Áp lực tỷ giá càng lớn, dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ càng thu hẹp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng leo lên mức 24.073 tại ngày 5/9 (tăng 1,6% so với cuối tháng 7 năm 2023 và tăng 1,9% so với đầu năm 2023).

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, theo Tổng cục Thống kê, CPI của Việt Nam tăng 2,96% so với cùng kỳ trong tháng 8/2023, cao hơn mức tăng 2,06% so với cùng kỳ trong tháng trước đó. So sánh theo tháng, CPI tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3/2022.

Đà tăng mạnh của giá xăng dầu tháng vừa qua đã kéo chỉ số CPI nhóm giao thông vận tải tháng 8/2023 tăng 3,85% so với tháng trước và là yếu tố gia tăng áp lực lên lạm phát. Trong khi đó, lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ trong tháng 8/2023, giảm nhẹ so với mức tăng 4,65% so với cùng kỳ trong tháng 7/2023.

Cũng trong tháng 8/2023, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm 0,5 điểm % so với cuối tháng 7 về mức 5,9%/năm (giảm gần 2 điểm % so với đầu năm 2023). Đà giảm của lãi suất huy động được thúc đẩy bởi tình trạng dư thừa thanh khoản hệ thống trong bối cảnh cầu tín dụng yếu cũng như Chính phủ mở rộng chính sách tài khóa.

Theo ông Hinh, kỳ vọng lãi suất cho vay giảm rõ rệt hơn trong những tháng cuối năm 2023. Cụ thể, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng 2023 và NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

“Chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những tháng tới và tin rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân”, ông Hinh nói.

Trong diễn biến có liên quan, ông Hinh cho biết, áp lực tỷ giá tiếp tục gia tăng trong tháng 8/2023. Chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) leo lên mức 104,8 điểm tại ngày 05/09/2023 (tăng 2,9% so với cuối tháng 7/2023).

Theo ông Hinh, đà tăng được thúc đẩy bởi lo ngại về khả năng FED có thể tăng lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm nay và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đẩy mạnh phát hành để bù đắp thâm hụt ngân sách. Đồng USD mạnh lên đã gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng, kéo tỷ giá USD/VND liên ngân hàng lên mức 24.073 tại ngày 5/9.

Đồng thời, đồng USD cũng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực, bao gồm Thái Lan (tăng 2,5% so với đầu năm), Trung Quốc (tăng 5,5% so với đầu năm) và Malaysia (tăng 5,9% đầu năm). Đà tăng gần đầy của tỷ giá có tác động trái chiều tới nền kinh tế. Tỷ giá tăng gây thêm áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân), cùng với đó, làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên.

Do đó, áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp. Dẫu vậy, ông Hinh cho biết, NHNN vẫn sẽ những yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá trong năm nay, bao gồm thặng dư thương mại ở mức cao; dòng vốn FDI và kiều hối ổn định; và nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng mức giảm giá vừa phải của VND so với USD (<3%) sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam). Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, điều này ít có khả năng khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh khỏi Việt Nam”, ông Hinh nêu quan điểm.

Tin bài liên quan