Những lưu ý khi cho vay, thế chấp… hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho vay, cầm cố, thế chấp... hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chủ yếu dựa trên thỏa thuận giữa các bên (chứ chưa có quy định nào điều chỉnh) sẽ gây lúng túng cho cơ quan xét xử nếu tranh chấp.

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Ngọc Phú, Luật sư điều hành Hãng Luật NPLaw chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Pháp luật hiện hành đang quy định ra sao về việc chuyển nhượng, cho vay, cầm cố… hợp đồng bảo hiểm nhân thọ?

Ông Nguyễn Ngọc Phú

Ông Nguyễn Ngọc Phú

Về vấn đề chuyển nhượng, theo Điều 26 của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế.

Tuy nhiên, pháp luật chỉ quy định chung việc chuyển nhượng cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm mà chưa quy định cụ thể điều kiện, thủ tục cũng như hậu quả pháp lý của việc chuyển nhượng Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Mặt khác, tại Điều 26 của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định việc chuyển nhượng cũng chủ yếu phụ thuộc vào ý chí thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng như phụ thuộc vào sự chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm.

Còn đối với vấn đề dùng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để vay, cầm cố, thế chấp… cũng đã phát sinh nhiều trên thực tế, tuy nhiên, cũng giống như các giao dịch về chuyển nhượng, hiện tại pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh các giao dịch này. Chủ yếu các giao dịch này dựa trên sự thỏa thuận của bên mua bảo hiểm và bên bán bảo hiểm và cũng chỉ xảy ra giữa hai bên, không liên quan đến bên thứ ba.

Các giao dịch như vay, cầm cố... hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã xảy ra chưa? Và trên việc chưa có luật điều chỉnh sẽ gây ra những ảnh hưởng gì?

Dù pháp luật chưa quy định về việc thực hiện các giao dịch nêu trên nhưng thực tiễn cho thấy các giao dịch này đã phát sinh. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm được sử dụng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một loại tài sản hình thành trong tương lai của mình vào các giao dịch dân sự, Nhà nước cần ban hành các quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Quan hệ trong Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể hiểu đơn giản là việc bên mua bảo hiểm sẽ đóng tiền cho bên bán bảo hiểm theo một thời hạn được các bên thỏa thuận và sẽ nhận được một khoản tiền khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Nếu sự kiện bảo hiểm không xảy ra thì bên bán bảo hiểm sẽ hoàn trả lại số tiền theo thỏa thuận khi đến thời gian đáo hạn hợp đồng bảo hiểm và kèm theo khoản lợi tức (nếu có) cho bên mua bảo hiểm.

Như vậy, kể từ khi Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bắt đầu có hiệu lực thì trong tương lai, bên mua bảo hiểm đã có thể có một tài sản không được xác định cụ thể (có thể là khoản tiền được chi trả do sự kiện bảo hiểm xảy ra hoặc là khoản tiền được hoàn trả lại và kèm theo khoản lợi tức theo thỏa thuận khi tới ngày đáo hạn hợp đồng). Do đó, về bản chất có thể xem Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một loại tài sản hình thành trong tương lai.

Vì vậy, Việt Nam nên quy định Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tài sản hình thành trong tương lai nhằm đảm bảo bên mua bảo hiểm có thể khai thác được nhiều quyền lợi của mình từ Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như dùng Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để thực hiện các giao dịch dân sự như: chuyển nhượng, vay, cầm cố, thế chấp…

Hiện tại, nhiều giao dịch như chuyển nhượng, vay, cầm cố, thế chấp... hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã xảy ra trên thực tế, nhưng các nội dung này chủ yếu dựa trên thỏa thuận giữa các bên mà chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp sẽ gây lúng túng cho cơ quan xét xử bởi không xác định được quan hệ tranh chấp là gì.

Việc quy định Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tài sản hình thành trong tương lai sẽ giúp các giao dịch đối với Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phụ thuộc nhiều vào sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự. Qua đó, giúp bảo vệ các bên khi tham gia quan hệ giao dịch liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Do đó, cần điều chỉnh luật kinh doanh bảo hiểm theo hướng quy định cụ thể hơn về Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một loại tài sản hình thành trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu xét đây là một loại tài sản được hình thành trong tương lai thì cũng sẽ gặp một số điểm khó khăn.

Những khó khăn này là gì?

Các khó khăn có thể kể đến như xác định giá trị của Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như thế nào, bởi mỗi thời điểm chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ có giá trị khác nhau.

Giá trị Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tùy biến, không đảm bảo được việc doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả số tiền cụ thể là bao nhiêu (do còn phụ thuộc vào từng sự kiện bảo hiểm cụ thể), hoặc bên mua bảo hiểm cũng có thể chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ở bất cứ giai đoạn nào.

Do đó, để xác định Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một loại tài sản hình thành trong tương lai thì điều cần thiết phải có là quy chế quy định về phương thức định giá đối với Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Theo đó. Hợp đồng sẽ dễ dàng áp dụng trong các giao dịch phát sinh sau này, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Cũng có ý kiến cho rằng kể cả khi xác định Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một loại tài sản hình thành trong tương lai để vay, thế chấp… sẽ không mang lại quá nhiều sức hấp dẫn cho thị trường bảo hiểm như kỳ vọng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi lại không nghĩ vậy. Việc quy định cụ thể các nội dung nêu trên sẽ kích thích các giao dịch này diễn ra nhiều trên thực tế vì nếu có quy định điều chỉnh thì các bên tham gia sẽ an tâm hơn khi thực hiện giao dịch. Điều này sẽ giúp thị trường bảo hiểm trong nước sôi động và ngày càng phát triển hơn trong thời kỳ hội nhập.

Hơn nữa, như trên đã đề cập, khi phát sinh tranh chấp thì cơ quan xét xử sẽ có căn cứ để áp dụng và đưa ra phán quyết phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên mà không bị lúng túng khi áp dụng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có quá trình lâu dài và đổi mới dần dần, cũng như cần sự góp ý bằng văn bản cụ thể của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, hiệp hội bảo hiểm...

Một số hình thức giao dịch Hợp đồng bảo hiểm trên thế giới:

Hình thức chuyển nhượng, cầm cố Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã được thực hiện tại các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Luxembourg, Bỉ, Bồ Đào Nha, Monaco, Tây Ban Nha.

Trong đó, pháp luật Bỉ quy định việc chuyển nhượng quyền của hợp đồng bảo hiểm được điều chỉnh bởi Điều 183 và 184 của Luật bảo hiểm ngày 4/4/2014.

Theo Điều 183, người mua có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần các quyền của hợp đồng bảo hiểm. Việc chuyển nhượng này không thể được thực hiện bởi vợ chồng hoặc chủ nợ của người mua. Trong trường hợp lợi ích được thừa nhận, thì việc chuyển nhượng chỉ có thể được thực hiện nếu như người thụ hưởng đồng ý.

Còn theo Điều 184, toàn bộ hoặc một phần quyền của hợp đồng bảo hiểm chỉ có thể được chuyển nhượng khi có chứng thực của người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng và công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, người mua có thể quy định trong hợp đồng bảo hiểm rằng nếu người này chết, thì toàn bộ hoặc một phần quyền của người này sẽ được chuyển nhượng cho một người cụ thể nào đó.

Tin bài liên quan