Hiện một sản phẩm bảo hiểm tai nạn và sản phẩm bảo hiểm y tế có khoảng 20 điều khoản loại trừ, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo có 10 - 15 điều khoản loại trừ…  Ảnh: Lê Toàn

Hiện một sản phẩm bảo hiểm tai nạn và sản phẩm bảo hiểm y tế có khoảng 20 điều khoản loại trừ, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo có 10 - 15 điều khoản loại trừ… Ảnh: Lê Toàn

Tối giản hợp đồng bảo hiểm: Cuộc cách mạng bắt đầu

(ĐTCK) Một doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã loại đi nhiều điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm. Điều này không chỉ đánh trúng tâm lý khách hàng, mà còn thổi một làn gió mới vào “cuộc cách mạng” đơn giản hóa điều khoản hợp đồng bảo hiểm cho cả thị trường.

Đơn giản hóa các điều khoản, điều kiện

Trong năm 2017, FWD Việt Nam đã giới thiệu danh mục loại trừ bảo hiểm áp dụng cho tất cả các sản phẩm bảo hiểm của Công ty, chỉ còn 2 - 6 điều khoản loại trừ, được xem là ngắn nhất và là bước đột phá trong ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Bên cạnh đó, FWD Việt Nam giảm thiểu danh mục loại trừ bảo hiểm không còn phù hợp với khuynh hướng hiện tại. Chẳng hạn, một số hạng mục đã được loại bỏ như các hoạt động thể thao mạo hiểm: lặn biển với bình khí nén, leo núi, nhảy bungee…

Theo ông Anantharaman Sridharan, Tổng giám đốc FWD Việt Nam, đơn giản hoá hợp đồng bảo hiểm là một trong những chiến lược chủ chốt của FWD ngay từ khi bước chân vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Không có công ty bảo hiểm nào có thể “bẫy” khách hàng bằng câu chữ trong hợp đồng bảo hiểm, vì toàn bộ nội dung loại trừ đều được ghi rõ trong hợp đồng và phải được Bộ Tài chính phê duyệt.   

“Các hợp đồng bảo hiểm truyền thống hiện nay khá dài, với quá nhiều thuật ngữ, điều khoản, khiến người mua chỉ muốn đọc lướt và tìm đến chỗ cần ký tên”, ông Anantharaman Sridharan nhận xét.

Hợp đồng bảo hiểm có nhiều điều khoản, nhiều thuật ngữ khó hiểu như đánh đố, thậm chí “gài bẫy” khách hàng, cũng là một trong những lý do khiến nhiều người không mặn mà tham gia bảo hiểm.

Theo thống kê, trung bình hiện nay, một sản phẩm bảo hiểm tai nạn và sản phẩm bảo hiểm y tế có khoảng 20 điều khoản loại trừ, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo có 10 - 15 điều khoản loại trừ. Ngoài ra, trong mỗi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các điều khoản cũng khá dài và sử dụng nhiều từ chuyên ngành, rất khó để các khách hàng có thể kiên nhẫn đọc và hiểu hết tất cả các điều khoản của hợp đồng.

Chính vì vậy, trong các cuộc họp ngành bảo hiểm, vấn đề doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục xem xét nghiên cứu để rút ngắn cũng như đơn giản hóa các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm liên tục được đưa ra bàn thảo.

Trong một động thái mới nhất về đơn giản hóa các điều khoản hợp đồng bảo hiểm, khi ra mắt sản phẩm Vita - Sống tự tin, Generali Việt Nam thiết kế một quyền lợi kèm theo là khách hàng tiếp tục được bảo vệ trong vòng 24 tháng kể từ khi hợp đồng mất hiệu lực, bất kể vì lý do gì. Đây là quyền lợi đặc biệt, mang tính nhân văn cao, lần đầu tiên được giới thiệu trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cho biết, sản phẩm này là sự đột phá về tính minh bạch, đơn giản của bộ quy tắc điều khoản hợp đồng, giúp khách hàng dễ đọc, dễ hiểu và dễ tham chiếu các điều khoản liên quan đến sản phẩm. Thêm vào đó, để mang lại sự an tâm và bảo vệ tối đa cho khách hàng, Generali Việt Nam đã lược giản các trường hợp ngoài phạm vi bảo hiểm.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đang bắt đầu rà soát thay đổi và thực hiện việc đơn giản hóa các điều khoản, điều kiện hợp đồng bảo hiểm.

Đơn giản nhưng vẫn công bằng, chính trực

Về việc bỏ các điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm, có ý kiến cho rằng, điều khoản loại trừ là yếu tố không thể thiếu trong một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Mục đích chính là để đảm bảo nguyên tắc công bằng và chính trực, phòng tránh các trường hợp trục lợi bảo hiểm và đảm bảo chi phí khách hàng phải trả để được bảo vệ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ở mức độ chấp nhận được, cân bằng giữa quyền lợi của khách hàng và của công ty bảo hiểm. Mỗi công ty dựa trên chiến lược kinh doanh của mình trong từng giai đoạn sẽ có mức chấp nhận bảo hiểm và loại trừ tương ứng.

 Cần có minh họa, hướng dẫn cụ thể để khách hàng tự đánh giá và hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: Lê Toàn

Thực tế, không phải sản phẩm bảo hiểm nào cũng có nhiều loại trừ. Đa số các sản phẩm bảo hiểm chính của các công ty chỉ loại trừ 3 trường hợp là tự tử trong vòng 24 tháng, liên quan đến bệnh AIDS và hành vi phạm tội. Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến tai nạn, bệnh tật thì các điều khoản loại trừ sẽ nhiều hơn, nhằm mục đích làm rõ ràng các trường hợp bồi thường, tránh trục lợi bảo hiểm, gây tổn thất cho chính quỹ bảo hiểm mà các khách hàng trung thực khác đóng góp tạo nên.

“Không có công ty bảo hiểm nào có thể “bẫy” khách hàng bằng câu chữ trong hợp đồng bảo hiểm, vì toàn bộ nội dung loại trừ đều được ghi rõ trong hợp đồng và phải được Bộ Tài chính phê duyệt”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng, cùng với 3 điều khoản loại trừ bảo hiểm cơ bản trên, thực tế còn có một điều khoản loại trừ quan trọng nữa trong các hợp đồng bảo hiểm chính, kiểm soát các trường hợp khách hàng đã bị bệnh sẵn mới mua bảo hiểm. Không thể bỏ những điều khoản loại trừ này và nếu công ty bảo hiểm nhân thọ nào có muốn làm thì cũng không công ty tái bảo hiểm nào đồng ý nhận tái bảo hiểm.

“Tất nhiên, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể chỉnh sửa lại cho ngắn gọn và dễ hiểu hơn. Những sản phẩm mới sắp ra mắt, chúng tôi sẽ xin phép Bộ Tài chính cho bỏ bớt những điều khoản loại trừ không quan trọng”, vị tổng giám đốc trên cho biết.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cũng luôn khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm loại bỏ những điều khoản loại trừ bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia. Cơ quan quản lý cũng sẽ có những quy định để các công ty bảo hiểm phải đưa đầy đủ thông tin về sản phẩm lên mạng, đồng thời có minh họa, hướng dẫn cụ thể để khách hàng tự đánh giá và hiểu rõ về sản phẩm.

Được biết, thời gian tới cũng là giai đoạn thay đổi quan trọng của thị trường bảo hiểm khi các cơ quan chức năng sẽ cùng các doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm phát luật của ngành để điều chỉnh các chính sách mới cho phù hợp với sự phát triển của thị trường.

Tin bài liên quan