Sửa đổi Thông tư 39: "Mở đường" nhưng cần hành lang pháp lý đồng hành

Sửa đổi Thông tư 39: "Mở đường" nhưng cần hành lang pháp lý đồng hành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) là một văn bản xương sống cho hoạt động cho vay khách hàng của các tổ chức tín dụng.

Tại cuộc họp góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức, ông Nguyễn Văn Phương, Thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho biết, các tổ chức hội viên của VNBA đã có ý kiến đóng góp đối với nhiều vấn đề.

Cụ thể như chủ thể quan hệ vay vốn; khách hàng vay vốn; phương án, dự án chứng minh mục đích sử dụng vốn; xác định thành viên vay vốn; những nhu cầu vốn không được cho vay; thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay; điều kiện cho vay; kiểm soát việc cho vay…; nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy trình nội bộ…

Ngoài các nội dung của dự thảo sửa đổi, VNBA cũng đưa ra một số vấn đề khác đề nghị NHNN xem xét bổ sung trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN, như: quy định về lãi chậm trả; cho vay khách hàng là người không cư trú; cung cấp báo cáo tài chính; cho vay bằng phương thức điện tử; sử dụng hoá đơn điện tử; quy định về hồ sơ đề nghị vay vốn; phí cam kết rút vốn….

“Đây là những vấn đề chưa được đề cập trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39. Trên thực tế, những nội dung này cũng đang gây ra nhiều bất cập cho các TCTD trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Phương nói.

Chia sẻ thêm thông tin, ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT Vietcombank, đại diện Ủy ban Chính sách VNBA cho rằng, quá trình chuyển đổi số sẽ hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các TCTD nói riêng hoạt động hiệu quả hơn. Do vậy, tại dự thảo Thông tư lần này, rất nhiều điểm cụ thể cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tế. Hiện nay, các TCTD cũng đã áp dụng phê duyệt tự động đối với những khoản vay nhỏ theo những tiêu chí nhất định….

“Do đó, những vấn đề về thẩm định, quyết định cho vay, chữ ký số, chứng từ, tiêu chí phê duyệt… nên được thống nhất tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này”, ông Đỗ Việt Hùng đề nghị.

Đại diện khối công ty tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng VNBA cho rằng, vẫn có những giới hạn TCTD trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thẩm định, phê duyệt tự động các khoản vay tiêu dùng do vẫn phải tuân thủ “nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay” của Thông tư 39.

“Do đó, để tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, bao quát cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, FE Credit đề nghị NHNN bổ sung vào Điều 24a quy định cho phép TCTD được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn. Trong đó, việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng thực hiện tự động trên hệ thống phần mềm đối với các khoản vay giá trị nhỏ, khoản vay cho mục đích tiêu dùng”, ông Phúc nói.

“NHNN sớm nghiên cứu và đưa ra hành lang pháp lý “mở đường” để các TCTD tiếp cận và áp dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động”, đại diện Techcombank đề nghị.

Ở khía cạnh khác, đại diện Ngân hàng Standard Chareterd nêu quan điểm về vấn đề khi cho vay, ngân hàng phải được quyền giám sát và khách hàng phải có trách nhiệm tuân thủ. Áp dụng như vậy sẽ tăng độ an toàn cho ngân hàng...

“Chúng ta cũng nên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD (bên cho vay). Các TCTD có quyền được kiểm tra, giám sát món vay nhưng nghĩa vụ thực hiện/sử dụng món vay đúng mục đích là của người đi vay”, đại diện VietinBank đề nghị.

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, với vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư cho biết, mục tiêu của NHNN từ Quyết định 1627 đến Thông tư 39 đều xuyên suốt quan điểm là ban hành khung pháp lý chung về hoạt động cho vay của các TCTD đối với khách hàng. Trên tinh thần đó, các nội dung sửa của Thông tư 39 đều đưa các nguyên tắc cơ bản nhất đến với các TCTD.

“Trên cơ sở những nguyên tắc chung này, TCTD tự đưa ra các hướng dẫn, quy định nội bộ đối với hoạt động cho vay nhằm đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của từng TCTD cũng như đặc thù của các nhóm khách hàng và khẩu vị rủi ro của TCTD”, bà Hằng nói.

Liên quan đến quy định cho vay bằng phương thức điện tử được các ngân hàng đề cập khá nhiều tại buổi họp, bà Bùi Thúy Hằng cũng thừa nhận, bên cạnh đưa ra được các điều khoản quy định đối với việc cho vay bằng phương tiện điện tử, cơ quan soạn thảo cũng nhận thấy cần khắc phục một số điểm trong thực tiễn thời gian qua khi triển khai thực hiện Thông tư 39.

“Trong quá trình nghiên cứu, cơ quan soạn thảo cũng đã tiếp thu và đưa vào chỉnh sửa”, bà Hằng nói.

Đại diện đến từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng nhận định, cuộc họp hôm nay là cơ hội để ban soạn thảo cũng như các đơn vị vụ, cục có liên quan có thêm nhiều góc nhìn trong việc sửa đổi, bổ sung Thông tư cho phù hợp với thực tế. Cũng theo bà Tùng, Dự thảo Thông tư 39 sửa đổi chỉ nên quy định “khung” đảm bảo được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và nên trao quyền tối đa cho các TCTD, để các TCTD tự chịu trách nhiệm.

Tin bài liên quan