Tín dụng trái phiếu có tăng nhưng vẫn được ngân hàng kiểm soát khá chặt

Tín dụng trái phiếu có tăng nhưng vẫn được ngân hàng kiểm soát khá chặt

Tín dụng trái phiếu vẫn trong tầm kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Tùng Anh, Chuyên viên cấp cao nghiên cứu rủi ro tín dụng, Khối Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho rằng, quy mô tín dụng trái phiếu của hệ thống ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát.

Chính phủ đang tiến hành siết lại quản lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), ông đánh giá thế nào về những tác động của các thay đổi về chính sách tới thị trường TPDN trong năm 2022?

Có hai chính sách mới quan trọng đang có tác động đến thị trường TPDN, đó là Thông tư 16/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN, có hiệu lực từ 15/1/2022 và dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Các quy định mới sẽ làm cho quy mô phát hành TPDN giảm đáng kể trong năm nay, điều này đã được phản ánh ngay từ quý I khi Thông tư 16 có hiệu lực. Tính đến hết tháng 3, thị trường sơ cấp chỉ có 10 đợt phát hành trái phiếu, với giá trị khoảng 2.100 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 2/2019.

Ông Nguyễn Tùng Anh, Chuyên viên cấp cao nghiên cứu rủi ro tín dụng, Khối Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm FiinRatings
Ông Nguyễn Tùng Anh, Chuyên viên cấp cao nghiên cứu rủi ro tín dụng, Khối Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm FiinRatings

Trong khi Thông tư 16 có tác động chủ yếu về phía cầu TPDN thì việc sửa đổi Nghị định 153 theo hướng chuẩn hóa các điều kiện phát hành TPDN, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và giảm thiểu những rủi ro đến với kênh tín dụng nói riêng và hệ thống tài chính quốc gia nói chung.

Mặc dù có những tác động trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng những thay đổi về chất có thể dần được thấy rõ trong nửa cuối năm 2022 và tiếp tục trong những năm sau đó. Cụ thể, các hoạt động phát hành trái phiếu vẫn có thể được các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là các công ty niêm yết đẩy mạnh, bởi kênh trái phiếu vẫn đang rất hiệu quả trên nền lãi suất thấp và kênh tín dụng bất động sản từ ngân hàng bị hạn chế tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cơ cấu loại hình phát hành trên thị trường sơ cấp cũng có thể có những sự thay đổi, cụ thể hơn là TPDN phát hành đại chúng có khả năng sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô và chiếm tỷ trọng lớn hơn, nhất là từ các doanh nghiệp có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng của họ trên thị trường.

TPDN phát hành riêng lẻ có thể kém sôi động hơn và hướng tới cơ sở nhà đầu tư đa dạng hơn, không chỉ từ các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán như trước đây, mà còn bao gồm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và các định chế tài chính như bảo hiểm, quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí...

Gần đây, cơ quan quản lý đã xử lý mạnh tay với một số đợt phát hành TPDN của doanh nghiệp bất động sản. Ông đánh giá thế nào về mức độ rủi ro của khu vực này?

Về sự kiện các đơn vị vi phạm đã được cơ quan quản lý xử lý, có nhiều ý kiến cho rằng sẽ có rủi ro hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền tới không chỉ các nhà phát hành có năng lực tài chính yếu, mà còn có thể đến với tín dụng ngân hàng với hiệu ứng vỡ nợ chéo “cross default”, sau đó lan tới cả thị trường chứng khoán, nhìn từ bài học Trung Quốc với việc áp dụng “3 lằn ranh đỏ” với các nhà phát triển bất động sản.

Quy mô tín dụng trái phiếu của 29 ngân hàng niêm yết hiện đạt 273.900 tỷ đồng, tức chỉ chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, rủi ro này có thể được kiểm soát tốt, thông qua nhiều giải pháp, trong đó có việc khoanh vùng giải quyết từng vấn đề đối với các nhóm tổ chức phát hành đã vi phạm này và quyền lợi của các nhà đầu tư trong các lô trái phiếu đang và có thể sẽ được xử lý theo kết luận của cơ quan chức năng được bảo đảm. Quyền lợi nhà đầu tư có thể là đảm bảo thu hồi một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi, hoặc có lộ trình rõ ràng được thông tin minh bạch đến trái chủ hiện đang sở hữu.

