WHO cảnh báo về hiệu quả của vaccine đối với biến thể Omicron

0:00 / 0:00
0:00
WTO nói rằng bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vaccine hiện nay có thể kém hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron và biến thể này cũng có nguy cơ gây tái nhiễm cao hơn.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Dubbo, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Dubbo, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Trong bản cập nhật dịch tễ học hằng tuần, ngày 15/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vaccine hiện nay có thể kém hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron và biến thể này cũng có nguy cơ gây tái nhiễm cao hơn.

Vì vậy, WHO đánh giá rủi ro tổng thể từ biến thể mới Omicron “vẫn còn rất cao.”

Tuy nhiên, WHO cho rằng cần thêm dữ liệu để đánh giá rõ hơn về mức độ biến thể Omicron có thể lẩn tránh hệ miễn dịch của người đã tiêm vaccine hay từng nhiễm virus.

Theo WHO, lần đầu tiên kể từ khi Delta được xếp vào loại biến thể đáng lo ngại (VOC) hồi tháng Tư, tỷ lệ % trình tự gene của Delta được ghi nhận trên cơ sở dữ liệu khoa học toàn cầu GISAID trong tuần này đã giảm so với các VOC khác.

Tuy nhiên, cần hiểu thông tin này một cách thận trọng bởi nhiều nước có thể tiến hành giải trình tự gene đối với biến thể Omicron, vì vậy ít cập nhật hơn các biến thể khác, trong đó có Delta.

WHO khẳng định Delta vẫn là biến thể chủ đạo, chiếm 99,2% trong gần 880.000 trình tự gene được cập nhật lên GISAID với các mẫu thu được trong vòng 60 ngày qua.

Mặc dù vậy, xu hướng này đang giảm xét về tỷ lệ của các biến thể Alpha, Beta và Gamma, và với sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Tổng cộng khoảng 3.775 mẫu (tức 0,4%) là biến thể Omicron, trong khi 3 biến thể VOC khác chiếm gần 0,1% mỗi loại.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng cảnh báo Omicron có thể trở thành biến thể phổ biến nhất tại châu Âu, muộn nhất vào giữa tháng 1/2022, sau khi số ca nhiễm Omicron tại châu lục này tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày.

Tin bài liên quan