Ông Trần Trung Tính.

Ông Trần Trung Tính.

Bảo hiểm phi nhân thọ: Cơ hội hậu khủng hoảng

(ĐTCK-online) Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, trong những tháng đầu năm 2009, các sản phẩm bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, cháy nổ, hàng không… sụt giảm. Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt như: bảo hiểm xây dựng lắp đặt tăng trưởng 55%, bảo hiểm xe cơ giới 26%, bảo hiểm tai nạn con người 22%... Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Trung Tính, Phó giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, sau khủng hoảng kinh tế sẽ là thời điểm các sản phẩm bảo hiểm xây lắp, tín dụng, bảo lãnh… lên ngôi.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) Việt Nam dư địa vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo hiểm xây dựng và lắp đặt, các DN bảo hiểm mới chỉ khai thác khoảng 40% tiềm năng. Đâu là nguyên nhân của việc này, thưa ông?

Hiện nay, doanh thu ngành bảo hiểm mới chỉ chiếm xấp xỉ 2% GDP. So với con số trung bình trong khu vực là 5 - 6% và các nước phát triển là 8 - 9% GDP, thì ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn còn dư địa lớn để phát triển. Trong khi đó, thị trường BHPNT hiện nay tăng trưởng với tốc độ ổn định khoảng 30%/năm, khá ấn tượng so với khu vực. Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất khiến thị trường này chưa thực sự phát triển là do nhận thức của khách hàng về sự cần thiết của các dịch vụ bảo hiểm còn khá thấp, dẫn tới nhu cầu của họ đối với một số sản phẩm bảo hiểm chưa cao. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân khác như: sản phẩm dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng phục vụ khách hàng chưa được các công ty bảo hiểm chú trọng…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm BHPNT hiện nay chưa phong phú và linh hoạt. Phải chăng do năng lực của các DN bảo hiểm chưa bắt kịp nhu cầu thị trường?

Với doanh thu bảo hiểm bình quân tại Việt Nam chỉ có 13 USD/người/năm, thì danh mục các sản phẩm BHPNT mà các DN đang cung cấp vẫn còn chưa phong phú và xứng tầm với tốc độ phát triển của thị trường này. Lý do thì từ nhiều phía, từ nhận thức tiếp nhận của khách hàng và cả chủ quan từ phía DN. Nhưng lý do lớn nhất vẫn là từ ý thức tiếp nhận của khách hàng. Để cải thiện tình hình này, theo tôi quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về lợi ích, giá trị của các sản phẩm bảo hiểm, đồng thời, các công ty bảo hiểm phải chủ động đầu tư hợp lý cho công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.

Sau khi cơ bản hoàn chỉnh hệ thống kênh phân phối, hiện nay chúng tôi đang tập trung cho việc phát triển sản phẩm. Đặc biệt, từ tháng 9/2009, BIC đã bắt đầu thí điểm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh bao gồm: bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh bảo hành.

Sản phẩm này hiện nay được ứng dụng trên thế giới thế nào và ở Việt Nam ngoài BIC còn DN nào đã triển khai?

Sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh được áp dụng rất phổ biển ở nhiều thị trường châu Á như Hàn Quốc, Singapore... Tại Việt Nam, đã có công ty bảo hiểm thực hiện vài trường hợp bảo lãnh đơn lẻ nhưng chưa thực sự  phổ cập tới cộng đồng DN. Dư địa sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh nói chung và sản phẩm BHPNT nói riêng còn rất lớn, nên việc tham gia thêm của các DN bảo hiểm trong nước vào lĩnh vực này không chỉ làm tăng nhận thức cũng như nhu cầu về sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh từ các DN, chủ đầu tư, mà còn tạo ra sự hợp tác, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các DN trong nước và từ đó giảm dần mức nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài. Hiện nay, trên thị trường, các DN mới chỉ quen với hình thức bảo lãnh ngân hàng do có sự tin tưởng vào tiềm lực tài chính của các ngân hàng, hoặc do mối quan hệ về vốn giữa các ngân hàng và các DN. Về mặt bản chất, sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh của công ty bảo hiểm cũng tương tự như sản phẩm bảo lãnh của các ngân hàng. Bên cạnh việc mang lại thêm lựa chọn cho khách hàng, công ty bảo hiểm với tính năng động sẵn có và mức độ am hiểu rủi ro sẽ có quy trình bảo lãnh nhanh hơn trong nhiều trường hợp, đối với các DN có năng lực tài chính lành mạnh sẽ không cần ký quỹ và tài sản bảo đảm.

Ở giai đoạn đầu thí điểm, BIC chỉ nhằm vào một số nhóm đối tượng khách hàng nhất định có tiềm năng và cần sự hỗ trợ về nghiệp vụ từ các công ty tái bảo hiểm có kinh nghiệm trong việc triển khai sản phẩm này. Sau đó mới quyết định có mở rộng phát triển sản phẩm này trong bối cảnh thị trường Việt Nam hay không.

Theo đánh giá của ông thì những nghiệp vụ BHPNT nào sẽ được chú trọng nhất trong ngành bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới?

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2009 giảm đáng kể so với các năm gần đây. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao. Tôi cho rằng, cùng với việc phục hồi của nền kinh tế, các sản phẩm bảo hiểm xây dựng lắp đặt, tài sản, xe cơ giới, con người sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngoài ra, các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm bảo lãnh cũng sẽ có tốc độ tăng trưởng khả quan.