Điểm tích cực theo nhìn nhận của chúng tôi là rủi ro đến với hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam là thấp. Số liệu thống kê của chúng tôi dựa trên báo cáo tài chính của 29 ngân hàng thương mại niêm yết cũng cho thấy quy mô tín dụng trái phiếu hiện đạt 273.900 tỷ đồng, tức chỉ chiếm 2,16% trong cơ cấu tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng này. Quy mô còn ở mức khiêm tốn, do vậy, tác động nếu có vào thời điểm này cũng là không đáng kể. Hơn nữa, đối với thị trường bất động sản, sức khỏe tài chính các công ty bất động sản trên bình diện chung vẫn ở mức tương đối an toàn, có mức độ đòn bẩy tài chính ở mức thấp tương đối so với giai đoạn 7 năm trước.

Rủi ro lớn hơn, theo tôi, chủ yếu là áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2 - 3 năm tới đối với các tổ chức phát hành trong ngành bất động sản, nhất là các công ty chưa niêm yết hoặc các doanh nghiệp dự án lập ra để huy động TPDN triển khai dự án đó, trong khi chưa có sự minh bạch về mục đích sử dụng vốn cũng như thông tin về đơn vị phát hành. Số liệu của chúng tôi chỉ ra rằng 73% giá trị trên quy mô TPDN ngành bất động sản khoảng 189.000 tỷ đồng sẽ có điểm rơi đáo hạn trong giai đoạn 2022 - 2024.

Bởi vậy, nhà đầu tư tuy cần thận trọng nhưng cũng nên tỉnh táo xem xét toàn diện bức tranh lớn của thị trường. Thị trường vốn hay bất động sản đều có tính chu kỳ và không thể lúc nào cũng phát triển một cách tuyến tính đi lên, những điều chỉnh đều là cần thiết và góp phần hướng tới phát triển bền vững.

Để phát triển thị trường TPDN cũng như ngành bất động sản trong thời gian tới, theo ông, cần có những giải pháp gì?

Tôi cho rằng, vai trò xếp hạng tín nhiệm đang dần được củng cố trên thị trường, bởi khả năng góp phần cải thiện sự bất đối xứng thông tin của thị trường vốn nói chung, không chỉ kênh trái phiếu doanh nghiệp mà cả tín dụng ngân hàng cũng như các công cụ nợ khác. Không thể ví xếp hạng tín nhiệm như “quả cầu tiên tri” có thể thấy trước tương lai, mà giống như ngọn hải đăng chiếu sáng ngoài biển khơi cho tàu thuyền, chính là tất cả các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu có thể dựa vào kết quả xếp hạng tín nhiệm để tương tác một cách hiệu quả và bền vững.

Song song với việc đánh giá từng tổ chức phát hành, chúng tôi cũng theo dõi các yếu tố tín dụng nội tại của các nhà phát hành TPDN của ngành và các yếu tố rủi ro đặc thù của ngành trong giai đoạn hiện nay bao gồm:

Thứ nhất, áp lực tái tài trợ cho các khoản nợ cũ đến hạn trước những thay đổi chính sách trên thị trường vốn, bao gồm Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước về việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại.

Thứ hai, môi trường lãi suất có xu hướng gia tăng có thể làm chi phí huy động vốn cao hơn.

Thứ ba, lạm phát đang có xu hướng tăng làm ảnh hưởng đến chi phí nguyên vật liệu đầu vào và dịch vụ thuê ngoài trong quá trình triển khai dự án mới.

Thứ tư, các thay đổi chính khung pháp lý của Chính phủ liên quan đến giá đất, thuế bất động sản và chuẩn hóa nhân sự môi giới bất động sản; cùng một số yếu tố khác.

Tin bài liên quan