Tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ chưa cao

Tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ chưa cao

Ba yếu tố để bảo hiểm nhân thọ phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm tháng đầu năm, doanh thu phí mới của khối bảo hiểm nhân thọ suy giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đang hy vọng đà tăng trưởng phí mới sẽ trở lại trong quý III này.

Doanh thu khai thác mới 5 tháng giảm 4,8%

Theo ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 1.186.891 hợp đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 40,8%, giảm 35,6% so với cùng kỳ; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 23%, tăng 90,8% so với cùng kỳ; sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 26,5%, giảm 28,2% so với cùng kỳ; sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 8,5%, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 13.290.143, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Phí bảo hiểm khai thác mới 5 tháng đạt 19.547 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng, tổng doanh thu phí của toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm 52,2%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm 16,6%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm 19,6%; sản phẩm phụ chiếm 10%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm 1,5%; trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,6%, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,1%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,41%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,0006%...

Nếu như nửa đầu năm ngoái, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn trong giai đoạn căng thẳng, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 40% thì nửa đầu năm 2022, khi các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ lại kém thuận lợi.

Kỳ vọng sẽ sớm phục hồi

Với các công ty bảo hiểm đa quốc gia, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn có nhiều động lực để phát triển.

Ông Gaurav Sharma - Tổng giám đốc BIDV MetLife

Các doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận, những khó khăn ngắn hạn về mặt kinh tế như giá cả hàng hóa tăng cao khiến cho người dân thắt chặt chi tiêu, trong đó chi tiêu cho bảo hiểm không là ngoại lệ. Dù khách hàng mới tạm thời chưa tham gia bảo hiểm, nhưng nhu cầu về bảo hiểm vẫn ở đó, nên về lâu dài tiềm năng thị trường vẫn còn rất lớn.

Theo ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV MetLife, có 3 yếu tố cơ bản để tin rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam sẽ sớm phục hồi và tiếp tục phát triển trong dài hạn. Thứ nhất, các công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam đều có nền tảng tài chính vững chắc, với cam kết phát triển lâu dài ở Việt Nam. Thứ hai, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều đã đầu tư mạnh mẽ cho cả hai kênh bán bảo hiểm quan trọng là kênh đại lý và bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Yếu tố thứ ba là tất cả các công ty bảo hiểm đều đã đầu tư rất lớn vào các dịch vụ gia tăng giá trị cho khách hàng.

“Đối với các công ty bảo hiểm đa quốc gia đã có sự hiện diện ở các thị trường thì thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn có nhiều động lực để phát triển và họ vẫn tiếp tục cho ra mắt sản phẩm mới, đầu tư vào công nghệ. Từ những nền tảng cơ bản như vậy thì sau một thời gian, các công ty bảo hiểm sẽ tăng trưởng trở lại”, ông Gaurav Sharma nhận định.

Ông Gaurav Sharma cũng cho biết, trong thời gian tới, BIDV MetLife sẽ ra mắt một dịch vụ tổng thể là Metcare nhằm trao thêm quyền tự chủ cho khách hàng tra vấn thông tin về hợp đồng.

Sau khoảng 7 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, kết thúc năm tài chính 2021, BIDV Metlife bắt đầu có lãi. Sau nhiều năm phát triển kênh bancassurance với Ngân hàng BIDV, mới đây, hãng bảo hiểm này đã phát triển thêm kênh đại lý với hai văn phòng đại lý ở Hà Nội và TP.HCM. Theo ông Gaurav Sharma, kênh đại lý ở Hà Nội đang phát triển rất tốt, còn ở TP.HCM vì dịch bệnh thời gian qua căng thẳng nên việc tuyển mới nhân viên tư vấn gặp một số khó khăn, nhưng “hy vọng sẽ ổn hơn trong thời gian tới”.

Ngoài những động lực trên, theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tỷ lệ người tham gia bảo hiểm chưa cao, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cũng mang lại tiềm năng cho thị trường. Một động lực khác là việc cải tiến sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang không ngừng nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường độ tương tác với khách hàng và làm việc này tương đối tốt. Các khâu thẩm định, bồi thường bảo hiểm cũng được thực hiện nhanh chóng hơn trước...

Là doanh nghiệp bảo hiểm sớm đầu tư mạnh cho ứng dụng công nghệ, Generali Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi 100% các hoạt động vận hành, dịch vụ khách hàng sang trực tuyến. Được biết, Generali đang nỗ lực nâng cấp hệ sinh thái kỹ thuật số chăm sóc sức khỏe tiên phong trên thị trường và sẽ ra mắt GenVita phiên bản mới trong năm 2022.

Theo đại diện hãng bảo hiểm này, cả Generali Việt Nam và Tập đoàn Generali đều có những kế hoạch chiến lược nhằm tiếp tục đẩy mạnh mảng bảo hiểm sức khỏe thông qua việc phát triển sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ và nâng cao doanh thu từ các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe. Tại Việt Nam, Generali đang ráo riết chuẩn bị để có thể sớm ra mắt một số sản phẩm đặc biệt trong năm nay, đáp ứng nhu cầu của các gia đình có con nhỏ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang tăng cao của khách hàng.

Các doanh nghiệp hy vọng những khó khăn về mặt kinh tế khiến cho khách hàng chưa tham gia bảo hiểm chỉ tạm thời. Sắp tới, những định hướng của Chính phủ cũng sẽ tạo tiền đề để các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tập trung mang lại những sản phẩm mới đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tin bài liên quan