Tổng doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng trưởng, nhưng mảng cốt lõi của Thế giới di động tăng trưởng doanh thu âm trong 9 tháng.

Tổng doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng trưởng, nhưng mảng cốt lõi của Thế giới di động tăng trưởng doanh thu âm trong 9 tháng.

Sáng, tối bức tranh doanh nghiệp bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Dù nỗ lực vượt cú sốc dịch Covid-19, nhưng triển vọng kinh doanh cả năm vẫn khó sáng sủa với nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ.

Nhiều doanh nghiệp suy giảm mạnh trong 9 tháng

Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu đạt 3.459 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Quý này, Công ty lỗ trước thuế 8,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 91 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, FPT Retail đạt doanh thu 10.847 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 17,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 94% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với kế hoạch kinh doanh cả năm 15.320 tỷ đồng doanh thu và 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Công ty mới thực hiện được 71% chỉ tiêu doanh thu và 8% chỉ tiêu lợi nhuận sau 3/4 chặng đường.

Theo giải trình của FPT Retail, dịch Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Công ty, đồng thời sức mua thị trường giảm đáng kể đối với các mặt hàng thiết bị điện tử và mặt hàng giá trị cao, dẫn đến doanh thu giảm mạnh.

Hệ thống nhà thuốc Long Châu đang trong giai đoạn mở rộng (9 tháng đầu năm mở thêm 106 cửa hàng) làm tăng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Cuối tháng 9, tiền và các khoản tương đương tiền của FPT Retail tại thời điểm cuối giảm từ 852 tỷ đồng hồi đầu năm về 498 tỷ đồng, tương đương mức giảm 41,5% so với hồi đầu năm.

Để đối phó với khó khăn từ dịch bệnh, Công ty đã tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho, tập trung giải phóng hàng tồn chậm luân chuyển.

Nhờ đó, giá trị hàng tồn kho cuối quý III giảm hơn 40% so với đầu năm, về còn 2.034 tỷ đồng. Công ty cũng tăng cường quản lý dòng tiền, việc giảm hơn 1.300 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn so với thời điểm đầu năm, qua đó, giảm mạnh chi phí tài chính.

Công ty đang kỳ vọng tạo sức bật trong quý IV vì đây là thời điểm iPhone 12 ra mắt thị trường, mà FRT Retail có lợi thế riêng về phân phối sản phẩm của Apple. Đây cũng là mùa cao điểm của hoạt động mua sắm trong năm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua trên thị trường với các sản phẩm tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, đồng thời trong tháng 10, mưa lũ diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh miền Trung, FRT Retail sẽ khó có thể về đích chỉ tiêu kinh doanh.

Trong bối cảnh sức mua vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, đồng thời mưa lũ diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh miền Trung, FRT Retail khó có thể về đích chỉ tiêu kinh doanh năm

Chuỗi cửa hàng bán nệm lớn nhất cả nước là Vua Nệm cũng chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Phân khúc khách hàng khách sạn, nhà nghỉ, vốn đóng góp khoảng 20% doanh thu cho chuỗi này hầu như bị đóng băng hoạt động từ đầu năm đến nay khiến doanh thu của Công ty bị suy giảm.

Trong khi đó, chi phí để trang trải các điểm bán hàng không giảm. Doanh nghiệp đang phải xin giảm giá tiền thuê nhà, xin vay gói ưu đãi để cầm cự trong giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ), lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 11.668 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 810 tỷ đồng, giảm 20,6% so với cùng kỳ.

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của PNJ là doanh thu kênh bán lẻ trong quý III tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù PNJ phải tạm dừng hoạt động kinh doanh tất cả các cửa hàng ở Đà Nẵng trong tháng 8 nhưng ngay sau khi dịch được kiểm soát, PNJ đã tăng tốc mạnh mẽ trong tháng 9, kênh bán lẻ tăng trưởng 18,2%. Lũy kế 9 tháng, kênh bán lẻ tăng trưởng 4,2%.

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ, Covid-19 đã khiến doanh nghiệp phải nhìn lại, quản trị tốt hơn.

Bản thân PNJ đã nhanh chóng có kế hoạch xử lý những mặt hàng chưa hiệu quả để tái cấu trúc nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. PNJ đã tận dụng cơ hội mặt bằng ở những vị trí đắc địa, đẩy mạnh hàng tồn kho, tiết giảm chi phí sản xuất, quản lý để gia tăng biên lợi nhuận và duy trì sự tăng trưởng.

MWG, DWG tăng trưởng dương

Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp ngành bán lẻ là Công ty cổ phần Thế giới di động (mã MWG).

