Bồi thường thiệt hại bảo hiểm thiên tai đang gia tăng nhanh.

Bồi thường thiệt hại bảo hiểm thiên tai đang gia tăng nhanh.

Bảo hiểm lại lo gánh nặng bồi thường thiên tai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau đợt ngập lụt lịch sử tại Đà Nẵng và các tỉnh ven biển mới đây, một lần nữa những vấn đề liên quan đến bảo hiểm thiên tai được đề cập nhiều.

Thiệt hại có thể lên đến hàng chục tỷ đồng riêng về bảo hiểm xe cơ giới - đây chỉ là con số thống kê thiệt hại ban đầu vừa được một vài doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thống kê từ khách hàng qua trận mưa lụt tại Đà Nẵng vừa qua.

Tại 2 hãng bảo hiểm đứng thứ 3 và 10 về doanh thu trên thị trường, hiện có khoảng 500 khách hàng thông báo về những thiệt hại ban đầu đối với xe ô tô của họ. Các doanh nghiệp dự báo, số tiền bồi thường sẽ còn tăng lên khi số liệu thống kê thiệt hại về xe cơ giới và thiệt hại về tài sản hàng hóa được khách hàng cũng như bộ phận giám định bồi thường của các công ty bảo hiểm cập nhật đầy đủ.

Trước đó, hồi tháng 6/2022, sau trận mưa lớn khiến nhiều khu vực tại Hà Nội ngập lụt nặng, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng đã ghi nhận nhiều tổn thất đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

Cụ thể, theo thống kê sơ bộ, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã tiếp nhận khoảng 250 cuộc gọi thông báo tổn thất của các khách hàng lên tổng đài hỗ trợ. Phần lớn thiệt hại tập trung vào việc xe ô tô bị ngập nước, một số khách hàng cũng bắt đầu thông báo thiệt hại về hàng hóa. Hiện tại, PTI đã huy động các giám định viên từ các địa phương lân cận kịp thời hỗ trợ cho khách hàng chịu tổn thất tại Đà Nẵng.

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, đa phần người dân miền Trung - khu vực thường xuyên bị thiệt hại bởi thiên tai - chỉ mua bảo hiểm ô tô, mà gần như không mua thêm các bảo hiểm thiệt hại về nhà cửa và tài sản trong nhà, trong khi đây tài sản là phổ biến nhất. Thực tế này xuất phát từ 2 nguyên nhân: Một là ý thức bảo vệ cho tài sản của người dân chưa cao; hai là các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không mặn mà bán bởi rủi ro hệ thống tại khu vực “rốn lũ” miền Trung khá cao.

Khi mưa lớn bất thường gây lụt lội nghiêm trọng dường như xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn tại đô thị lớn, các hãng bảo hiểm sẽ buộc phải xem xét lại việc tính phí và cấp đơn cho khách hàng.

Theo dữ liệu của Công ty Môi giới bảo hiểm và Tái bảo hiểm Aon, tổng tổn thất do thiên tai được bảo hiểm trên toàn cầu đã lên tới 39 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, tăng khoảng 18% so với mức trung bình của thế kỷ 21. Theo hãng bảo hiểm này, sẽ có diễn biến tổn thất phức tạp ở hầu hết các khu vực trên thế giới, khi các chi phí liên quan đến lũ lụt theo mùa, hạn hán và bão được cập nhật đầy đủ.

Trong báo cáo của mình, Aon cũng cho biết: “Dấu hiệu của biến đổi khí hậu tiếp tục trở nên rõ ràng hơn trong từng sự kiện, cũng như xu hướng về nhiệt độ và lượng mưa trong nửa đầu năm 2022. Nhiệt độ ấm hơn mức trung bình ở phạm vi rộng trên toàn cầu đã được viện dẫn để chứng minh cho các hình thái thời tiết bất thường hơn do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina diễn ra liên tục trong gần ba năm qua”.

Dự báo 2 quý cuối năm 2022, Aon nhấn mạnh, quý III thường là quý xảy ra nhiều tổn thất nhất trong năm, còn các nhà thời tiết dự báo mức độ hoạt động sẽ cao hơn trung bình trong mùa bão ở Đại Tây Dương. Bên cạnh đó, quý IV cũng có khả năng gây tốn kém cho ngành bảo hiểm.

Phí bảo hiểm ở châu Á đã tăng khoảng 3% trong quý II/2022, cùng tốc độ tăng như quý I/2022. Đây là kết quả của báo cáo “Chỉ số thị trường bảo hiểm toàn cầu” quý II/2022 do Marsh - công ty môi giới bảo hiểm hàng đầu thế giới phát hành. Theo hãng môi giới bảo hiểm này, phí bảo hiểm tiếp tục tăng cao hơn mức trung bình đối với rủi ro thiên tai.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Công ty Xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng, phí tái bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trong mùa tái tục tháng 1/2023, ngay cả khi không có các tổn thất thảm họa lớn trong suốt nửa cuối năm 2022.

Tin bài liên quan