WB: Tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ những tháng gần đây khi các ngân hàng thương mại tiến sát trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9 năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, cung tín dụng cho nền kinh tế tăng 16,2% trong tháng 8 (so cùng kỳ năm trước), tương đương với tốc độ tăng trong tháng 7.

Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng qua đêm (cuối tháng), sau khi tăng mạnh từ 0,71%/năm trong tháng 6 lên 4,19%/năm trong tháng 7, tiếp tục tăng đến 4,42%/năm vào cuối tháng 8, cao hơn so với lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chính sách hiện được xác định ở mức 4%/năm.

Theo WB, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt có lẽ phần nào do bất cân đối giữa lượng tiền gửi trong nước giảm do lãi suất gửi tiền được duy trì ở mức thấp, trong khi nhu cầu tín dụng trong nước tăng cao, khiến cho các ngân hàng phải cạnh tranh huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng.

“Một phần nữa cũng có thể do thanh khoản trong nước bị thắt lại khi Ngân hàng Nhà nước bán một phần dự trữ ngoại hối từ tháng 2/2022 để bình ổn tiền đồng so với đồng USD đang mạnh lên. Dữ liệu sẵn có mới nhất cho thấy, từ tháng 2 đến tháng 5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 6,8 tỷ USD”, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Cũng theo WB, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ ghi nhận thêm một tháng tăng trưởng cao trong tháng 8 (15,6% và 50,2% so cùng kỳ năm trước), chủ yếu nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp do đợt cách ly Covid-19 vào tháng 8/2021. Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng tháng chững lại trong tháng 7 và tháng 8 năm 2022 sau một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ vào quý II/2022.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu tháng 8 lần lượt đạt 22,6% và 13,3% (so cùng kỳ năm trước), cao hơn so với tháng 7. Số đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm do các nhà đầu tư thận trọng khi phải đối mặt với những bất định trên toàn cầu, nhưng số giải ngân vốn FDI tiếp tục được cải thiện, góp phần cho xu hướng tăng liên tục trong 11 tháng.

Điểm đáng chú ý trong Báo cáo của WB là số thu tăng mạnh và tình hình thực hiện ngân sách chậm khiến cho bội thu ngân sách tiếp tục được duy trì. Cụ thể, tổng thu ngân sách tăng 25,4% (so cùng kỳ năm trước), còn tổng chi tăng 5,9% (so cùng kỳ năm trước). Chính vì vậy, bội thu ngân sách trong tháng 8/2022 được duy trì ở mức 0,4 tỷ USD.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Chính phủ thu được 85,6% tổng dự toán thu, nhưng chỉ chi được 53,6% tổng dự toán chi, dẫn đến bội thu ngân sách ở mức 1 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 40,3% kế hoạch được Quốc hội phê duyệt, chỉ cao hơn một chút so với năm trước (38,4%), do những hạn chế về ngân sách và thủ tục hành chính tiếp tục tồn tại. Chi thường xuyên đạt 61% so với dự toán, thấp hơn một chút so với năm trước (63%).

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước phát hành được 1,1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ có mệnh giá bằng đồng nội tệ trong tháng 8, toàn bộ với kỳ hạn dài (từ 10 năm trở lên). Trong năm tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng trái phiếu phát hành (bao gồm cả trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh) đạt 27,4% kế hoạch năm, thấp hơn nhiều so với tháng 8/2021 (60,1% kế hoạch vay và trả nợ năm 2021).

Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí vay nợ tiếp tục tăng, với lợi suất trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 10 năm tăng từ 2,08% trong tháng 12/2021 lên 2,58% trong tháng 7 và 2,80% trong tháng 8 trên thị trường sơ cấp. Lợi suất tăng có lẽ một phần do điều kiện thanh khoản trong nước bị thắt lại và một phần do các nhà đầu tư trong nước thay đổi khẩu vị rủi ro trong quá trình nền kinh tế phục hồi.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, quá trình phục hồi kinh tế tiếp tục diễn ra mặc dù các yếu tố bất định trong nền kinh tế gia tăng liên quan đến lạm phát toàn cầu tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính. Các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá lương thực thực phẩm và các mặt hàng cơ bản. Đồng thời, mặc dù giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu là điều khó lường.

Vì vậy, theo Ngân hàng Thế giới, khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế là cách để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp xã hội cần được củng cố, bao gồm cả hệ thống đăng ký, lựa chọn đối tượng và giải ngân, để tạo thuận lợi tiếp cận những người dân bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra các cú sốc.

Tin bài liên quan