Trung Quốc "đáp trả" chính sách của Mỹ liên quan tới chất bán dẫn bằng việc tiến hành rà soát Micron vì lý do an ninh quốc gia

Trung Quốc "đáp trả" chính sách của Mỹ liên quan tới chất bán dẫn bằng việc tiến hành rà soát Micron vì lý do an ninh quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tuyên bố ngày 31/3, Chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ thực hiện rà soát Micron để đảm bảo tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin, ngăn chặn rủi ro an ninh mạng và giữ vững an ninh quốc gia.

Sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu Micron đã giảm 4,4%, đây là phiên giảm mạnh nhất trong hơn 3 tháng qua. Được biết, Micron có 11% doanh thu đến từ Trung Quốc. Một trong những khách hàng lớn của công ty là Shenzhen Long Sys. Công ty này đã mua của Micron số chip trị giá 3,1 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2021.

Micron rơi vào tầm ngắm của Trung Quốc do bị coi là lực lượng chính đứng sau những cuộc vận động hành lang của chính phủ Mỹ nhằm trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó đối thủ YMTC bị Mỹ đưa vào danh sách cấm năm ngoái.

Gã khổng lồ ngành chip của Mỹ đã sớm nhận thấy rủi ro về việc có thể bị gạch tên khỏi thị trường Trung Quốc. Trong báo cáo tài chính thường niên năm 2021, Micron nói với các nhà đầu tư rằng, chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh cho nhà sản xuất DRAM nội địa cho thể hạn chế sự tăng trưởng của công ty.

"Chính phủ Trung Quốc có thể hạn chế chúng tôi tham gia vào thị trường hoặc có những biện pháp khác để ngăn chặn chúng tôi cạnh tranh với các công ty trong nước của họ", Micron cho biết.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như xem lĩnh vực công nghệ của đối phương là rủi ro tới an ninh quốc gia. Điều này thôi thúc Mỹ gấp rút đi bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như các công nghệ tiên tiến của họ.

Trước đó, Mỹ đã thêm nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen, ngăn chặn các công ty này tiếp cận tới các chip xử lý tiên tiến và cấm người dân Mỹ cung cấp hỗ trợ cho ngành chip của Trung Quốc. Sau đó, Mỹ tiếp tục đánh vào năng lực sản xuất chip của Trung Quốc bằng cách tăng gấp đôi số lượng các loại thiết bị cần giấy phép xuất khẩu đặc biệt này.

Ngoài ra, Mỹ có kế hoạch phối hợp với chính phủ Nhật Bản và Hà Lan. Vì 3 quốc gia này thống trị thị trường chip toàn cầu, nhiều nhà phân tích cho rằng Washington sẽ cần sự hỗ trợ của Nhật và Hà Lan để các biện pháp hạn chế có hiệu quả.

Tháng 10 năm ngoái, Washington cũng ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng, nhằm ngăn các công ty Trung Quốc mua một số công cụ sản xuất chip của Mỹ được cho là sẽ được dùng cho mục đích quân sự.

Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các chính sách của Mỹ liên quan đến chất bán dẫn và thậm chí đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Trung Quốc cho rằng, các biện pháp này đe dọa lợi ích của các công ty của họ và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin bài liên quan