Rating bảo hiểm: “quan trọng” cũng phải từ từ

Rating bảo hiểm: “quan trọng” cũng phải từ từ

(ĐTCK) Nhiều DN bảo hiểm chia sẻ, xếp hạng tín nhiệm quốc tế sẽ có cơ hội giành được các hợp đồng lớn. Nhưng từ “muốn” tới thực tế lại là một chặng đường dài.

Rating bảo hiểm: “quan trọng” cũng phải từ từ ảnh 1

Tổng công ty Tái bảo hiểm bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) vừa được xếp hạng tín nhiệm quốc tế (rating) bởi Tổ chức A.M.Best, đưa số DN bảo hiểm đang hoạt động ở Việt Nam được rating lên con số 4. Trước đó, 3 DN được A.M.Best xếp hạng là Bảo hiểm PVI, PVI Re và Samsung Vina.

Cả 2 DN tái bảo hiểm đã được xếp hạng

Với kết quả xếp hạng năng lực tài chính mức B++ (Tốt) và năng lực tín dụng của tổ chức phát hành mức “bbb” (Triển vọng ổn định) được A.M.Best châu Á -  Thái Bình Dương công bố hôm 1/11, Vinare đã vượt qua đối thủ tái bảo hiểm duy nhất trên thị trường là PVI Re về mức rating. (Trên thị trường Việt Nam hiện chỉ có Vinare và PVI Re là DN tái bảo hiểm).

Kết quả xếp hạng của PVI Re được công bố hồi tháng 4/2013 là tái xếp hạng năng lực tài chính B+ (Tốt) và độ tín nhiệm của tổ chức phát hành (ICR) loại bbb- (Đủ năng lực).

Như vậy, năng lực tài chính và độ tín nhiệm của PVI Re được duy trì từ tháng 3/2012. Mặc dù vậy, việc PVI Re có được kết quả xếp hạng tín nhiệm của một tổ chức đánh giá có uy tín chỉ sau 8 tháng đi vào hoạt động đã cho thấy nỗ lực của công ty này.

Về triển vọng xếp hạng tín nhiệm, A.M.Best đã nâng từ mức “Ổn định” lên mức “Tích cực” đối với PVI Re.

 

Thời gian chuẩn bị tính bằng năm

Với DN bảo hiểm, ý nghĩa của việc được xếp hạng tín nhiệm quốc tế là rất lớn. Để giành được các hợp đồng lớn, các DN bảo hiểm phi nhân thọ/tái bảo hiểm không thế thiếu rating.

Thực tế cho thấy, có những khách hàng từ chối ký hợp đồng bảo hiểm chỉ vì DN bảo hiểm chưa được rating hoặc rating không đạt yêu cầu của họ (khách hàng yêu cầu rating A, trong khi DN đạt B+). Do đó, ngày càng nhiều DN bảo hiểm quyết tâm thực hiện xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Rating các DN bảo hiểm từng được lãnh đạo Bộ Tài chính nhắc đến nhiều trong năm qua tại các hội nghị chuyên ngành bảo hiểm, cũng như cuộc họp nội bộ.

Ban quản trị của nhiều DN bảo hiểm cũng đã đặt ra vấn đề phải rating cho Ban điều hành như một nhu cầu không thể thiếu.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện Vinare cho biết, với việc được A.M.Best xếp hạng năng lực tài chính B++, Công ty đáp ứng được yêu cầu về độ an toàn tài chính của các khách hàng trong nước và quốc tế. Việc này sẽ tạo điều kiện để Công ty mở rộng hoạt động trên thị trường khu vực và quốc tế. Đại diện PVI Re cũng có những chia sẻ tương tự.

Ngoài ra, để có được kết quả rating là cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài.

Một DN bảo hiểm từng công bố sẽ triển khai rating cho biết, việc này cần nhiều thời gian để DN làm tốt công tác đánh giá nội bộ, không thể nóng vội.

Trên thực tế, PVI đã ký hợp đồng rating với A.M.Best từ năm 2007, nhưng đến năm 2010 mới chính thức có kết quả. Hay với Vinare, phải mất hơn 1 năm từ khi ra chủ trương đến khi chính thức bắt tay vào rating.

Theo ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT Vinare, đó là do vướng mắc ở công nghệ và để đạt được chuẩn mực về công nghệ thông tin cũng như trong các nghiệp vụ khác theo tiêu chuẩn quốc tế, Vinare đã cử đại diện Swiss Re chuyên trách rating tại Vinare.

 Xét một cách thực chất, việc triển khai rating tại Vinare chính thức bắt đầu từ giữa tháng 6 và hoàn thành theo đúng yêu cầu, tiến độ đã thống nhất với A.M.Best.

Đại diện MIC cho hay, từ giữa năm 2012, một bộ phân chuyên về rating đã được Công ty lập ra và từ đó đến nay vẫn đang trong quá trình đánh giá nội bộ, sau đó mới mời tổ chức xếp hạng quốc tế vào. Tổ chức quốc tế mà MIC hướng đến cũng là A.M.Best.

Tại BIC, thông tin mới nhất cho thấy, DN này đang cố gắng hoàn tất việc có được rating trước Quý II/2014. Tập đoàn Bảo Việt cũng đang trong quá trình nghiên cứu triển khai rating.

“Không chỉ A.M.Best, mà Bảo Việt từng làm việc với 2 tổ chức uy tín khác là Standard & Poor’s và Moody’s để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về rating.

Đến nay, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu triển khai, cùng với đó là củng cố các họat động nội bộ. Rating đòi hỏi các quy chuẩn về vốn, quản trị, quản lý rủi ro nên cần nhiều thời gian, không thể vội được”, đại diện Bảo Việt nói và cho rằng, rating là kết quả đánh giá từ bên ngoài, song song với rating, công tác đánh giá nội bộ, nâng cao quản trị DN cũng cần tập trung triển khai.

>> BIC thay thế 3 thành viên Hội đồng quản trị