Nợ xấu khó bán, tài sản thế chấp có nguy cơ “bốc hơi”

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, một số ngân hàng đang đứng trước nguy cơ tài sản thế chấp bỗng dưng bốc hơi do khách hàng kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu.
Nợ xấu khó bán, tài sản thế chấp có nguy cơ “bốc hơi”

Nợ xấu hạ giá nhiều lần vẫn khó bán

Ngày 28/6, Ngân hàng VietinBank thông báo bán 556 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ với tổng giá trị gần 12 tỷ đồng - đây đều là các khoản vay không tài sản thế chấp. Cùng ngày, Ngân hàng cũng phát thông báo đấu giá lần thứ 4 khoản nợ của Công ty cổ phần Nosco Shipyard với giá khởi điểm hơn 2.302 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với lần rao bán trước.

Trước đó, VietinBank thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Kinh doanh thương mại tổng hợp Phương Linh với giá khởi điểm hơn 14 tỷ đồng, giảm mạnh so với những lần rao bán trước.

Thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc trên trang web của mỗi ngân hàng. BIDV cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Nhà máy Xi măng lò quay Áng Sơn ( xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) với giá 191 tỷ đồng, nợ của Công ty cổ phần Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên với giá 111 tỷ đồng.

Trước đó, BIDV đã hạ giá một loạt khoản nợ sau nhiều lần bán đấu giá không có người mua. Cụ thể, Ngân hàng rao bán đấu giá khoản nợ Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty cổ phần Thanh Tâm với giá khởi điểm hơn 346 tỷ đồng (nợ gốc và lãi gần 600 tỷ đồng), rao bán nợ của Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng (tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 5/2023 là 1.016 tỷ đồng)…

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng rất đáng lo ngại. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo rất gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ.

Nhiều ngân hàng TMCP cho hay, thị trường bất động sản đóng băng đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác xử lý nợ của ngân hàng, trong khi nợ xấu tăng lên rất nhanh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng.

Bàng hoàng vì tài sản thế chấp có nguy cơ tuột khỏi tay

Theo phản ánh của nhiều ngân hàng, gần đây, việc khách hàng vay vốn đã thế chấp tài sản đảm bảo, song sau đó tranh chấp với chủ sở hữu cũ tăng lên chóng mặt, khiến ngân hàng không thể thu hồi nợ. Các ngân hàng nghi ngờ, tình trạng này xảy ra do khách hàng sử dụng “chiêu trò” để ngân hàng không thể thu giữ tài sản đảm bảo, trốn tránh trả nợ ngân hàng.

Nhiều trường hợp khi vay vốn ngân hàng, bố mẹ ký vào hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo, nhưng con cái không ký. Đến khi quá hạn trả nợ, ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, thì người trong gia đình lại tranh chấp, kiện tụng, các con đòi chia tài sản… Hoặc có trường hợp con bịa chữ ký của mẹ để vay vốn, khi ngân hàng thu hồi nợ mới phát hiện ra, khi đó hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu, ngân hàng mất trắng tài sản thế chấp, có nguy cơ không đòi được nợ.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch, thì giao dịch đó không bị vô hiệu” (Điều 133).

Tuy nhiên, Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 2/8/2021 của Tòa án Nhân dân tối cao về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật khi giải quyết các vụ án hình sự, dân sự lại không xác định ngân hàng là người thứ ba ngay tình trong trường hợp người vay sử dụng tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng nhưng có tranh chấp với chủ cũ. Trong trường hợp có người khai bất lợi cho các tổ chức tín dụng và có đơn yêu cầu, thì khả năng cao tòa tuyên vô hiệu.

Theo các ngân hàng, Công văn số 02/TANDTC-PC là nguyên nhân khiến ngân hàng rất khó thu hồi tài sản đảm bảo, xử lý nợ. Riêng tại Ngân hàng ACB, thời gian qua đã phát sinh hơn 100 vụ án có liên quan đến tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới, các bên tặng cho, tài sản thế chấp bán vi bằng cho người khác, tranh chấp hủy hợp đồng chuyển nhượng do chủ cũ vay tiền của chủ sở hữu mới…

Ông Hồ Tấn Tài, Phó tổng giám đốc ACB cho rằng, nhiều đối tượng đang lợi dụng quy định về tranh chấp để trì hoãn việc xử lý nợ xấu của ngân hàng, khiến các ngân hàng đứng trước rủi ro lớn vì hàng loạt hợp đồng thế chấp có nguy cơ bị tuyên vô hiệu.

Trong các trường hợp có tranh chấp như trên, Tòa án yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp hồ sơ thẩm định tài sản để chứng minh việc chủ sở hữu cũ biết việc thế chấp tài sản. Tuy vậy, theo ACB, yêu cầu này là vô lý, vì pháp luật cho phép tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay, tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, không bắt buộc tổ chức tín dụng phải thẩm định tài sản.

Hơn nữa, pháp luật cũng không quy định bắt buộc tổ chức tín dụng khi thẩm định tài sản phải xác định mối quan hệ giữa người đang thực tế quản lý, sử dụng tài sản với chủ sở hữu tài sản có tên trên giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu.

Thời gian qua, VNBA đã nhận được phản ánh của rất nhiều hội viên về vấn đề này. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội, Công văn số 02/TANDTC-PC đã tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. Vì vậy, Tòa án Nhân dân tối cao cần sớm có giải pháp tháo gỡ để bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng.

Tin bài liên quan