Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 của VietinBank là tăng trưởng 10 - 20%

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 của VietinBank là tăng trưởng 10 - 20%

Thúc đẩy kinh doanh: Ngân hàng đã "sẵn nong, sẵn né"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 chưa được cơ quan quản lý cấp, nhưng các ngân hàng đã “sẵn nong, sẵn né” ở mức cao.

Mục tiêu tham vọng

Tại buổi gặp mặt toàn ngân hàng ngày đầu làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình đã phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống, với nhiều phần thưởng, chế độ xứng đáng dành cho tập thể, cá nhân xuất sắc.

Chẳng hạn, chương trình phát động thi đua về đích sớm đối với chi nhánh hạng I, II, III, mỗi nhóm chi nhánh có giải đặc biệt trị giá 5 tỷ đồng khi hoàn thành sớm nhất (trước tháng 12/2022) so với các chi nhánh khác trong cùng hạng đối với chỉ tiêu kế hoạch năm về lợi nhuận. Đồng thời, hoàn thành từ 100% trở lên kế hoạch năm (tính đến 31/12/2022) đối với 7 chỉ tiêu kinh doanh trọng tâm là tổng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tổng nguồn vốn, thu thuần dịch vụ, lợi nhuận kinh doanh ngoại tệ, thu xử lý rủi ro, dư nợ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, dư nợ khách hàng cá nhân, với chất lượng nợ và môi trường kiểm soát tốt.

Trụ sở chính có 1 giải đặc biệt 5 tỷ đồng, 1 giải 3 tỷ đồng dành cho chương trình “Sáng kiến thúc đẩy đổi mới” có tác động lớn, có tính đột phá, tạo ra thay đổi mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng vượt trội đến hiệu quả hoạt động kinh doanh toàn ngân hàng và đo lường được kết quả cụ thể.

Một số mục tiêu chính của VietinBank năm 2022 cho thấy, các bộ phận trong toàn hệ thống cần “nhanh lên, vội vàng lên”. Cụ thể, tổng tài sản dự kiến tăng 5 - 10% trên nền tảng 1,5 triệu tỷ đồng của năm 2021; tín dụng tăng 10 - 14% trên con số 1,14 triệu tỷ đồng của năm 2021; nguồn vốn huy động tăng 10 - 12% trên con số 1,16 triệu tỷ đồng của năm 2021.

VIB đặt mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận giai đoạn 2022 - 2026 ở mức tối thiểu 30%/năm.

Đáng chú ý, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế năm 2022 tăng 10 - 20%. Trong khi đó, năm 2021, ngân hàng này đạt 17.589 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2,7% so với năm 2020.

Đối với VIB, Tổng giám đốc Hàn Ngọc Vũ cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận trong 5 năm 2022 - 2026 ở mức tối thiểu 30%/năm, lợi nhuận vượt mốc tỷ USD và giá trị vốn hóa tăng 5 lần với nền tảng khách hàng được mở rộng gần 3 lần so với hiện tại.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 dự kiến tổ chức ngày 16/3 tới, mục tiêu lợi nhuận năm nay của VIB là 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm ngoái. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng, 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 35,7%, lên trên 21.000 tỷ đồng, thông qua chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ, nhân viên.

Nguồn lực của VIB sẽ tập trung cho bán lẻ và ngân hàng số. Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho hay, đối với mảng bảo hiểm vốn còn dư địa tăng trưởng lớn, VIB lên kế hoạch triển khai Digital Wealth Platform vào quý III nhằm gia tăng tiện ích cho khách hàng. Ngân hàng đặt mục tiêu tiên phong về các sản phẩm cá nhân hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

“Đặc biệt, phân khúc khách hàng trẻ (thế hệ Millenials và Gen Z) sẽ chiếm khoảng 85% danh mục khách hàng trong 5 năm tới. VIB sẽ cho ra mắt các sản phẩm số hóa và thẻ tín dụng độc đáo, đón đầu nhu cầu của thế hệ trẻ”, bà Hương nói.

Không nên hoài nghi khả năng

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh: “Người ta thường nói rằng, ngân hàng chỉ hoạt động tốt khi khách hàng của họ tốt. Nếu khách hàng gặp khó khăn, ngân hàng cũng thế. Nếu khách hàng trở nên thịnh vượng, ngân hàng cũng vậy”.

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022, chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký trong vòng 2 năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I. Tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,7% năm 2022 và 7% năm 2023. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay, sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Một số tín hiệu lạc quan khác, theo Tim Evans, đó là tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng, giúp thúc đẩy tiêu dùng. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí, du lịch... Ngoài ra, cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho các hoạt động kinh tế, tạo ra cơ hội cho ngân hàng, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Trong diễn biến có liên quan, Bộ phận Nghiên cứu HSBC cho biết, trong khi tình hình lạm phát ở nhiều nước ASEAN (như Thái Lan và Singapore) đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người, lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo lớn với Việt Nam trong năm nay. Trên thực tế, lạm phát nhiên liệu gia tăng, đẩy số liệu tháng 1/2022 lên 1,9% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, giá lương thực, thực phẩm vẫn ổn định, do nhu cầu chưa tăng.

“Vì vậy, chúng tôi tăng nhẹ dự báo mức lạm phát bình quân của năm 2022 lên 3% so với mức dự báo trước đây là 2,7%. Mức này không cho thấy rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước, vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ”, các chuyên gia của HSBC nhận xét.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và chúng ta đang sống chung với dịch Covid-19. Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước thực hiện, trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022, các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Cơ sở để nới lỏng là chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, năng lực tài chính của tổ chức tín dụng được cải thiện... Các tổ chức tín dụng một mặt sẽ thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Với các tín hiệu tích cực nêu trên, không khó để lý giải việc các ngân hàng đặt ra những mục tiêu và thử thách lớn cho năm 2022 cũng như những năm tiếp theo.

Tin bài liên quan