Phụ trợ bảo hiểm, sự bổ sung hoàn hảo

Phụ trợ bảo hiểm, sự bổ sung hoàn hảo

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đã được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đây được coi là miếng ghép hoàn hảo để tạo ra cơ hội phát triển lớn mạnh hơn cho ngành bảo hiểm, nhưng hiện vẫn đang thiếu nhiều quy định pháp lý.

Vai trò của phụ trợ bảo hiểm ngày càng quan trọng

Hoạt động phụ trợ bảo hiểm trên thế giới cũng như ở Việt Nam được nhìn nhận là góp phần hỗ trợ sự phát triển của không ít ngành trong nền kinh tế; giúp gia tăng năng lực cạnh tranh, tạo thêm cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp; tăng cường áp dụng công nghệ trong hoạt động kết nối nội ngành và liên ngành; bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng…

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm có vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, các bên tham gia giảm thiểu rủi ro, đề phòng hạn chế tổn thất, hạn chế gian lận bảo hiểm, tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường, tối ưu hóa chi phí nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi trả bảo hiểm bồi thường nhanh chóng cũng như bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay đang sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho hoạt động tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm…

Trong đó, với hoạt động hỗ trợ giải quyết bồi thường (TPA), doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng cùng thông qua một đơn vị thứ ba hỗ trợ thu thập hồ sơ, xác minh nguyên nhân và thực hiện giải quyết quyền lợi bảo hiểm - có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bảo hiểm.

Mô hình dịch vụ này rất phát triển ở các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, đặc biệt là ở Ấn Độ.

Việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm thông qua TPA nhận được sự quan tâm của các công ty môi giới bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đối với các dịch vụ liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ y tế và đang được mở rộng áp dụng cho các nghiệp vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hoá...

Tuy nhiên, số lượng công ty cung cấp dịch vụ TPA trên thị trường bảo hiểm Việt Nam mới chỉ có 5 công ty, ít hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý

Để đẩy mạnh hoạt động TPA tại Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ hơn, các chuyên gia trong ngành cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, việc hoàn thiện các quy định pháp lý như ban hành quy định ràng buộc về hành vi ứng xử trong quá trình đấu thầu dịch vụ, quy định về phạm vi hoạt động, nghĩa vụ và quyền lợi của các công ty TPA…

Thực tế, việc ghi nhận dịch vụ tư vấn bảo hiểm trong các dịch vụ phụ trợ là một bước tiến lớn của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Có thể đây là một bước quá độ để ghi nhận kênh phân phối đại lý cá nhân độc lập và môi giới cá nhân trong thời gian tới.

TS. Võ Đình Trí, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM kỳ vọng, quy định mới về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trong đó có tư vấn bảo hiểm độc lập, sẽ trở thành cú huých giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam chuyển mình.

Khách hàng sẽ có thêm nhiều sự so sánh để lựa chọn hơn, nhất là khi trung gian là người đại diện cho quyền lợi của mình. Tuy nhiên, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cần quy định cụ thể hình thức đại lý cá nhân độc lập và môi giới cá nhân.

Trong khi đó, theo TS. Phan Phương Nam, Trường đại học Luật TP.HCM, một trong các nguyên tắc hoạt động của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm, nhưng tiêu chuẩn hiện nay lại do tổ chức cung cấp dịch vụ tự quy định nên tiềm ẩn rủi ro kém minh bạch.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, còn đối với cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thì không xác định trách nhiệm, như vậy thiếu cơ sở để giám sát việc chấp hành hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ của đối tượng này.

Ông Nam cho rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đồng thời bổ sung vào Khoản 2, Điều 8, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc của chủ thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm.

Pháp luật cũng cần quy định cụ thể nội dung của hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm phạm vi cung cấp dịch vụ, quyền và nghĩa vụ các bên, giá dịch vụ... Ngoài ra, bổ sung quy định xử phạt đối với các chủ thể không thực hiện nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ phụ trợ.

Tin bài liên quan