Giá vàng tăng nóng được cho là một trong những tác nhân tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND

Giá vàng tăng nóng được cho là một trong những tác nhân tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND

Tỷ giá còn chịu nhiều áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá là điểm trừ lớn của bức tranh vĩ mô những tháng đầu năm khi liên tục “sốt”, đặc biệt trên thị trường tự do.

Giá vàng, lãi suất cộng hưởng đẩy tỷ giá

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán xung quanh diễn biến nóng của tỷ giá USD/VND, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ góc nhìn về sự tương quan chặt chẽ giữa diễn biến giá vàng và tỷ giá. Theo đó, xung đột địa chính trị tại một số khu vực khiến vàng trở thành “nơi trú ẩn” của dòng tiền đầu tư, dẫn đến giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh. Bên cạnh đó, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp gần nhất, do lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%, nhưng dự báo tầm nhìn trung và dài hạn là sẽ giảm lãi suất, tức là sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Tín hiệu hạ lãi suất của Fed đã có, nhiều nhà kinh doanh vàng thấy rằng giá vàng tương lai sẽ tăng do giá trị đồng USD sẽ giảm. Điều đó đẩy giá vàng thế giới đi lên”, TS. Hiếu nhận định.

Tại Việt Nam, giá vàng chịu tác động bởi nhiều yếu tố như tỷ giá, lạm phát, kinh tế vĩ mô và cán cân cung - cầu. Dù biến động mạnh song giá vàng theo xu hướng đi lên. Cuối tuần qua, giá vàng SJC lập đỉnh mới gần 86 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng.

“Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, việc này vô tình “khuyến khích” hoạt động buôn lậu vàng. Giới buôn lậu dùng một lượng ngoại tệ lớn để mua vàng ở nước ngoài và tuồn vào Việt Nam, làm tăng nhu cầu ngoại hối trên thị trường tự do và đẩy tỷ giá tăng. Đó là điều bất lợi cho nền kinh tế nói chung, thị trường ngoại hối và thị trường vàng nói riêng”, TS. Hiếu phân tích.

Thực tế, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, dù chỉ số USD-Index - đo lường sức mạnh đồng USD - có phần hạ nhiệt sau khi Fed phát đi tín hiệu không tăng lãi suất thêm nữa, nhưng tỷ giá USD/VND trong nước giao dịch trên thị trường tự do vẫn tăng. Tỷ giá USD/VND hiện là vấn đề đang được quan tâm khi vượt ngưỡng 25.000 đồng/USD và dự báo còn tăng tiếp.

TS. Hiếu nhấn mạnh, chênh lệch giữa lãi suất qua đêm của Fed Funds và lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn rất cao cũng là một lực đẩy giá trị USD tăng so với VND. Có thể nói, giá vàng và lãi suất đang cộng hưởng đẩy tỷ giá lên ngày càng cao.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, tỷ giá là “một điểm trừ lớn” trong bức tranh vĩ mô tổng thể của quý I/2024, nhưng đây là câu chuyện không thể tránh được trước những tác động trong và ngoài nước.

Cụ thể, theo ông Hinh, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự báo, khi đón nhận 303.000 việc làm phi nông nghiệp (so với ước tính chỉ 200.000 của Dow Jones), giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8% vào tháng 3/2024; CPI ghi nhận mức tăng 3,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 3,2% so với cùng kỳ ghi nhận trong tháng trước đó. Dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực hơn dự báo cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, dù cho lãi suất tăng cao và lạm phát vẫn còn cách xa mục tiêu của Fed. Kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất trong tháng 6 cũng giảm mạnh, với xác suất tụt xuống còn 17,5%, giảm đáng kể so với mức 61,1% được ghi nhận trước cuộc họp của Fed, trong khi kỳ vọng giảm lãi suất vào tháng 9 đã tăng lên mức 45,5%.

“Nói cách khác, Fed đang phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa về việc khi nào nên bắt đầu xoay trục chính sách tiền tệ của mình, để tránh làm mất những thành quả đã đạt được trong lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát suốt thời gian qua”, ông Hinh nhận định.