9 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu 81.352 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.978 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 0,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, MWG đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 86% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2020.

Trước đó, quý II, Công ty báo lãi sau thuế hợp nhất 894 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 là 2.027 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo MWG cho biết, kể từ quý II, Công ty chịu ảnh hưởng rõ rệt của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là khi phải đóng hàng trăm cửa hàng Thế giới di động và Điện Máy Xanh vào tháng 4 theo lệnh giãn cách xã hội.

Trong khi đó, các chi phí hoạt động trọng yếu mặc dù đã được tích cực điều chỉnh nhưng không thể cắt giảm hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội dẫn đến tác động đáng kể lên lợi nhuận ròng của Công ty.

Bước sang quý III, hoạt động kinh doanh của mảng điện thoại, linh kiện, phụ kiện điện thoại trong chuỗi Thế giới di động vẫn chưa có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, lợi nhuận của MWG tăng trưởng dương nhờ bán rau, thực phẩm trong chuỗi Bách Hóa Xanh.

Biên lợi nhuận gộp luỹ kế 9 tháng được cải thiện đáng kể lên 21,7% (tăng 3,3% so với mức 18,4% cùng kỳ năm trước) nhờ sự đóng góp tích cực của hầu hết các ngành hàng, đặc biệt là thực phẩm và đồ ăn nhanh.

Ngoài ra, nỗ lực tăng hiệu quả vận hành ở tất cả các chuỗi đã giúp MWG bảo vệ được biên lợi nhuận ròng lũy kế 9 tháng 2020 ở mức 3,7%.

Nhìn vào mảng cốt lõi có thể thấy Thế giới di động tăng trưởng doanh thu âm. Cụ thể, chuỗi cửa hàng Thế giới di động có 962 cửa hàng, doanh thu tăng trưởng âm 14%. Đóng góp vào tăng trưởng chủ yếu cho MWG chủ yếu đến từ chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng, đóng góp 19% tổng doanh số của MWG và tăng trưởng 112% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/9/2020, Bách Hóa Xanh có tổng cộng 1.623 điểm bán (tăng thêm 28 cửa hàng chỉ riêng trong tháng 9 và 137 cửa hàng trong quý III/2020).

Trong khi đó hệ thống Điện Máy Xanh tăng trưởng doanh thu 1%. Máy tính xách tay mang về hơn 2.500 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với 9 tháng 2019. Đồng hồ các loại ghi nhận tổng doanh số hơn 1.050 tỷ đồng (gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước), từ hơn 750.000 sản phẩm bán ra.

Để cải thiện tăng trưởng cho nhóm ngành điện thoại, MWG tiếp tục mở mới các cửa hàng Điện Máy Xanh nhỏ, siêu nhỏ và triển khai bán hàng thành công cho các sản phẩm mới ra mắt.

Sáng tạo hơn, MWG cũng mở các cửa hàng “5 tỷ” tại chuỗi Bách Hóa Xanh. Được biết, tính đến cuối tháng 9, Bách hóa xanh có 35 cửa hàng “5 tỷ” tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre và hướng đến mục tiêu có 100 cửa hàng “5 tỷ” vào cuối năm 2020.

Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) cũng vừa báo cáo kết quả 9 tháng khá tích cực. Theo đó, Công ty đạt doanh thu thuần 8.518 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 50% so cùng kỳ. Với kết quả này, DGW đã hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu và 83% kế hoạch lợi nhuận được cổ đông giao phó.

Đóng góp vào tăng trưởng mạnh mẽ của DGW chủ yếu từ mảng kinh doanh máy tính xách tay, máy tính bảng và mảng điện thoại di động.

Trong quý III, mảng máy tính đạt 1.280 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% so cùng kỳ; trong khi mảng điện thoại di động đạt gần 1.870 tỷ đồng doanh thu, tăng 84%, nhờ sức tăng trưởng tích cực của Xiaomi và đóng góp của các sản phẩm Apple.

Lũy kế 9 tháng mảng này đem về 3.151 tỷ đồng, tăng 40% và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra dù còn 3 tháng nữa mới kết thúc năm.

Mảng thiết bị văn phòng đạt 414 tỷ đồng doanh thu trong quý III, tăng 2%, và mảng hàng tiêu dùng đạt 62 tỷ đồng doanh thu, giảm 6%.

Quý IV được cho là quý tiêu dùng sôi động, các doanh nghiệp bán lẻ đang kỳ vọng sẽ có những kết quả khả quan hơn, tiến tới vượt kế hoạch năm nhờ những triển vọng tích cực của nền kinh tế và nhu cầu mua sắm được cải thiện.

Tin bài liên quan