Hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn khó khăn khiến nhu cầu tín dụng thấp

Hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn khó khăn khiến nhu cầu tín dụng thấp

Tín dụng “không bình thường”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho rằng, tăng trưởng tín dụng thấp hiện nay cần có thời gian để trở lại trạng thái bình thường, dù nền kinh tế hiện có nhiều tín hiệu tích cực.

Mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, nhưng theo ông, tại sao tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn chưa tăng tốc, tính đến hết quý I/2024 mới tăng 0,9%?

Tôi cho rằng, nhu cầu tín dụng thấp là do nhiều nguyên nhân và có thể cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường. Một trong các yếu tố ảnh hưởng là số lượng doanh nghiệp suy giảm trong năm 2023. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm 2023 (dữ liệu mới nhất), số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên tới 60.200, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, có thêm 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng lần lượt 28,9% và 2,8% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng trong nửa đầu năm 2023, có 16.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đồng thời, sự suy thoái của thị trường bất động sản khiến số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản năm 2023 giảm 7,7%, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này giảm 45% so với năm 2022.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB

Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, con số này khá sát với dự báo 5,5% của UOB và đây là mức tăng trưởng quý đầu năm cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Nếu nhìn vào số liệu tăng trưởng tín dụng, ông có nhận định gì?

Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP thực tế trong quý I/2024 là 5,66%, kéo dài mức tăng 6,72% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và vượt xa mức tăng 3,41% của quý I/2023, trở thành quý I có kết quả khởi sắc nhất trong giai đoạn 2020 - 2023. Kết quả khả quan này mang đến tín hiệu tích cực sau năm 2023 có nhiều thử thách. Sự phục hồi trong ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định tại Trung Quốc và khu vực, cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng sắp tới sẽ hỗ trợ cho triển vọng kinh tế năm 2024. Chúng tôi giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6% trong năm nay.

Hoạt động xuất nhập khẩu trong quý I năm nay cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực, với tổng kim ngạch 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và thặng dư thương mại đạt 8,08 tỷ USD. Đây có phải là tín hiệu cho thấy hoạt động ngoại thương đã hồi phục?

Áp lực lạm phát hiện không lớn, nhưng Ngân hàng Trung ương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.

Một động lực chính dẫn đến kết quả tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong quý I/2024 là hoạt động ngoại thương khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, được thúc đẩy bởi nhu cầu đối với các sản phẩm như điện tử và điện thoại. Doanh số lĩnh vực bán dẫn tăng lên kể từ giữa năm 2023 cho thấy xu hướng này có thể sẽ duy trì trong các quý tới.

Dựa trên dữ liệu tháng 1 và tháng 2/2024, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28% thị phần, tiếp theo là Trung Quốc (14%), Hàn Quốc (7%), Nhật Bản (6%). Cấu trúc này tương tự như năm 2023, thời điểm mà Mỹ chiếm 27% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc (17%), Hàn Quốc (gần 7%). Nếu nhu cầu từ Mỹ tiếp tục mạnh thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Cho đến nay, dữ liệu ở Mỹ vẫn tích cực và tăng trưởng kinh tế có khả năng được củng cố, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất (dự kiến từ tháng 6 tới). Về mặt nhập khẩu, Trung Quốc là nguồn cung lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2024, với thị phần 36%, áp đảo so với Hàn Quốc (15%), Nhật Bản (7%), khu vực Đài Loan (6%), Mỹ (4%).

Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn của Việt Nam và chúng tôi kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ổn định ở mức 4,5% trong năm nay và điều đó tác động tích cực đến thương mại giữa hai nước.

FDI đóng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế và tính đến hết quý I/2024, vốn đăng ký và thực hiện tại Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông, đây có phải là xu hướng chung trong khu vực ASEAN và đâu là yếu tố giúp Việt Nam thu hút FDI?

Dữ liệu FDI tại Việt Nam cho thấy: thứ nhất, các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc; thứ hai, sự gia tăng dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong những quý tới, bao gồm cả tăng trưởng việc làm và xây dựng; thứ ba, sự khẳng định về niềm tin và cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.

Điều tương tự cũng diễn ra ở các nước ASEAN khác, nhưng điểm khác biệt là mỗi quốc gia có sức hấp dẫn khác nhau đối với các nhà đầu tư. Ví dụ, Việt Nam có lợi thế về nhiều mặt trong chuỗi cung ứng điện tử/thiết bị di động nhờ lực lượng lao động trẻ dồi dào và chính sách ổn định của Chính phủ, trong khi Thái Lan có lợi thế về xe điện và các lĩnh vực liên quan, Indonesia có lợi thế về khai thác, chế biến tài nguyên, Malaysia tập trung nhiều hơn vào thượng nguồn của lĩnh vực điện tử do quy mô lực lượng lao động tương đối nhỏ.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2024 ước tính đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19. Dưới góc nhìn của ông, số liệu này có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế?

Việt Nam có sự phục hồi tốt so với các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng khách nước ngoài đến Singapore thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm 2019; mức giảm của Thái Lan, một thị trường du lịch khá phổ biến, là 13% so với cùng kỳ năm 2019 và Indonesia là 22% (số liệu tháng 1). Nhìn xa hơn, Hồng Kông (Trung Quốc) chịu mức sụt giảm 37% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi ở Đài Loan (Trung Quốc), mức giảm là 33% (số liệu tháng 1). Hàn Quốc và Nhật Bản có kết quả khả quan (lần lượt tăng 21% và 3,4% so với cùng kỳ năm 2019), song đây vốn là hai điểm đến du lịch khá phổ biến trong khu vực.

Bên cạnh việc mở cửa và bình thường hoá hoạt động du lịch sau dịch Covid-19, các thị trường cần thu hút khách du lịch bằng các sản phẩm hấp dẫn (địa điểm du lịch, ẩm thực), tính an ninh/an toàn, khả năng dễ dàng tiếp cận (đường bay, thủ tục nhập cảnh/visa, thanh toán, di chuyển bằng phương tiện công cộng)... Những yếu tố đó không chỉ hấp dẫn du khách thông thường, mà còn thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến với mục đích kinh doanh (đối tác, doanh nhân).

Lạm phát trong tầm kiểm soát, nhưng có dấu hiệu tăng, tạo áp lực lên nền kinh tế và hoạt động tín dụng. Ông có nhận định gì về lạm phát trong thời gian tới?

Áp lực lạm phát hiện không lớn, nhưng Ngân hàng Trung ương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý I/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 3,54% trong quý liền trước, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp chứng kiến lạm phát toàn phần gia tăng. Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát trong quý đầu năm 2024 được thúc đẩy bởi mức tăng CPI chung trong tháng 2 và tháng 3, gần 4% so với cùng kỳ, trong khi mức tăng trung bình năm 2023 là 3,3%. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính là do chi phí cao trong lĩnh vực nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 5,4%), giáo dục (tăng 9%) và y tế (tăng 6,5%).

Nếu giá năng lượng tiếp tục ở mức cao, điều đó có thể tạo thêm áp lực tăng giá chung. Đó là điều cần được theo dõi chặt chẽ.

Tin bài liên quan