Hai kịch bản cho tỷ giá

Theo ông Hinh, áp lực tỷ giá hối đoái trong nước gia tăng, ngoài yếu tố đến từ dữ liệu kinh tế khả quan hơn của Mỹ, còn đến từ các yếu tố quan trọng khác:

Thứ nhất, giá vàng thế giới giao ngay tiếp tục tăng cao kỷ lục, vọt lên gần 2.400 USD/ounce, khiến tỷ giá USD/VND tự do trong nước tăng vọt lên trên 25.500 đồng;

Thứ hai, từ mức hút ròng cao nhất 171.200 tỷ đồng (6,7 tỷ USD), Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bơm ròng trở lại hệ thống thông qua kênh OMO khi thanh khoản có dấu hiệu thiếu hụt và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vọt lên hơn 4%/năm. Tính đến ngày 19/4, mức hút ròng lũy kế giảm xuống còn 33.600 tỷ đồng (1,3 tỷ USD) do lượng tín phiếu đáo hạn vượt xa mức tín phiếu phát hành thêm trong bối cảnh tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt, cho thấy biện pháp này chưa đạt được hiệu quả như mong đợi;

Thứ ba, Ngân hàng Trung ương châu Âu phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất vào tháng 6, trong khi Fed hiện tại chưa có đủ động lực để bắt đầu giảm lãi suất sớm. Điều này đào sâu sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của hai ngân hàng trung ương lớn và càng củng cố đà tăng giá của DXY. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị leo thang trong khu vực Trung Đông gần đây đã khiến các nhà đầu tư ưa chuộng USD hơn như một công cụ phòng ngừa rủi ro;

Thứ tư, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2024 tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, cũng dẫn đến nhu cầu USD cao hơn để thanh toán các hóa đơn nhập khẩu.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối VIB cũng chia sẻ góc nhìn, diễn biến tỷ giá USD/VND hiện nay không nằm ngoài xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực. Kể từ đầu năm, VND đã mất giá 4,8% so với USD, trong khi Nhân dân tệ (mất giá 1,8%), Rupiah Indonesia (mất giá 5,3% tính từ đầu năm), Ringgit Malaysia (mất giá 4,1%) và Baht Thái (mất giá 7,5%).

Còn theo ông Đinh Quang Hinh, mặc dù lượng kiều hối dồi dào (16 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ vào năm 2023), giải ngân FDI mạnh mẽ (4,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ trong quý I/2024) và thặng dư thương mại tăng cao lên 7,8 tỷ USD trong quý I/2024 (tăng 52,9% so với cùng kỳ) là yếu tố hỗ trợ cho VND nhưng áp lực tỷ giá vẫn là một rủi ro đáng chú ý trong những tháng tới, đặc biệt khi diễn biến DXY phụ thuộc vào các yếu tố khó đoán định như chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn và rủi ro địa chính trị.

Theo các chuyên gia phân tích, Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước bài toán khó, hoặc ưu tiên ổn định tỷ giá hối đoái hoặc thúc đẩy tăng trưởng. Diễn biến tỷ giá hiện nay có thể làm gia tăng áp lực lên lạm phát cũng như tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp vay, trả bằng USD và xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể phải ưu tiên ổn định tỷ giá, ít nhất là trong những tháng tới bằng cách thực thi các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực tới cộng đồng doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

“Trong kịch bản Fed hạ lãi suất điều hành 2 lần vào cuối năm 2024, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có thể hạ nhiệt xuống mức 24.200 - 24.400 vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng năm nay được dự báo dao động trong khoảng 24.600 - 24.800, tăng 3 - 4% so với mức bình quân năm 2023. Trong kịch bản kém tích cực hơn, nếu Fed chỉ hạ lãi suất điều hành một lần trong năm nay, tỷ giá sẽ chịu áp lực lớn hơn và cao hơn kịch bản nêu trên”, ông Hinh nhận định.

Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu bán USD cho các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ âm với mức giá 25.450 đồng/USD (bán giao ngay) vào ngày 19/4. Ước tính dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam vào khoảng 94 tỷ USD, tương đương 3,4 tháng nhập khẩu (cao hơn một chút so với khuyến nghị của IMF là 12 - 14 tuần nhập khẩu). Việt Nam có dư địa bán ngoại tệ dự trữ để ổn định tỷ giá, song nguồn lực không quá dồi dào. Do đó, mặc dù DXY có thể hạ nhiệt khi Fed quyết định xoay trục chính sách tiền tệ, tỷ giá vẫn là rủi ro đáng chú ý và cần được theo dõi chặt chẽ trong 2 quý tới.

Tin bài liên quan