Tương tự các ngành kinh tế khác, thách thức đối với ngành bảo hiểm giai đoạn hiện tại là sức mua suy giảm

Tương tự các ngành kinh tế khác, thách thức đối với ngành bảo hiểm giai đoạn hiện tại là sức mua suy giảm

Bảo hiểm nhân thọ vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với thực trạng bán bảo hiểm cũng như tuyển dụng mới của kênh đại lý tiếp tục sụt giảm, lùm xùm xung quanh kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng gia tăng, tăng trưởng doanh thu phí mới quý I/2023 chưa khởi sắc…

Khó khăn đeo bám

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến nay, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 817.724 tỷ đồng (tăng 13,66% so với cùng kỳ năm trước); đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 662.835 tỷ đồng (tăng 12,59%); tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 526.441 tỷ đồng (tăng 14,65%); tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 163.058 tỷ đồng (tăng 6,64%); tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 21.358 tỷ đồng (tăng 13,38%).

Doanh thu phí mới của ngành nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng chưa thể khởi sắc. Hiệu quả khai thác doanh thu phí bảo hiểm mới qua kênh đại lý tiếp tục sụt giảm do khó tuyển dụng đại lý mới. Trong lĩnh vực nhân thọ và mở rộng hơn là toàn ngành bảo hiểm, đại lý bảo hiểm là lực lượng chủ lực, mang lại nguồn doanh thu chính cho doanh nghiệp. Bởi vậy, khi việc tuyển dụng đại lý mới gặp khó thì doanh thu phí mới đến từ kênh này cũng khó khả quan.

“Đây là thách thức lớn mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang phải đối mặt”, đại diện một doanh nghiệp có thị phần khai thác phí mới nằm trong tốp dẫn đầu thị trường nhấn mạnh.

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (chưa bao gồm Bảo Việt Nhân thọ), doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường trong tháng 1/2023 qua kênh đại lý (agency) giảm 28%, qua kênh ngân hàng (bancassurance) giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, doanh thu phí mới qua toàn bộ các kênh bán của khối nhân thọ trong thời gian này giảm khoảng 27%.

Kết thúc năm 2022, số liệu thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua các kênh tăng 4% so với năm 2021, trong đó kênh bancassurance tăng gần 21%, nhưng kênh đại lý lại giảm 10%.

Nỗ lực và hy vọng

Để ngăn chặn việc bán sai đối tượng, bán chưa đúng nhu cầu…, việc gia tăng minh bạch thông tin, quản lý chặt công tác bán hàng, cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng là vô cùng quan trọng.

“Doanh thu phí mới của tất cả các kênh đều giảm mạnh trong tháng đầu năm 2023 một phần do trùng vào thời gian nghỉ Tết kéo dài và dự báo tình hình khai thác kinh doanh thu phí mới trong tháng 2 cũng chưa thể khởi sắc hơn, cho dù các doanh nghiệp đã và đang kích hoạt một loạt chương trình bán hàng với nhiều quyền lợi hấp dẫn cho cả đại lý và khách hàng”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn khác cho hay.

Thực tế, tương tự các ngành kinh tế khác, thách thức đối với ngành bảo hiểm trong giai đoạn hiện tại là sức mua suy giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 1/2023 ước đạt 544.800 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng liền trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%).

Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng mới đạt 88,1% quy mô chỉ tiêu này trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay. Người tiêu dùng lo lắng về suy giảm kinh tế nên thắt chặt chi tiêu và bảo hiểm là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trước khó khăn chung này.

Ngoài ra, những lùm xùm liên quan tới việc bán bảo hiểm qua ngân hàng có dấu hiệu gia tăng mạnh thời gian gần đây cũng khiến các cơ quan chức năng siết chặt hơn các điều kiện bán hàng, đặc biệt đối với dòng sản phẩm đang mang về doanh thu tốt là bảo hiểm liên kết đơn vị Unit-linked.

Theo giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn, việc bán các sản phẩm Unit-linked sẽ bị thắt chặt hơn trong thời gian tới. Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu tổ chức các cuộc thi để cấp chứng chỉ bán bảo hiểm riêng cho các sản phẩm unit-linked vì đây là dòng sản phẩm có rủi ro tư vấn cao hơn các dòng sản phẩm khác.

Để hạn chế các rủi ro, dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 yêu cầu các ngân hàng bán chéo bảo hiểm phải lưu lại toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng trong 5 năm gần nhất. Đồng thời, với các loại bảo hiểm liên kết đầu tư được bán qua kênh bancassurance, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng, phải xác nhận việc khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm là tự nguyện…

“Dù quy định hiện hành chỉ yêu cầu nhà bảo hiểm thu âm hoặc ghi hình quy trình tư vấn khi bán bảo hiểm qua ngân hàng, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện đồng thời cả 2 công đoạn vì cho rằng chỉ thu âm thôi là chưa đủ bởi rất khó kiểm tra giọng nói trong đoạn ghi âm có phải là của khách hàng đó hay không”, vị giám đốc kinh doanh trên thông tin thêm.

Cũng liên quan tới kênh bancassurance, theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, một số doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn có quy định cụ thể về giới hạn chi trả hoa hồng năm đầu tiên để ngân hàng đối tác tập trung hơn vào công tác bán hàng và chăm sóc khách hàng, duy trì phí tái tục những năm sau…

Về việc kiểm soát chặt chẽ hơn các kênh bán bảo hiểm nói chung, kênh bán qua ngân hàng nói riêng, bên cạnh sự đồng tình, cũng có ý kiến lo ngại động thái này sẽ khiến công tác khai thác phí mới trở nên khó khăn hơn.

“Một số thành viên thị trường lo ngại việc khai thác phí mới của kênh bancassurance sẽ chững lại vì các yêu cầu kiểm soát chặt hoạt động bán hàng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, kênh này sẽ vẫn tăng trưởng vì lượng khách hàng hiện hữu lớn và uy tín của ngân hàng tác động tích cực tới tâm lý khách hàng. Ngoài triển khai các sản phẩm bảo hiểm đối với người vay, các công ty bảo hiểm sẽ phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với người gửi tiền. Do đó, để ngăn chặn việc bán sai đối tượng, bán chưa đúng nhu cầu…, việc gia tăng minh bạch thông tin, quản lý chặt công tác bán hàng, cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng là vô cùng quan trọng”, vị giám đốc kinh doanh nhấn mạnh.

Song song với thúc đẩy khai thác kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng và kiểm soát chặt hơn công tác bán hàng theo quy định mới, các hãng bảo hiểm còn tiếp tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng bảo hiểm qua kênh đại lý và các kênh bán khác. Trong đó, kênh trực tuyến với dư địa khai thác doanh thu phí mới còn rất lớn sẽ được chú trọng đầu tư để tạo nguồn khách hàng mới trong tương lai. Việc đẩy mạnh bán bảo hiểm trực tuyến qua các app (ứng dụng) ngân hàng cũng giúp khách hàng chủ động tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình hơn. Với những nỗ lực thay đổi từ quy trình hoạt động tới sản phẩm, dịch vụ, các doanh nghiệp nhân thọ kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc hơn thời gian tới.

Tin bài liên quan