến các bệnh viện ở những khu vực này trở thành những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Đặc biệt, nhà đầu tư cá mập đang “săn lùng” các hệ thống chăm sóc sức khỏe có quy mô lớn với nhiều cơ sở tại Việt Nam. Lý do là, các hệ thống này có sức hấp dẫn lớn hơn từ góc độ tăng trưởng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận so với các cơ sở chăm sóc sức khỏe đơn lẻ.

Ngoài ra, năng lực quản trị và quy mô đủ lớn cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo có nguồn nhân lực chất lượng cao, chìa khoá cạnh tranh của các bệnh viện.

Tin bài liên quan