Nhiều doanh nghiệp mất cân đối dòng tiền

Nhiều doanh nghiệp mất cân đối dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 52% doanh nghiệp được khảo sát cho biết mất cân đối dòng tiền.

Đó là con số đáng chú ý được ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại Diễn đàn: Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức chiều 19/8.

Theo Phó chủ tịch VCCI, khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI thực hiện năm 2022 cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, có tới 92% doanh nghiệp (94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…

Ông Phòng cũng chỉ ra rằng, những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Song song đó, quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương… Vì vậy, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đang diễn ra gay gắt.

Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh kể: “Sau khi đại dịch giảm xuống, châu Âu bắt đầu cho đi lại, chúng tôi đã ngay lập tức có chuyến đi châu Âu làm triển lãm và gặp gỡ khách hàng. Qua đó nhận thấy, châu Âu đang rất khó khăn ở các khía cạnh như, khu vực này phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga và nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc. Do đó, khi Trung Quốc đóng cửa, phong toả, các nước này gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả một quốc gia rất phát triển như Đức cũng nhập nhiều thiết bị từ Trung Quốc bao gồm cả máy móc”.

Một vấn đề nóng nữa là lạm phát trên toàn thế giới. Theo ông Sinh, khoảng 70% các doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng xuất khẩu, khi lạm phát xảy ra, chúng ta thấy không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, lạm phát ở các nước châu Âu và Mỹ diễn ra, dần dần họ bắt đầu mua bán chậm hơn, ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam nhiều hơn đặc biệt là khối xuất khẩu. Đặc biệt, điều đó sẽ ảnh hưởng rất mạnh trong nửa cuối năm 2022.

Ông Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam cũng nêu ra thực tế khó khăn của các doanh nghiệp. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có sự chậm lại về số lượng và lao động trong 5 năm từ 2016-2020. Số lượng doanh nghiệp đang thực sự hoạt động trong nền kinh tế hiện tăng từ 505.000 doanh nghiệp vào năm 2016 lên khoảng 684.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

“Như vậy, số lượng tăng lên chỉ 180.000 doanh nghiệp, là khoảng cách khá xa so với số lượng doanh nghiệp đăng ký hàng năm, thường ở mức 1,2 – 1,3 triệu doanh nghiệp đăng ký mỗi năm”, ông Bình cho biết.

Cũng theo ông Lê Duy Bình, trong số 684.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì doanh nghiệp tư nhân trong nước là chính, khoảng 660.000 doanh nghiệp, 1.900 doanh nghiệp nhà nước và 22.000 doanh nghiệp FDI.

“Con số này so với tỷ lệ doanh nghiệp đang thực sự hoạt động ở các quốc gia trong khu vực ASEAN còn khá xa. Đồng thời, so với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 cũng khá xa”, ông Bình nhấn mạnh.

Tin bài liên quan