Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hệ thống ngân hàng hiện phổ biến từ 5,5 - 7,55%/năm

Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hệ thống ngân hàng hiện phổ biến từ 5,5 - 7,55%/năm

Nhu cầu cân đối vốn đang “căng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt trong tuần trước báo hiệu việc cân đối nguồn vốn của các ngân hàng đang khó khăn hơn.

Cuộc đua tăng lãi suất huy động

Gần đây, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND trên cả kênh gửi trực tuyến và gửi tại quầy của nhiều ngân hàng được điều chỉnh tăng khá mạnh.

Trong đó, MB nâng lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm 0,95%/năm so với đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của MB tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm, lên 5,3%/năm và 6,1%/năm.

Nam A Bank nâng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 8 - 9 tháng thêm 0,3%/năm, lên 6,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng đến 36 tháng đạt từ 7,2 - 7,4%/năm.

Một số ngân hàng khác có mức lãi suất huy động cao nhất trên 7%/năm như SCB với 7,55%/năm, Kienlongbank với 7,3%/năm, Techcombank với 7,1%/năm...

Lãi suất huy động cao nhất hiện thuộc về ABBank, với 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ngân hàng này.

Trong khi đó, SeABank áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 7,85%/năm đối với chứng chỉ tiền gửi bằng VND, mệnh giá tối thiểu 100 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng, còn kỳ hạn 24 tháng có lãi suất 7,7%/năm.

Không chỉ lãi suất tiết kiệm dân cư tăng, mà ngay cả lãi suất liên ngân hàng cũng đi lên. Cụ thể, ngày 5/9, lãi suất qua đêm đạt 5,17%/năm - vùng cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra cho đến nay. Lãi suất các kỳ hạn khác trên thị trường liên ngân hàng dao động quanh mức 5,5%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn trên thị trường dân cư, đồng thời cao hơn trần lãi suất huy động 4%/năm các kỳ hạn dưới 6 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Diễn biến này phản ánh nhu cầu cân đối vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng đang “căng”, một phần do các nhà băng chưa được cấp thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng nên chủ yếu xoay vòng vốn cho vay ngắn hạn.

Không chỉ lãi suất tiết kiệm dân cư tăng, mà ngay cả lãi suất liên ngân hàng cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, áp lực lạm phát gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đang rơi vào thế khó. Cơ quan này yêu cầu các ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng với mặt bằng lãi suất huy động gia tăng cộng với áp lực lạm phát thì yêu cầu này rất khó thực hiện, thậm chí buộc phải điều chỉnh tăng, nhất là khi USD mạnh lên, tạo áp lực lên tỷ giá.

Trên thế giới, lạm phát đang ở mức cao, sẽ dần tác động đến kinh tế Việt Nam. Các nhà phân tích của HSBC dự báo, lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức trung bình 3,5%, thấp hơn mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra, song áp lực dần mạnh lên trong những tháng cuối năm. Theo đó, lạm phát có thể vượt qua mức 4% kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Thực tế cho thấy, áp lực lạm phát đang tác động lên lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn hiện cao hơn 0,1 - 1%/năm so với đầu năm, dự kiến tiếp tục được điều chỉnh tăng trong 4 tháng cuối năm.

Theo giới phân tích, bên cạnh lạm phát thì việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 37% xuống 34% kể từ ngày 1/10 tới theo quy định của Thông tư 08/2021/TT-NHNN và kỳ vọng nới room tín dụng khiến nhiều ngân hàng tăng tốc trên đường đua lãi suất huy động.

Thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng

Mặc dù phải trả lãi suất cao hơn trước, lên tới 4,5%/năm, thay vì 2,5%/năm như trước đây, song lượng vốn mà các tổ chức tín dụng phải “vay nóng” qua thị trường liên ngân hàng tăng lên. Điều này phản ánh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang giảm dần.

Lãi suất không chỉ phản ánh nhu cầu vốn mà còn gắn bó mật thiết với tỷ giá. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất USD trong cuộc họp chính sách ngày 21 - 22/9 tới. Chỉ số USD Index gần đây liên tục đi lên, có lúc chạm mốc 110 điểm. Tỷ giá USD/VND đối mặt với áp lực tăng, giải pháp tức thời có thể vẫn là bán ra ngoại tệ, nhưng việc này đi cùng với hút nguồn VND về, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong ngắn hạn “căng” hơn, dẫn tới động thái tăng lãi suất huy động.

Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Everest nhận xét, dưới áp lực tăng lãi suất trên toàn cầu và tỷ giá USD/VND trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động từ doanh nghiệp và dân cư đã nhích lên đáng kể so với đầu năm nay. Lãi suất cho vay của các ngân hàng vì thế cũng đã tăng 0,3 - 0,7%/năm, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nhanh.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo, lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5 - 0,7%/năm sau khi room tín dụng được nới, nhằm có nguồn để đón đầu mùa vụ kinh doanh vốn cao điểm cuối năm. Như vậy, lãi suất huy động cả năm 2022 ước tính tăng 1 - 1,5%/năm.

Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, ông Ngô Quang Trung cho rằng, lãi suất huy động tăng ngoài chuẩn bị nguồn vốn cho vay dịp cuối năm vào sản xuất - kinh doanh còn nhằm đẩy nhanh việc giải ngân gói vốn hỗ trợ 2% lãi suất.

Ông Lực nhìn nhận, lãi suất huy động tăng giúp hút bớt lượng tiền đang lưu thông trong nền kinh tế để điều hướng nhiều hơn vào sản xuất - kinh doanh. Nhờ đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn tương đối ổn, dù không được dồi dào như những năm vừa qua.

Mặt khác, theo giới phân tích tài chính, lãi suất huy động tăng nhằm tránh nguy cơ mất cân đối tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đồng thời kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng khi tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, huy động vốn của các ngân hàng trong 7 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 4,2% so với cuối năm 2021 và tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 7 tăng 9,42% so với đầu năm (tính đến hết tháng 8 tăng 9,91%) và tăng 16,3% so với cùng kỳ. Điều này khiến chênh lệch huy động vốn - tín dụng tiếp tục giảm mạnh, tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động. Vì thế, nhiều nhà băng đã đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, đạt 5,5 - 7,55%/năm với kỳ hạn 12 tháng, cao hơn khoảng 0,7%/năm so với đầu năm, để cơ cấu lại nguồn theo quy định.

Thế nhưng, trước áp lực chi phí đầu vào gia tăng, lãi suất cho vay khó có thể giữ nguyên quanh mức 12%/năm. Khoảng 1 tháng trở lại đây, có những khách hàng cá nhân đã phải trả lãi vay vốn mua nhà 13 - 14%/năm, chi phí ngân hàng tăng và room tín dụng đã cạn.

Các ngân hàng kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm room tín dụng để cho khách hàng vay trong những tháng còn lại của năm 2022. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành ngân hàng, các nhà băng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh, an toàn sẽ được giao chỉ tiêu tín dụng mới, nhưng room tín dụng toàn ngành năm nay sẽ giữ nguyên mức 14%.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, điều này sẽ gây áp lực lên lãi suất huy động, bởi ngân hàng cần vốn cho vay vào thời điểm cuối năm sau khi được nới room tín dụng. Lãi suất cho vay cũng sẽ chịu tác động đi lên vào cuối năm.

Tin bài liên quan