Băn khoăn chuyện cho thế chấp, chuyển nhượng… hợp đồng bảo hiểm

Băn khoăn chuyện cho thế chấp, chuyển nhượng… hợp đồng bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi đăng tải bài Bảo hiểm đón “cú huých” chính sách, Báo Đầu tư Chứng khoán đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia về đề xuất “cần coi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như một loại tài sản trong tương lai”...

Các nước đã cho phép vay, chuyển nhượng…

Một số ý kiến không đồng tình, băn khoăn cho rằng, tại nhiều nước trên thế giới chỉ cho phép ghi nhận hợp đồng bảo hiểm như một loại tài sản. Theo đó, các tổ chức tài chính như ngân hàng có thể sử dụng hợp đồng đó để cho vay thế chấp, nhưng chưa thấy phổ biến việc chuyển nhượng, trao đổi… Và tại Việt Nam, nếu luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có thông qua, liệu có tăng tính hấp dẫn và có tác dụng đáng kể?

Trái lại, quan điểm đồng tình thì cho rằng, một số nước đã quy định rõ, còn Việt Nam thì chưa, vì vậy, cần sớm triển khai, bắt đầu từ khâu bổ sung quy định vào Luật kinh doanh bảo hiểm đang trong quá trình sửa đổi. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ dừng ở việc cho phép dùng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để đảm bảo cho các khoản vay của các ngân hàng.

Ông Từ Ngọc Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty TND Assuance, từng là lãnh đạo cấp cao của một số công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam cho biết, các nước đã cho phép các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một loại tài sản trong tương lai, do đó Việt Nam cũng nên sớm cho phép nhằm tiệm cận dần với các thông lệ quốc tế.

"Quyết định này sẽ giúp giải quyết đa dạng hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời, gia tăng tính hấp dẫn cho thị trường bảo hiểm", ông Dương nhấn mạnh.

Theo ông Dương: "Nếu pháp luật cho phép thì đó là cơ hội lớn phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý là bảo hiểm nhân thọ có nhiều loại hình sản phẩm khác nhau. Những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không có giá trị hoàn lại, chỉ khi tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn mới đền bù, hết hạn hợp đồng không nhận được khoản tiền nào thì không được coi là tài sản. Còn các sản phẩm bảo hiểm trọn đời và sản phẩm hình thành giá trị tài khoản có thể coi là tài sản, bởi khách hàng có thể vay hoặc rút tiền từ tài khoản hợp đồng bảo hiểm của mình".

Ông Dương lấy ví dụ, khách hàng mua bảo hiểm, mỗi năm đóng 1 triệu đồng tiền phí bảo hiểm, sản phẩm có giá trị hoàn lại (thường sau 2 năm nhưng giá trị hoàn lại rất ít), tuy nhiên sau nhiều năm, chẳng hạn như sau 10 năm (đáo hạn hợp đồng) mà không có rủi ro, sẽ được công ty bảo hiểm trả cho khách hàng số tiền bảo hiểm cộng với lãi tích luỹ, thì lúc này giá trị hoàn lại của hợp đồng mới lớn.

Đồng quan điểm, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ khác cũng cho rằng, bất kỳ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nào có giá trị hoàn lại thì đều được xem là 1 loại tài sản hình thành trong tương lai, nhỏ hay lớn phụ thuộc mức phí đóng, rủi ro… Khách hàng có thể rút giá trị hoàn lại theo từng đợt hoặc thế chấp để vay.

Luật sư Nguyễn Ngọc Phú, Luật sư điều hành Hãng Luật NPLaw cũng cho biết, hình thức chuyển nhượng, cầm cố hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã được thực hiện tại các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Luxembourg, Bỉ, Bồ Đào Nha, Monaco, Tây Ban Nha…

Một số chuyên gia cũng cho rằng, thị trường các nước đã coi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tài sản được hình thành trong tương lai, nhưng ở phạm vi nào, chỉ dừng ở thế chấp, cầm cố hay trao đổi, chuyển nhượng, cho tặng thì tùy từng quốc gia quy định...

Và thực tế ở Việt Nam đã cho thế chấp

Ông Dương cùng lãnh đạo một số công ty bảo hiểm cũng thừa nhận rằng, ở Mỹ và một số nước, khách hàng vay mua trả góp nhà, xe... nên việc ngân hàng đề nghị họ thế chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không còn xa lạ.

Trong khi đó, ông Phú cho biết, việc dùng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để vay, cầm cố, thế chấp... cũng đã phát sinh nhiều trên thực tế tại Việt Nam.

Ghi nhận từ một số nhân viên ngân hàng và nhân viên công ty tài chính thì có không ít công ty tài chính hình thành từ cả chục năm trước cho vay dựa trên hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Số tiền vay là tín chấp và căn cứ vào giá trị hoàn lại của Hợp đồng. Tuy nhiên, lãi suất vay này thường cao, và thủ tục thì công ty ty tài chính có ký hợp đồng liên kết với bên công ty bảo hiểm và tổ chức tài chính để trong trường hợp khách hàng không trả được nợ sẽ ghi nhận vào nợ xấu, lên hệ thống CIC, điều này sẽ quản lý được tỷ lệ nợ xấu.

Các khoản vay dạng này thường vay tối đa là 70% giá trị hoàn lại của hợp đồng và thường là vay ngắn hạn.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai - người có gần 20 năm làm việc trong ngành bảo hiểm nhân thọ, một chuyên gia thẩm định bảo hiểm nhân thọ từ năm 1998 đến nay, đã có trường hợp khách hàng của Prudential thế chấp hợp đồng mệnh giá 150 triệu đồng để được vay 50 triệu đồng của ngân hàng HSBC.

Một số tổ chức tài chính, ngân hàng khác cũng đăng thông tin cho vay thế chấp nếu có hợp đồng bảo hiểm như: SHB Finance cho vay không cần thế chấp tối đa 70 triệu đồng đối với khách hàng có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trên 6 tháng; Shinhan cho khách hàng vay nếu có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Thực tế tại Việt Nam đã phát sinh việc dùng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để vay, cầm cố, thế chấp… như trên nhưng theo ông Phú, hiện tại, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh các giao dịch này.

"Nhà nước cần ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh các vấn đề trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan đến hợp đồng", ông Phú nói.

Tin bài liên quan