Vĩnh Phúc: Chuyển đổi số - giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi số - giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

(ĐTCK) 100% các trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được trang bị máy tính và đường truyền Internet, tạo thuận lợi cho thực hiện tốt việc dạy học và giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận với công nghệ số.

Xác định chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và giảng dạy là khâu đột phá, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại; có cơ chế khuyến khích nhà giáo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn… giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, chủ động, hiệu quả, là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, từ việc đầu tư có hệ thống các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, trường học các cấp trên địa bàn tỉnh đã có được thiết bị công nghệ cần thiết. Trong đó, 100% các trường được trang bị máy tính và đường truyền Internet, tạo thuận lợi cho thực hiện tốt việc dạy học và giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận với công nghệ số.

Tại các trường tiểu học, trong phòng học tin học, ngoài việc được trang bị máy vi tính giúp học sinh các khối lớp được học môn Tin học đúng thời lượng 2 tiết/tuần/lớp còn tăng cường các hoạt động cho học sinh làm quen với cách học, tham gia các cuộc thi trên Internet. Trường Tiểu học Yên Phương, huyện Yên Lạc được đánh giá là một trong những trường học có bước phát triển mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Do được đầu tư đồng bộ nên việc dạy và học môn Tin học đã đi vào nền nếp và có chất lượng, học sinh có thêm điều kiện làm quen và hình thành các kỹ năng sử dụng máy tính.

Nhiều học sinh đã thành thạo sử dụng máy tính khi tham gia các cuộc thi môn học trên mạng Internet. Ngoài thời gian học môn Tin học trên lớp, nhà trường kết hợp với Đoàn thanh niên tổ chức cho học sinh tìm hiểu kiến thức khoa học thông qua các sân chơi như: Thi đấu trường toán học, Trạng nguyên Tiếng Việt, IOE... Đây đều là những sân chơi hoạt động trên cơ sở khai thác và sử dụng hệ thống máy tính. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tin học trong nhà trường.

Việc học bằng đồ họa giúp học sinh nắm bài sâu hơn

Việc học bằng đồ họa giúp học sinh nắm bài sâu hơn

Cô giáo Đàm Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Phương cho biết: Ngoài được trang bị 1 màn hình tích hợp, các phòng học của nhà trường đều được trang bị đầy đủ máy tính, máy chiếu, nhờ đó, sự tương tác giữa thầy và trò được tăng cao, phát triển nhiều hơn năng tư duy duy sáng tạo của học sinh. Giáo trình dạy và học bao gồm cả video, âm thanh, hình ảnh... không chỉ giúp bài học trở nên sinh động mà còn giúp các em hiểu bài sâu hơn, từ đó, phát huy tính sáng tạo, năng lực tư duy của học sinh. Thông qua các tiết học đã giúp bài giảng, cách thức giảng dạy của giáo viên trở nên linh hoạt, sinh động hơn; thời gian lên lớp cũng tiết kiệm hơn nhiều, đặc biệt, các em học sinh rất hào hứng và vui vẻ tham gia tiết học.

Tại Trường THCS Vĩnh Yên, thành phố Vĩnh Yên, xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, sự chủ động, tích cực, nhà trường đã đầu tư trang bị hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong quản lý cũng như dạy học. 100% giáo viên nhà trường đã thường xuyên sử dụng phần mềm để kiểm tra, đánh giá học sinh như: Phần mềm Goole form, Azota, Quizze.

Học sinh cũng được hướng dẫn và khuyến khích khai thác kho học liệu, sách mềm, tham gia một số lớp học online phù hợp với từng đối tượng, qua đó giúp học sinh chủ động hơn trong việc tìm tài liệu, giúp người thầy không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới phương pháp trong ôn thi, các thầy, cô giáo đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm dạy học, phần mềm kiểm tra đánh giá hỗ trợ đắc lực trong giảng dạy, giúp học sinh tự giác, chủ động, nêu cao vai trò tự học; tích cực hướng dẫn học sinh học tập trên truyền hình, khai khác có hiệu quả kho học liệu và bài giảng E-Learning.

Cô giáo Tạ Thị Giang, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Bên cạnh việc sử dụng phần mềm SMAS có thể lưu trữ, xử lý linh hoạt các dữ liệu, đáp ứng được mọi nhu cầu quản lý thông tin, hiện nhiều phần mềm, công cụ được giáo viên nhà trường sử dụng phổ biến như: Phần mềm trộn đề Mcmix, phần mềm soạn giáo án điện tử Power point… Đồng thời, để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm sử dụng máy chiếu điện tử trong giảng dạy, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho giáo viên.

Đây chỉ là 2 trong số các cơ sở giáo dục của tỉnh đã đồng loạt thực hiện việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập. Với việc đổi mới mô hình dạy và học trong các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện đơn vị, đối tượng học sinh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đã và đang được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Để tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục đạt hiệu quả cần một quá trình lâu dài, trong đó, lấy người học và người dạy làm trung tâm; lấy lợi ích của người học, người dạy, người dân nói chung làm thước đo đánh giá.

Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; tập huấn, bồi dưỡng năng lực về công nghệ thông tin, năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo đáp ứng được các yêu cầu chuẩn dữ liệu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các dữ liệu đặc thù của tỉnh bảo đảm tính chính xác và độ tin cậy cao phục vụ các hoạt động của ngành.

Đồng thời, xây dựng học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn toàn ngành đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; đẩy mạnh hình thức thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt; kết nối phần mềm quản lý tài chính của cơ sở giáo dục với các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

Tin bài liên quan