Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 23-29/7: Dầu, vàng, quặng sắt, thép tăng giá, ngược chiều với đồng, đậu tương, ngô, cà phê, cao su, đường…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch tuần từ 23-29/7, thị trường hàng hóa tiếp tục chứng kiến sự biến động mạnh giữa mỗi mặt hàng, chẳng hạn vàng tăng giá nhưng bạc, bạch lại giảm; tương tự là giá đồng ngược chiều quặng sắt, thép…
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 23-29/7: Dầu, vàng, quặng sắt, thép tăng giá, ngược chiều với đồng, đậu tương, ngô, cà phê, cao su, đường…

Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp

Giá dầu thế giới tăng vào thứ Sáu (28/7) và ghi nhận tuần tăng thứ năm liên tiếp do các nhà đầu tư lạc quan về nhu cầu và việc cắt giảm nguồn cung sẽ giữ giá ổn định.

Cụ thể, kết phiên 28/7, dầu thô Brent tăng 75 US cent lên 84,99 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) tăng 49 US cent lên 80,58 USD/thùng. Tính cả tuần, cả 2 loại dầu tăng gần 5% - cũng là tuần tăng thứ năm liên tiếp và tăng hơn 13% trong tháng 7.

Tâm lý ưa chuộng rủi ro trên các thị trường tài chính được thúc đẩy bởi kỳ vọng ngày càng tăng về việc các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ, thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu năng lượng.

Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi việc cắt giảm nguồn cung từ OPEC+ được công bố vào đầu tháng 7.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đã cam kết đẩy mạnh các biện pháp kích thích để thúc đẩy quá trình phục hồi sau dịch sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ chậm trong quý II/2023.

Về phía nguồn cung, số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 1 giàn xuống 529 giàn trong tuần qua - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes (BKR.O) cho biết.

Các chuyên gia phân tích của Commerzbank cho hay, sự khan hiếm đang gia tăng do dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm và động thái cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày của Ả Rập Xê-út, đồng thời nhấn mạnh trong tháng 8 này sản lượng dầu của OPEC có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa Thu năm 2021.

Kim loại: Giá vàng, quặng sắt, thép tăng, đi ngược bạc, bạch kim, đồng

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng trong phiên 28/7 sau khi giảm mạnh một ngày trước đó, bởi USD thoái lui do dấu hiệu lạm phát của Mỹ đang hạ nhiệt làm tăng đặt cược rằng Fed sẽ có thể kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

Theo đó, vàng giao ngay tăng 0,75% lên 1.959,53 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8/2023 đóng cửa tăng 0,8% lên 1.960,4 USD/ounce.

Lạm phát của Mỹ được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,2% trong tháng trước. Lãi suất đang tăng khiến việc giữ vàng ít hấp dẫn cho các nhà đầu tư do không mang lại lãi suất. Tuy nhiên, việc USD giảm 0,16% khiến vàng rẻ hơn cho người giữ các đồng tiền khác.

Ngược lại, ở một số kim loại quý khác như bạc và bạch kim, giá lại giảm tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm lần lượt là 1,45% về 24,49 USD/ounce và 2,93% về 943,7 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại cơ bản, giá đồng và các kim loại cơ bản khác trên sàn London đều giảm, khi các nhà đầu tư thất vọng về các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế bởi nước tiêu thụ kim loại hàng đầu Trung Quốc công bố.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,6% về 8.436 USD/tấn, sau khi tăng trong phiên trước đó.

Chính quyền Trung Quốc đã công bố các biện pháp để thúc đẩy tiêu thụ ô tô và các mặt hàng điện tử như là một phần của nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trì trệ.

Ngoài ra, chỉ số USD tăng cũng gây áp lực thị trường, khiến hàng hóa được định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Về nhóm kim loại đen, giá hợp đồng quặng sắt tháng 9/2023 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc tăng hơn 1,8% lên 866 CNY (tương đương 121,09 USD)/tấn.

Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt chuẩn giao tháng 9 tăng 0,4% lên 113,6 USD/tấn.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Dữ liệu từ Hiệp hội Thép thế giới cho thấy, sản lượng thép thô toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 giảm 1,1% so với cùng kỳ xuống 943,9 triệu tấn do sản lượng ở châu Âu và châu Mỹ thấp hơn.

Sản lượng thép tại Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, đã tăng 1,3% lên 535,6 tấn trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, trong năm nay, một số nhà máy thép Trung Quốc đã nhận được hướng dẫn hạn chế sản lượng ở mức tương đương với năm 2022 nên có khả năng hạn chế nhu cầu quặng sắt.

Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá hợp đồng thép cây tăng 0,3%; thép cuộn tăng 1,5%; thép dây tăng 1,3%; trong khi giá thép không gỉ đi ngang.

Giá nguyên liệu sản xuất thép như than cốc Đại Liên và than cốc lần lượt tăng 3,7% và 3,1%.

Nông sản: Đồng loạt giảm giá

Giá ngũ cốc và đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần do hy vọng thời tiết nông vụ của Mỹ sẽ cải thiện và Nga sẽ giảm bớt các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine. Việc bán ra theo yếu tố kỹ thuật cũng bổ sung áp lực lên giá.

Bước sang tháng 8, giai đoạn phát triển quan trọng đối với cây đậu tương của Mỹ, phần lớn nước này dự kiến thoát khỏi mức nhiệt độ cao hơn bình thường đáng kể.

Theo đó, hợp đồng đậu tương được giao dịch nhiều nhất giảm 15-1/2 US cent đóng cửa tại mức 13,82-1/2 USD/bushel. Ngô giảm 12 US cent xuống 5,30-1/4 USD/bushel và lúa mì giảm 8-1/2 US cent xuống 7,04-1/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá cà phê, đường cùng giảm, cao su biến động trái chiều

Giá cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021 do đồng JPY mạnh lên sau quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lãi suất.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 1/2024 trên Sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,3 JPY (-0,7%) xuống 199,1 JPY (1,43 USD)/kg. Hợp đồng này đã giảm 1,4% trong tuần qua.

Ngược lại, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa tăng 10 CNY lên 12.205 CNY (1.705,44 USD)/tấn.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2023 đóng cửa giảm 3,55 US cent (-2,2%) về 1,5790 USD/lb. Cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 85 USD (-3,2%) về 2.588 USD/tấn.

Brazil - nhà xuất khẩu cà phê arabica lớn nhất thế giới đang trên đà có một vụ mùa bội thu năm 2024, nhưng vẫn có thách thức phía trước về chất lượng do ảnh hưởng của mô hình thời tiết El Nino. Các đại lý tại Brazil cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này không đạt được trên 3 triệu bao mỗi tháng, đây là mức thế giới cần do lượng dự trữ của các thương nhân và nhà rang xay khá thấp.

Đường thô kỳ hạn tháng 10/2023 đóng cửa phiên 28/7 giảm 2,2% xuống 23,92 USD/lb. Đường trắng cùng kỳ hạn giảm 8 USD (-1,2%) về 678,5 USD/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan