Sàn giao dịch nợ VAMC chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/10/2021

Sàn giao dịch nợ VAMC chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/10/2021

Sàn giao dịch nợ VAMC: Khởi đầu mới, tập trung mới, kết quả mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, Sàn giao dịch nợ VAMC sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động đã ký hợp đồng nguyên tắc đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm với 2 TCTD đầu tiên với dư nợ gốc hơn 4.000 tỷ đồng - một tín hiệu tích cực để giải quyết những vấn đề tiếp theo.

Sau thời gian dài chờ đợi, Sàn giao dịch nợ VAMC đã chính thức đi vào hoạt động, ông có thể chia sẻ cụ thể về sàn này?

Căn cứ đề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020 và hướng tới năm 2022 kèm theo Quyết định 28/QĐ-NHNN ngày 5/1/2018 của Ngân hàng Nhà nước và Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 2024/QĐ-NHNN ngày 27/11/2020 được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, VAMC đã xây dựng đề án thành lập sàn giao dịch nợ.

Ngày 28/4/2021, Ngân hàng Nhà nước có công văn số 2973/NHNN-TTGSNH chấp thuận việc thành lập sàn giao dịch nợ. Ngày 13/5/2021, VAMC đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-HĐTV thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - Chi nhánh Sàn giao dịch nợ (Sàn giao dịch nợ VAMC), là đơn vị phụ thuộc của VAMC, hoạt động theo quy định của pháp luật, theo Điều lệ tổ chức và hoạt động, quy định nội bộ của VAMC. Tới ngày 15/10/2021, sàn giao dịch nợ chính thức đi vào hoạt động với cơ cấu tổ chức gồm Ban Giám đốc và các phòng nghiệp vụ.

Đối với các hoạt động chính của sàn giao dịch nợ hiện nay, đó là tạo lập kênh thông tin chính thức, minh bạch, khách quan về nợ xấu; giới thiệu, cung cấp thông tin về khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do khách hàng cung cấp.

Thực hiện dịch vụ tư vấn đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu về hồ sơ pháp lý; điều kiện, phương thức mua bán, xử lý; phân tích, đánh giá, tư vấn về pháp lý, rủi ro của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; hoàn thiện hợp đồng mua, bán và hồ sơ tài liệu liên quan...

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Thực hiện dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng cho hoạt động môi giới, tư vấn mua, bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu: Đàm phán để các bên thống nhất việc mua, bán; thu xếp và tổ chức cho các bên ký hợp đồng và hỗ trợ các bên hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật; phát triển kho dữ liệu về nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu...

Với đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn xử lý nợ, chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan, với uy tín và năng lực của mình, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức tín dụng, các tổ chức mua bán nợ, các công ty quản lý tài sản, sự tín nhiệm của các nhà đầu tư, Sàn giao dịch nợ VAMC phấn đấu trở thành đơn vị tư vấn, môi giới chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam về xử lý nợ xấu.

Về cơ chế vận hành, chủ thể tham gia giao dịch trên Sàn giao dịch nợ VAMC gồm: VAMC là đơn vị tổ chức, quản lý hoạt động; các tổ chức tín dụng, các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc các ngân hàng thương mại, các tổ chức, cá nhân được thực hiện hoạt động kinh doanh mua bán nợ và đương nhiên, hàng hóa giao dịch trên sàn giao dịch nợ chủ yếu là các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, chắc hẳn sàn giao dịch nợ đã có những kết quả ban đầu?

Hiện nay, Sàn giao dịch nợ VAMC về cơ bản đã đảm bảo các điều kiện để hoạt động theo quy định. Trên cơ sở Văn bản số 506/VAMC-SGDN gửi các tổ chức tín dụng, AMC, các tổ chức, cá nhân và kết quả làm việc trực tiếp về việc mời tham gia đăng ký là thành viên của sàn giao dịch nợ, tính đến ngày 15/11/2021, đã có 33 đơn vị được phê duyệt là thành viên, bao gồm các tổ chức tín dụng, AMC và các tổ chức, cá nhân khác.

Sàn giao dịch nợ đã thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm với 2 tổ chức tín dụng đầu tiên với dư nợ gốc hơn 4.000 tỷ đồng.

Mặc dù sàn giao dịch nợ đã đi vào hoạt động, nhưng có lẽ vẫn cần thêm giải pháp để phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, hiệu quả hơn?

Thực tế, thị trường mua bán nợ Việt Nam hiện còn sơ khai, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia do còn thiếu môi trường để phục hồi doanh nghiệp, đầu tư sinh lời cũng như tạo ra và đẩy mạnh tính thanh khoản của các khoản nợ. Việc tạo lập một thị trường mua bán nợ với mục tiêu tạo ra tính thương mại và khả năng sinh lợi cho bên mua nợ từ các khoản nợ được mua là cần thiết, góp phần thúc đẩy hiệu quả của việc xử lý nợ xấu cho hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, VAMC kiến nghị một số giải pháp để phát triển thị trường mua bán nợ trong thời gian tới. Chẳng hạn, về khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách quy định điều chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ hiện chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, mà nằm rải rác tại các văn bản, bao gồm các nghị định, quyết định của Thủ tướng, thông tư của các bộ, ngành. Mỗi một nhóm đối tượng có văn bản quy phạm pháp luật riêng điều chỉnh hoạt động mua bán nợ của nhóm đối tượng đó, nên các quyền và nghĩa vụ của các nhóm đối tượng cũng có quy định khác nhau. Do đó, thời gian tới, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý một cách đồng bộ, thống nhất để thúc đẩy hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ.

Thêm vào đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng với nhiều giải pháp mang tính đột phá, giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và VAMC, song chỉ mang tính thí điểm, nên cần được bổ sung, hoàn thiện và nâng cấp thành Luật Xử lý nợ xấu ngay sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực nhằm tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ của các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến việc đa dạng công cụ thị trường mua bán nợ, cần mở rộng chủ thể tham gia thị trường mua bán, xử lý nợ xấu. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc mua bán nợ xấu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, trong thời gian tới, việc xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhằm mở rộng chủ thể tham gia thị trường mua bán, xử lý nợ xấu ở Việt Nam là rất cần thiết.

Đồng thời, cần nhanh chóng mở rộng phương thức mua, bán nợ xấu. Hiện tại, việc mua bán nợ được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức hợp đồng, nghĩa là bên mua nợ và bên bán nợ ký kết hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ đối với một hoặc một số khoản nợ cụ thể. Ngoài phương thức này, hiện chưa có cơ chế chuyển các khoản nợ thành một loại hàng hoá có thể chuyển nhượng/giao dịch dễ dàng.

Thực tế, tại những thị trường mua bán nợ phát triển, “chứng khoán hóa” được sử dụng để biến các khoản nợ, đặc biệt là nợ xấu, thành chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư, qua đó giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả và tạo điều kiện phát triển cho thị trường mua bán nợ. Việt Nam hiện chưa có quy định về “chứng khoán hóa” khoản nợ, nên để thúc đẩy mua bán khoản nợ và phát triển thị trường mua bán nợ trong thời gian tới, việc nghiên cứu cơ chế chứng khoán hóa các khoản nợ là rất cần thiết và các vấn đề cần tập trung xem xét bao gồm các tổ chức tham gia, trách nhiệm và quyền hạn; việc phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc xử lý tài sản bảo đảm nợ vay; việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài...

Tin bài liên quan