Nhiều ý kiến cho rằng thuế và phí đang tạo gánh nặng đối với DNNVV

Nhiều ý kiến cho rằng thuế và phí đang tạo gánh nặng đối với DNNVV

Những ngả đường hướng đích 2 triệu doanh nghiệp Việt - kỳ cuối

(ĐTCK) Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia đều có riêng một hệ thống chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói riêng và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV - SMEs) nói chung. Tại sao Việt Nam lại không làm được?

Bài cuối: Thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, nhìn ra khu vực

Loay hoay chuyện con gà, quả trứng

Câu hỏi trên cũng chính là trăn trở mà Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã đặt ra. Đề cập đến quan ngại của Bộ Tài chính về việc hụt thu ngân sách nếu giảm thuế, phí và áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn với khu vực DNNVV, ông Đông nói: “Bộ Tài chính cần đánh giá tác động và cần tham gia vào việc hoạch định chính sách ngay từ đầu, vừa đảm bảo duy trì nguồn thu, không vi phạm các cam kết về hội nhập, vừa hỗ trợ DN hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nước khác, kể cả nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn thực hiện được các chính sách hỗ trợ cho DNNVV? Các nước chúng ta đã khảo sát như Nhật Bản có riêng ngân hàng dành cho SMEs, kể cả Thái Lan, Malaysia cũng có, tại sao Việt Nam không làm được?”

Quan điểm cho rằng các cơ quan tạo lập chính sách cần phối hợp chặt chẽ cùng nhau vì cộng đồng DNNVV, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa nước ngoài ồ ạt tràn vào thị trường nội địa, được ông Đông nhấn mạnh tại cuộc họp triển khai công tác xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV mới đây. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau nên đòi hỏi các nhà làm luật phải cầu thị, biết lắng nghe, phải lấy nhu cầu khách quan của DNNVV làm chuẩn, có tiêu chí minh bạch, có nguyên tắc… vì nguồn lực nhà nước rất hạn chế, còn nhu cầu của các DN lại rất đa dạng.

Trước những yêu cầu cấp thiết về hỗ trợ DNNVV, cũng như nhiều ý kiến cho rằng thuế và phí đang tạo gánh nặng cho khu vực DN này, đại diện Bộ Tài chính nhất trí quan điểm là cần giảm các loại thuế, phí, song yêu cầu khi miễn giảm cần phải có quy định rõ trong các bộ luật để Bộ Tài chính có căn cứ đánh giá bài toán ngân sách. Theo thống kê của Bộ Tài chính, căn cứ trên tổng tài sản, hiện tại Việt Nam có 82% là DN nhỏ, 12,9% là DN vừa và 4% là DN lớn. Theo vốn chủ sở hữu dựa trên báo cáo tài chính của DN, thì DN nhỏ chiếm 92%, DN vừa chiếm 5,7%, và 2,1% là DN lớn. 

Đại diện Hiệp hội DNNVV nêu quan điểm, nhìn vào các con số về vốn đầu tư, đóng góp vào GDP của khu vực DN này, có thể thấy đầu tư tiền vào đây đã giúp vốn tín dụng và GDP đều tăng trưởng. Bởi vậy, đây là khu vực đáng để đầu tư.

“Bộ Tài chính đưa ra lãi suất 8% không hiểu căn cứ vào điều gì. Theo quy định, DNNVV được vay bằng 90% lãi suất bình quân, trong khi mặt bằng lãi suất hiện nay chỉ là 7-8%/năm. Đưa ra mức lãi suất bất hợp lý là thiếu trách nhiệm với DN, cản trở DN tiếp cận với các cơ hội kinh doanh”,  vị đại diện này bình luận.

Trong khi đó, ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc phát triển kinh doanh Khối DN Ngân hàng VPBank cho biết, hiện nay, chỉ có 30% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn qua kênh ngân hàng. Điểm yếu của khối DN này vẫn tập trung ở việc không có đủ tài sản đảm bảo thích hợp; thiếu kinh nghiệm, kiến thức; các nguồn tài chính không đảm bảo; không kiểm soát tốt dòng tiền; báo cáo tài chính không minh bạch, đầy đủ;…

Để cấp vốn cho khu vực DN này, VPBank đã phải đổi mới và thiết kế lại nhiều sản phẩm cho phù hợp. Tuy nhiên, bản thân Ngân hàng cũng thực sự vất vả và thiếu nguồn lực để có thể vừa cho vay, vừa hỗ trợ DN trong hoạt động nhằm kiểm soát đồng vốn bỏ ra. 

Nhìn ra khu vực

Khối DNNVV là một trong những động lực phát triển quan trọng của mỗi nền kinh tế. Bởi vậy, các quốc gia trên thế giới nói chung và các quốc gia trong khu vực nói riêng đều có các chính sách hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực này. Trong số đó, câu chuyện của Hàn Quốc là kinh nghiệm đáng tham khảo.

Từ một nền kinh tế kém năng suất, lạc hậu, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế phát triển trên thế giới. Bên cạnh việc đầu tư cho các tập đoàn lớn, những “quả đấm thép” của quốc gia, năm 1997, Quốc hội Hàn Quốc đã ban hành “Luật Đặc biệt để thúc đẩy DN mạo hiểm”.

