Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Ngành công nghiệp văn hóa được xem là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội

Còn nhiều dư địa

Việt Nam có khá nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Những vùng đất di sản, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, Cúc Phương, Phong Nha - Kẻ Bàng, Côn Đảo, Phú Quốc… là nguồn lực để phát triển du lịch - một trong những ngành công nghiệp văn hóa tiềm năng, mũi nhọn.

Các ngành công nghiệp văn hóa có thể phát triển nhanh hơn công nghiệp chế tạo vì mức đầu tư không quá lớn, chủ yếu là đầu tư chất xám và quảng bá sản phẩm, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài và bền vững.

Nhắc tới công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.

Điển hình, 3 thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Đà Lạt và Hội An đã chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm ngoái. Đây có thể coi là một dấu ấn trong Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Choi Seung Jin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã nhận thức đầy đủ về tiềm năng của ngành công nghiệp văn hóa và đang triển khai các chính sách đa dạng để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong GDP đạt mức 7%.

Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, vẫn phải đối mặt với những hạn chế, thách thức, như chưa quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn trong một số lĩnh vực, cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ; nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực…

Phải thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả đạt được của ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và cần những “cú hích” mạnh mẽ, mang tính tổng thể.

Khơi thông nguồn lực

Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, các chính sách ưu đãi, khuyến khích sáng tạo để từng bước khơi thông nguồn lực, thì việc phát triển công nghiệp văn hóa phải dựa trên quan điểm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, ngành công nghiệp văn hoá cần phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, bản sắc, thống nhất trong đa dạng và dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, xu thế của thời đại.

Đồng thời, gắn liền với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước tạo dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Trong giai đoạn tới, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách có tính chất đột phá nhằm chuyển hóa tài nguyên văn hóa tiềm năng thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh cao.

Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; chủ động, tập trung, phối hợp chặt chẽ, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo.

Để phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững, Chính phủ cần định hướng và thúc đẩy chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp văn hóa.

Tin bài liên quan