Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 8.000 tỷ đồng, thấp hơn kết quả năm ngoái.

Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 8.000 tỷ đồng, thấp hơn kết quả năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp xác định... đi lùi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự báo một năm kinh doanh đầy khó khăn, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí là thua lỗ.

Thận trọng lên kế hoạch

Tại Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (mã chứng khoán SHE), ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc cho biết, năm nay, kế hoạch lợi nhuận có thể tương đương với năm ngoái. Mục tiêu thận trọng này được đưa ra trong bối cảnh sức mua giảm sút, hàng bán ra rất chậm.

Dự báo một năm nhiều khó khăn, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang (mã KGM) đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.562 tỷ đồng, giảm 16,3% so với thực hiện của năm ngoái; lợi nhuận 11 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị KGM xác định, năm 2023, hoạt động kinh doanh của Công ty chịu tác động của nhiều diễn biến bất lợi của nền kinh tế trong nước và thế giới. Ở trong nước là việc các kênh dẫn vốn tắc nghẽn, lãi suất cho vay cao. Còn trên thế giới là việc lạm phát vẫn ở mức cao, biến đổi khí hậu, tỷ giá biến động, chính sách nhập khẩu của Philippines - thị trường xuất khẩu chủ yếu của Công ty khó lường…

Năm nay, Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu doanh thu giảm 24,7%, lợi nhuận giảm 50% so với năm 2022.

Năm nay, Tổng công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC) dự kiến trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 10.875 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng, cổ tức 30%. Năm ngoái, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 14.444 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.036 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đặt mục tiêu doanh thu giảm 24,7%, lợi nhuận giảm 50% so với thực hiện của năm ngoái.

Trong khi đó, theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt mới đây, nhiều nhà sản xuất thép xây dựng như Thép Miền Nam, Pomina, Vina Kyoei đã cắt giảm tới 2/3 sản lượng. Giá nguyên vật liệu tăng trong khi giá bán không tăng tương ứng, các nhà máy thép quy mô nhỏ đang cắt giảm sản xuất và đẩy mạnh thanh lý hàng tồn kho.

Xuất khẩu cao su giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị, Công ty cổ phần Cao su Tân Biên (mã chứng khoán RTB) xác định lỗ trước thuế hơn 9 tỷ đồng trong quý I.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2023, sản lượng xuất khẩu cao su giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, đạt 182,58 triệu tấn. Tình hình xuất khẩu cao su của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 được dự báo sẽ đối mặt với khó khăn do Trung Quốc - thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam - liên tục thay đổi chính sách do tác động của Covid-19.

Năm nay, Cao su Tân Biên đặt kế hoạch doanh thu đạt 615 tỷ đồng, giảm 21% so với mức thực hiện của năm 2022. Tuy vậy, mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 117 tỷ đồng, tăng 14% so với năm ngoái. Bức tranh kinh doanh của Công ty được kỳ vọng sẽ sáng hơn trong nửa cuối năm.

Không chỉ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng. Chẳng hạn, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (mã FTS) xây dựng mục tiêu kinh doanh năm nay với doanh thu hoạt động và doanh thu tài chính ở mức 770 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 420 tỷ đồng, giảm lần lượt 26,5% và 34% so với kết quả thực hiện trong năm ngoái.

Tìm hướng vượt khó

Dù đặt kế hoạch đi ngang hay chậm lại, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh.

Theo ông Hoàng Mạnh Tân, từ đầu năm đến nay, SHE triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ. “Chúng tôi chấp nhận giảm giá bán để thúc đẩy sản lượng, có việc làm cho nhân viên”, ông Tân nói.

SHE là doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm như thái dương năng, xe máy điện Evgo… Tuy nhiên, sức cầu yếu, tồn kho cao là vấn đề SHE đang gặp phải. Để đẩy mạnh tiêu thụ, Công ty đang mở rộng điểm bán tại thị trường phía Nam. Trong tháng 4 tới, Công ty sẽ khai trương một đại lý mới tại TP.HCM.

Mở rộng hệ thống đại lý cũng là hướng đi của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp ô tô Sài Gòn (Savico, mã chứng khoán SVC) trong năm nay. Savico nhìn thẳng vào những thách thức phải đối mặt, đó là lãi vay tăng cao, thiếu nguồn tín dụng sẽ khiến người tiêu dùng chùn chân trong việc mua sắm. Khó khăn của thị trường bất động sản và chứng khoán dẫn đến động lực mua sắm ô tô không còn thuận lợi như trước. Điều này dẫn đến thừa nguồn cung lớn, tạo áp lực giảm giá, chi phí tồn kho và chi phí lãi vay tăng.

Theo Savico, thị trường ô tô sẽ cần 3 - 6 tháng để cân bằng lại. Những thách thức này khiến Công ty đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu mục tiêu đạt 29.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 439 tỷ đồng, lần lượt giảm 39% và 25% so với thực hiện của năm ngoái. Để thực hiện được kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp này lên kế hoạch mở thêm 17 đại lý phân phối, nhận quyền phát triển 10 đại lý mới.

Lãi vay cao đang là một trong những vấn đề lớn cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt. Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ, vòng quay vốn bình thường là 6 tháng, nhưng năm nay, sau 6 tháng, có thể doanh nghiệp vẫn chưa bán được hàng để có tiền trả ngân hàng, nhất là những sản phẩm mang tính mùa vụ, bất động sản.

Năm 2023, KGM cũng có kế hoạch huy động vốn. Công ty dự kiến huy động 2.070 tỷ đồng theo hình thức thế chấp tài sản, hàng tồn kho và công nợ phải thu.

Trong khi đó, DGC cho biết, năm nay, Công ty đặt kế hoạch hoàn thành Nhà máy NPK Đắk Nông với vốn đầu tư 50 tỷ đồng; khởi công dự án Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn, với quy mô vốn đầu tư 500 tỷ đồng.

Tái cấu trúc để doanh nghiệp khỏe hơn cũng là vấn đề được quan tâm tại mùa đại hội cổ đông năm nay. Tại cuộc họp đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC, tổ chức ngày 4/3 vừa qua, FLC cho biết đang rà soát lại toàn bộ các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết để có phương án tiếp tục đầu tư hoặc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ. FLC dự kiến sẽ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Hãng hàng không này vừa báo lỗ nặng trong năm 2022, với số lỗ gần 16.800 tỷ đồng. Tính đến hiện tại, FLC góp 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways, tương đương 21,7% vốn điều lệ của công ty này.

Môi trường kinh doanh nhiều biến động, nhà đầu tư đang dõi theo kế hoạch chèo chống để vượt bão của các doanh nghiệp.

Tin bài liên quan