Luật này bao gồm 32 điều tập trung vào các vấn đề: định nghĩa về DN mạo hiểm; các đối tượng được đầu tư mạo hiểm; quyết định thành lập và điều lệ của Quỹ Fund of Funds; điều lệ hoạt động của các quỹ thành viên; các trường hợp đặc biệt (vốn nước ngoài, lĩnh vực đầu tư, thuế, các phương thức thoái vốn, DN chuyển đổi chủ sở hữu, các khu vực thúc đẩy đầu tư, hoạt động vườn ươm DN, hình phạt…).

Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn xây dựng nên bộ khung pháp lý rõ ràng, vững chắc, với hệ thống các luật cho đầu tư mạo hiểm như: Luật khung về DNNVV, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật khung về DNNVV,…

Sau sự ra đời của “Luật Đặc biệt để thúc đẩy doanh nghiệp mạo hiểm” năm 1997, Chính phủ Hàn Quốc đã thí điểm thành công 2 mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm. Khi đó, các quỹ đầu tư tư nhân đã thấy được tiềm năng của hoạt động này và nhanh chóng tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, việc có quá nhiều quỹ đầu tư tham gia đã dẫn đến giai đoạn khủng hoảng bong bóng đầu tư mạo hiểm (2002 - 2004) tại Hàn Quốc.

Nhằm thúc đẩy thị trường đầu tư mạo hiểm sau khủng hoảng, năm 2005, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Korea Fund of Funds (KFoF), với nguồn vốn do Chính phủ và một số bộ, cơ quan nhà nước đóng góp bao gồm SBC (Hiệp hội DNNVV), Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Phòng Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội Phim, Hội Thông tin, Bộ Lao động, Bộ Y tế và Phúc lợi, Quỹ Phát triển Thể thao...

Khi mới thành lập chỉ có Chính phủ và SBC góp vốn vào KFoF, sau một thời gian, các bộ, cơ quan khác mới tham gia. Hiện tại, vốn điều lệ của Quỹ là 1,5 nghìn tỷ won.

Công ty quản lý KFoF là Korean Venture Investment Corp (KVIC) (Công ty Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc). Ngoài quản lý Quỹ Đầu tư mạo hiểm KFoF, KVIC còn quản lý Quỹ Kiến tạo việc làm, Quỹ Đầu tư thiên thần, Quỹ Mua bán và sáp nhập SMEs).

Về các lĩnh vực đầu tư, các bộ, cơ quan đóng góp vào Quỹ sẽ có một tài khoản riêng và được dùng để đầu tư vào các lĩnh vực liên quan như: khởi nghiệp, công ty mạo hiểm, SMEs. Chẳng hạn, Tài khoản MCST chuyên đầu tư vào các dự án và DN trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, Tài khoản KIPO đầu tư vào DN áp dụng và thương mại hóa sở hữu trí tuệ, Tài khoản KOFIC đầu tư vào các phim Hàn Quốc…

Quỹ được vận hành dựa trên việc KVIC sẽ lựa chọn các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân để cùng góp vốn thành lập, đồng thời lựa chọn hội đồng quản lý để bàn bạc và đưa ra quyết định về các lĩnh vực tập trung đầu tư, mục tiêu, các tiêu chí lựa chọn DN và lịch trình cho từng quỹ. Thành viên của Hội đồng quản lý của các quỹ đầu tư mạo hiểm này bao gồm thành viên từ KVIC và thành viên từ các quỹ tư nhân cùng tham gia đầu tư. Số lượng thành viên đại diện các bên tùy theo mức vốn góp.

KVIC quản trị rủi ro tại các quỹ đầu tư thành viên bằng cách tham gia hội đồng đầu tư, các cuộc họp thành viên, thực hiện kiểm tra (due diligence) các khoản đầu tư, thăm công ty trong danh mục đầu tư, kiểm tra định kỳ, phân tích dữ liệu: kiểm tra dòng tiền, hệ thống báo động sớm,…

Ngoài ra, KVIC còn kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân cùng tham gia các hoạt động với điều kiện, các quỹ này có vốn trên 10 tỷ won; nhân sự ít nhất 3 người, bao gồm kế toán và luật sư; cam kết không đầu tư vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, bảo hiểm, cờ bạc,… Khi đó, các quỹ đầu tư tư nhân này sẽ nhận về các quyền lợi như miễn 30% thuế của các khoản thu nhập; 50% của các khoản lợi nhuận thu được sẽ được ưu tiên chia cho các quỹ tư nhân; KVIC sẽ chịu một số rủi ro ban đầu nếu có…

Với những chính sách đồng bộ trên của Chính phủ Hàn Quốc, kết quả là số lượng các quỹ tư nhân tham gia đầu tư mạo hiểm và số lượng DN nhận được đầu tư liên tục tăng từ năm 2005 đến năm 2014. Nhiều DN đã thành công và đem lại lợi nhuận lớn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như đóng góp lớn cho nền kinh tế xứ sở kim chi.           

Tin bài liên quan