Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước dự báo tăng cao nhờ các gói kích thích kinh tế.

Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước dự báo tăng cao nhờ các gói kích thích kinh tế.

Ngành thép: Ngày vui chưa tới?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chu kỳ tăng giá thép cũng như cổ phiếu thép thường kéo dài 2 năm, nhưng đang có những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng này kéo dài hơn.

Giá thép giảm, nhưng vẫn cao hơn nhiều cùng kỳ

Tháng 11 được nhiều cổ đông doanh nghiệp ngành thép ví von là “quãng thời gian đen tối”. Chị Ý Nhi, một nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản ở Công ty Chứng khoán VPS đã mua vào cổ phiếu HSG ngay sát giá đỉnh 49.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa tháng 10, để rồi phải gồng lỗ suốt hơn một tháng qua. Đầu tuần này, cổ phiếu HSG xuất hiện màu xanh, tím, khiến chị Nhi ngỡ “sắp về bờ”, song niềm vui không kéo dài được quá hai phiên.

Từ mức đỉnh lập được trong tháng 10 đến nay, thị giá của các mã thép đầu ngành như NKG, HSG và HPG đã giảm lần lượt 28%, 25% và 18%. Các mã thép khác cũng chịu hoàn cảnh tương tự, như POM giảm 17%, TLH giảm 12%, TVN giảm 18%...

Cổ phiếu thép giảm mạnh theo đà giảm của giá thép trên thị trường thế giới và trong nước thời gian qua. Trong tháng 11, giá quặng sắt sàn giao dịch Thượng Hải đã giảm gần 60% so với đỉnh 201 USD/tấn tháng 5/2021, về mức 88 USD/tấn.

Về giá thép, giá thép thanh và HRC của Trung Quốc gần đây cũng đã giảm lần lượt 25% và 28% so với vùng đỉnh hồi tháng 5 năm nay do Chính phủ Trung Quốc nỗ lực kiểm soát giá thép trong nước (bằng cách loại bỏ hoàn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thép) và các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản.

Tại thị trường EU - Mỹ, giá HRC cũng giảm lần lượt 23,5% và 7% kể từ mức đỉnh vào cuối tháng 7/2021. Giá thép thế giới lao dốc gây áp lực lên giá thép xây dựng nội địa.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá bán thép xây dựng trong nước điều chỉnh giảm từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn vào đầu tháng 12, ở mức bình quân khoảng 15.900 - 16.000 đồng/kg, tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. Trước đó, giữa tháng 11, nhiều doanh nghiệp thép xây dựng cũng điều chỉnh giảm giá, với mức khoảng 300.000 đồng/tấn.

Chuyên viên phân tích của một số công ty chứng khoán nhận định, thị giá các cổ phiếu đầu ngành thép như HPG, HSG, NKG đã chiết khấu đủ mức hấp dẫn để mua vào. Theo đó, kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp thép dự báo vẫn tăng trưởng cao so với cùng kỳ được kỳ vọng là động lực trong ngắn hạn của dòng thép.

Lợi nhuận quý IV/2021 của HPG có thể tiếp tục đạt mức tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2020 nhờ tăng trưởng về cả sản lượng và giá bán.

Giá thép dù giảm, nhưng hiện cao hơn khoảng 40 - 60% so với cùng kỳ 2020.

Tiêu thụ thép tại thị trường nội địa phục hồi mạnh mẽ trong quý IV nhờ nhu cầu dồn nén sau giãn cách, đồng thời kênh xuất khẩu vẫn duy trì khả quan. Giá thép mặc dù có xu hướng giảm theo xu hướng chung của giá thép thế giới nhưng vẫn cao hơn khoảng 40 - 60% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, HSG và NKG đều đã chốt các đơn hàng xuất khẩu lớn trong 3 tháng tới. HSG đã giành được đơn hàng xuất khẩu khoảng 130.000 tấn/tháng cho đến tháng 1/2022, NKG đã nhận đơn đặt hàng đến tháng 2/2022. Giá xuất khẩu ước tính vẫn ở mức cao trong quý cuối năm, do Công ty chốt giá trước 3 tháng.

Nhiều yếu tố hỗ trợ ngành thép trong năm sau

Với đặc thù của ngành thép là thường xuyên dư thừa công suất, việc tăng giá thép gần như ngay lập tức kích thích các nhà sản xuất tăng sản lượng, dẫn đến việc một chu kỳ tăng giá thép thường không kéo dài quá 2 năm.

Nhìn lại chu kỳ tăng giá thép gần đây nhất, giai đoạn “ngọt ngào” của các doanh nghiệp ngành thép cũng như của nhà đầu tư cổ phiếu thép diễn ra trong 2 năm 2016 - 2018. Với chu kỳ tăng giá thép lần này, giá thép đã tăng được gần 2 năm kể từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2021.

Gần đây, Fitch Solutions cũng đưa ra dự báo, giá thép toàn cầu sẽ giảm từ mức cao của hiện tại xuống mức trung bình 750 USD/tấn trong năm 2022 và 535 USD/tấn trong giai đoạn 2023 - 2025 do nhu cầu thép cho ngành xây dựng Trung Quốc được kỳ vọng sẽ suy yếu trong giai đoạn 2022 - 2025, thời điểm các dự án xây dựng hạ tầng giảm dần và rủi ro gia tăng trong ngành bất động sản của quốc gia này. Sức cầu của quốc gia tiêu thụ thép số 1 thế giới sẽ ảnh hưởng tới giá thép toàn cầu.

Theo diễn biến giá thép thế giới, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng dự báo giá thép xây dựng của Việt Nam sẽ giảm xuống mức 14.300 đồng/kg - 13.600 đồng/kg vào năm 2022 - 2023, tương đương giảm lần lượt 8 - 5% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, thực tế trong tuần qua, giá thép trên thị trường thế giới cũng như trong nước bật tăng mạnh. Đà tăng này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục cắt giảm sản lượng thép tại thủ phủ ngành thép là Đường Sơn và Hàm Đan của tỉnh Hà Bắc.

Việc cắt giảm này dự kiến sẽ tiếp tục trong hai tháng tới, chủ yếu là để giảm khói bụi trong những tháng mùa Đông và cải thiện chất lượng không khí cho Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022.

Trong khi đó, sức cầu ở thị trường trong nước và xuất khẩu dự kiến sẽ tích cực.

Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cho năm 2020 - 2021 ở mức cao so với trung bình 3 năm trước đó, tuy nhiên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp hơn hẳn so với các năm trước do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy vậy, về dài hạn, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Cụ thể, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thông qua tại kỳ họp tháng 12/2021, với tổng mức đầu tư lên tới 146.990 tỷ đồng.

Trong đó, phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí hơn 47.100 tỷ đồng. Việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh từ cuối năm 2021 và trong suốt cả năm 2022 sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho nhu cầu thép nội địa trong năm 2022.

Số liệu dự phóng của ông Trần Bá Trung, chuyên gia phân tích tại VNDIRECT, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng sẽ tăng 10 - 15% vào năm 2022, trong khi sản lượng tiêu thụ tôn mạ sẽ tăng nhẹ 5% vào năm 2022.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu thép vẫn rất tích cực. Theo Bộ Công thương, 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép cán mốc 10,8 tỷ USD với mức tăng trưởng gần 130% so với cùng kỳ 2020.

VSA phân tích, chính sách môi trường, điều chỉnh hoàn thuế xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc và biến động giá quặng, than và thép phế liệu vừa qua đã ảnh hưởng đến thị trường thép Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Xuất khẩu thép cuộn cán nguội - CRC vẫn tăng trưởng tốt, trong khi xuất khẩu tôn mạ và kim loại màu tăng cũng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Giữa tháng 11, gói đầu tư 1.200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng đã được Tổng thống Mỹ ký phê chuẩn, đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất vào cơ sở hạ tầng của nước này kể từ Đạo luật Đường cao tốc Viện trợ Liên bang năm 1956.

Trong đó, các dự án có nhu cầu huy động thép bao gồm 110 tỷ USD dành cho các dự án giao thông trọng điểm, 66 tỷ USD dành cho đường sắt, 39 tỷ USD dành cho phương tiện công cộng và 7,5 tỷ USD dành cho xe điện. Theo ước tính, cứ 100 tỷ USD đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng thì sẽ làm tăng nhu cầu thép trong nước lên 5 triệu tấn.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã thông báo khởi động kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.350 tỷ USD vào đầu tháng 8. Gói đầu tư này sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế với trọng tâm là mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông và sử dụng nhiên liệu sạch hơn.

Thực tế, báo cáo mới đây của HPG cũng cho thấy, tình hình xuất khẩu khởi sắc trong tháng 11. Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng và tôn mạ các loại trong tháng đều tăng cao. Thép xây dựng đạt hơn 100.000 tấn, gấp 2,3 lần so với năm ngoái. Trong khi đó, tôn lần đầu tiên xuất khẩu tới 55.000 tấn/tháng, chủ yếu đến từ nhu cầu với mặt hàng tôn mạ kẽm của thị trường Mỹ và châu Âu tăng cao.

Dù xuất khẩu giảm nhưng NKG vẫn ưu tiên thị trường nước ngoài do xuất khẩu mang lại biên lợi nhuận gộp cao hơn so với thị trường trong nước và cho phép công ty giảm thiểu rủi ro nợ khó đòi và các khoản phải thu. Dự kiến, NKG duy trì tỷ trọng xuất khẩu trong tổng sản lượng bán hàng ở mức 75 - 80% trong quý IV/2021.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, các công ty chứng khoán cho rằng, cổ phiếu thép sẽ khó có khả năng giảm mạnh như hồi năm 2018 – giai đoạn cuối của chu kỳ tăng giá trước của ngành thép. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp ngành thép đều rất thận trọng trong việc đầu tư mới, do đó, áp lực nợ dài hạn là không đáng kể.

Tin bài liên quan