Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ: Ngân hàng và Doanh nghiệp - mối quan hệ "cộng sinh" cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tham dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ một số vấn đề quan trọng để NHNN và ngành ngân hàng lưu ý.

Trước hết, là huyết mạch của nền kinh tế, mạch máu có lưu thông tốt hay không chính là do hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng và vai trò điều tiết của NHNN. Do đó, điều tiết phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Thủ tướng cho rằng, các ngân hàng thương mại cũng là DN, các nhà lãnh đạo, quản trị ngân hàng đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi thì nỗ lực lớn hơn nữa, hành động rồi thì hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, phát huy "tâm, tài, trí, tín" để "vượt sóng, vượt gió" đi lên. Cần phải đặt lợi ích chung, lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Mặt khác, ngân hàng và DN có mối quan hệ "cộng sinh", "nhân quả", nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Nguồn vốn là vấn đề "sống còn" của DN, cho vay là hoạt động "sống còn" của ngân hàng, trong khi khách hàng chủ yếu của ngân hàng là DN.

"Đây là mối quan hệ "cộng sinh" cùng có lợi, nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". DN, người dân là hệ sinh thái không thể thiếu được của ngân hàng, "trong anh có tôi, trong tôi có anh, tuy hai mà một, tuy một mà hai", Thủ tướng nói.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm.

Một là, về công tác chỉ đạo điều hành và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Lưu ý phải nắm chắc tình hình để lựa chọn ưu tiên phù hợp, sử dụng đồng bộ, linh hoạt 4 công cụ có thể sử dụng gồm dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, thị trường liên ngân hàng, thị trường mở”, Thủ tướng nói.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng; trong đó, hoàn thiện dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi Luật NHNN, Luật Bảo hiểm tiền gửi; hoàn thiện pháp luật về an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.

Hai là, về hoạt động tín dụng, Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn. Chỉ đạo rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Ba là, tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.

Bốn là, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 689 của Thủ tướng Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đồng thời, tập trung, khẩn trương xử lý, cơ cấu lại các NHTM yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống. Khẩn trương cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tiếp tục xử lý nợ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Năm là, tập trung đổi mới toàn diện bộ máy tổ chức, công tác cán bộ, cơ chế, quy chế hoạt động của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo phải thực sự chủ động, sớm phát hiện và đề xuất xử lý những vấn đề tồn tại, sai phạm qua công tác giám sát.

Sáu là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động ngân hàng, tiếp tục dẫn đầu trong chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, số hóa, công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay. Đồng thời, phải tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Bảy là, tham gia phát triển thị trường trái phiếu DN lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh quy mô thị trường trái phiếu DN của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á, trong khi theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường trái phiếu DN đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.

“Theo đó, cần kiểm soát việc "đại chúng hoá" ở thị trường thứ cấp; phải phân biệt giữa trái phiếu DN phát hành bởi định chế tài chính và các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm; tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Phát triển thị trường trái phiếu DN niêm yết…”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết thêm, vừa qua đã chỉ đạo Bộ Tài chính phân loại cụ thể để có biện pháp phù hợp: Trái phiếu có khả năng trả nợ; trái phiếu khó có khả năng trả nợ; trái phiếu không có khả năng trả nợ.

Thứ tám, ngành ngân hàng tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thứ chín, rất chú trọng công tác truyền thông, nhất là thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN luôn đồng hành cùng DN và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vượt qua thách thức…

Thứ mười, tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tin bài liên quan