Bảo hiểm sức khỏe là 1 trong nghiệp vụ 3 quan trọng nhất của các doanh nghiệp phi nhân thọ

Bảo hiểm sức khỏe là 1 trong nghiệp vụ 3 quan trọng nhất của các doanh nghiệp phi nhân thọ

“Nguồn sống” của bảo hiểm phi nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản - thiệt hại và bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục là những nghiệp vụ mang lại doanh thu phí cao nhất cho các doanh nghiệp phi nhân thọ trong năm 2023, bất chấp đã giảm mạnh so với những năm trước.

Đóng góp hơn 80% tổng doanh thu phí 2023

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, lũy kế đến 31/12/2023, tuy chỉ tăng trưởng 0,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh thu bảo hiểm sức khỏe vẫn đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu phí toàn khối phi nhân thọ với gần 24.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,5%. Trong khi đó, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới năm 2023 chiếm tỷ trọng 25% trên tổng doanh thu với hơn 17.700 tỷ đồng, giảm gần 2% so với năm 2022.

Do doanh thu phí giảm sút liên tục trong những năm gần đây (nguyên nhân chính là do số lượng xe ô tô bán ra toàn thị trường giảm hơn 30% so với năm 2022, đồng thời giá xe mới và xe cũ đều giảm sâu, sức mua yếu… dẫn đến số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm của các đơn vị đều sụt giảm so với năm 2022) nên bảo hiểm xe cơ giới không còn giữ vị trí thứ 2 về doanh thu phí lớn nhất, mà nhường vị trí này cho bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại với tỷ trọng 27,8% - tương đương hơn 20.000 tỷ đồng.

Trong năm qua, việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh góp phần giúp bảo hiểm kỹ thuật (nằm trong nhóm nghiệp vụ bảo hiểm tài sản - thiệt hại) có điều kiện phát triển mạnh mẽ (doanh thu tăng trưởng 40% so với năm 2022). Được biết, Bộ Tài chính đã có Công văn số 14447/BTC-ĐT ngày 29/12/2023 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 73,5% kế hoạch năm 2023 và đang yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đây là tiền đề để nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật có thể tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.

Như vậy, có thể thấy, doanh thu của 3 nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản - thiệt hại và bảo hiểm xe cơ giới đã đóng góp hơn 80% vào tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn khối phi nhân thọ trong năm qua.

Chưa đến 20% doanh thu phí bảo hiểm còn lại chia cho các sản phẩm bảo hiểm khác như bảo hiểm vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm bảo lãnh. Trong đó, bảo hiểm vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm và bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu chiếm tỷ trọng hơn 8% doanh thu các nghiệp vụ còn.

Thúc tăng trưởng “nguồn sống”

Doanh thu của 3 nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản - thiệt hại và bảo hiểm xe cơ giới đóng góp hơn 80% tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn khối phi nhân thọ trong năm qua.

Nền kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo khảo sát từ các nhà kinh tế, nền kinh tế toàn cầu chưa thể khởi sắc trong năm nay, cho dù tốc độ suy thoái đã giảm bớt, nguyên nhân là do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều nền kinh tế lớn, xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực….

Bộ phận Nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citigroup đưa ra dự báo, giá dầu thế giới năm 2024 sẽ có xu hướng đi xuống, mức độ sụt giảm có thể lên tới 30-50% so với năm 2023. Điều này khiến doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa có thể sẽ sụt giảm tương ứng.

Ngoài ra, đầu tháng 9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được tăng/giảm phí 25% biểu phí. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, điều kiện giảm phí có thể khiến doanh thu bảo hiểm sụt giảm.

“Khi triển khai Nghị định số 67/2023 trong năm 2024, sẽ có một số quy định mới tác động trực tiếp đến công tác khai thác doanh thu phí bảo hiểm”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm trong tốp đầu thị trường nhìn nhận.

Dù liên tục sụt giảm những năm gần đây, song bảo hiểm xe cơ giới vẫn được các doanh nghiệp bảo hiểm coi là nghiệp vụ “xương sống”, bên cạnh bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tài sản - thiệt hại. Nghiệp vụ này cũng được dự báo còn gặp nhiều khó khăn do giá xe ô tô liên tục giảm, lực cầu thị trường yếu... và các doanh nghiệp đang tìm lực đẩy cho bảo hiểm xe cơ giới.

Trong một diễn biến có liên quan, trung tuần tháng 1/2024, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và 2 định chế bảo hiểm lớn trên thế giới là Allianz Partners và Marsh đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai phân phối các gói bảo hiểm bảo hành mở rộng xe ô tô trên thị trường Việt Nam. Theo đó, việc hợp tác 3 bên sẽ đánh một dấu mốc quan trọng trong việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là sản phẩm bảo hành mở rộng xe ô tô tại Việt Nam trong tương lai.

Bà Hoàng Thị Yến - Tổng giám đốc PTI cho hay, PTI là một trong những nhà cung cấp gói giải pháp bảo hiểm toàn diện Bảo an hành trình - Bảo an sức khỏe và Bảo an tài sản tại Việt Nam. Trong gói giải pháp Bảo an hành trình (PTI Roadcare), ngoài các sản phẩm truyền thống như bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe..., còn bao gồm bảo hiểm bảo hành mở rộng - sản phẩm mới mà PTI vừa ký kết hợp tác với Allianz và Marsh. Hiện nay, PTI được đánh giá có chất lượng dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới tốt nhất thị trường với hơn 1.500 garage liên kết trên toàn quốc, cùng đội ngũ hơn 300 chuyên viên cứu hộ và giám định có mặt trên 53 tỉnh, thành trên cả nước.

Tại Bảo hiểm BIDV (BIC), xác định thị trường bảo hiểm tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực trong năm 2024, nhà bảo hiểm này quyết tâm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu, phấn đấu lọt vào Top 5 doanh nghiệp có thị phần doanh thu phí lớn nhất. Cùng với bảo hiểm xe cơ giới hay bảo hiểm tài sản kỹ thuật, các sản phẩm bảo hiểm tai nạn con người cũng là thế mạnh của BIC, đặc biệt là bán qua kênh ngân hàng. Theo đại diện BIC, với lợi thế là công ty thành viên của BIDV, BIC sẽ tiếp tục tập trung dòng vào sản phẩm đang đem lại hiệu quả cao này.

Một công ty bảo hiểm khác có ngân hàng mẹ “chống lưng” là Bảo hiểm VietinBank (VBI) cũng sẽ gia tăng khai thác thế mạnh của mình trong năm nay là các dòng sản phẩm liên quan đến nghiệp vụ tài sản kỹ thuật. Đây là sản phẩm được đánh giá có lợi nhuận cao, bên cạnh các sản phẩm bán lẻ khác như bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm xe cơ giới.

Tin bài liên quan